Nhiều doanh nghiệp trên cả nước phản ánh tình trạng vướng khâu thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy dẫn tới kéo dài thời gian đưa công trình đi vào hoạt động.
Nhiều doanh nghiệp (DN) trên cả nước phản ánh tình trạng vướng khâu thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) dẫn tới kéo dài thời gian đưa công trình đi vào hoạt động. Tại Đồng Nai, thời gian qua có hơn 30 công trình của các DN chưa được nghiệm thu về PCCC vì vướng mắc các quy định.
Cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh trực tiếp hướng dẫn cho các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc cấp phép, thẩm duyệt, nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy. Ảnh: Đ.TÙNG |
Vì vậy, từ đầu năm 2023 đến nay, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh đã nhiều lần tổ chức các buổi hội thảo, làm việc để tìm cách tháo gỡ vướng mắc cho các DN, các đơn vị tư vấn thiết kế về PCCC trên địa bàn tỉnh.
* Còn nhiều băn khoăn
Hiện nay, Công ty TNHH B.V.N. (chuyên sản xuất các thiết bị cơ khí, kim loại tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) vẫn chưa thể đưa vào sử dụng nhà xưởng rộng 1,4 ngàn m2 do chưa được nghiệm thu về PCCC. Bà Đỗ Thị Thùy Dương, quản lý bộ phận hành chính Công ty TNHH B.V.N. cho hay, vướng mắc nằm ở phần kiểm định sơn chống cháy.
Qua thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, phần lớn vướng mắc hơn 30 DN chưa thể nghiệm thu về PCCC trên toàn tỉnh xuất phát từ nguyên nhân chủ quan. Cụ thể là khi thiết kế, xây dựng, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thiết kế, thi công không bám sát, cập nhật và thực hiện đúng các quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC hiện hành.
Trong quý I-2023, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh đã thực hiện thẩm duyệt thiết kế về PCCC cho 21 công trình và nghiệm thu PCCC cho 57 công trình, chủ yếu là nhà xưởng các DN, công ty trong và ngoài khu công nghiệp. |
Nhất là khi trong vòng 3 năm (2020, 2021 và 2022), Bộ Xây dựng liên tục ban hành 3 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn phòng cháy cho nhà và công trình (QCVN 06:2020/BXD, QCVN 06:2021/BXD, QCVN 06:2022/BXD).
Điển hình như QCVN 06:2021/BXD diễn đạt lại cách tính chiều cao PCCC của nhà, sửa đổi một số quy định sử dụng tiêu chí chiều cao nhà thành tiêu chí chiều cao PCCC, cách xác định nhà thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng chính… có một số điểm khác với QCVN 06:2020/BXD. Việc này khiến các đơn vị tư vấn, thi công bị “rối” trước sự thay đổi của các quy chuẩn.
Lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cho hay, điều đó có thể dẫn tới tình huống các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công về PCCC (đã được chủ đầu tư ủy quyền) khi nộp hồ sơ không thành công (do thành phần hồ sơ không đầy đủ theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24-11-2020 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC) mà không thông báo lại cho chủ đầu tư. Từ đó khiến các DN, chủ đầu tư hiểu nhầm là Cơ quan Cảnh sát PCCC không phản hồi cho chủ đầu tư khi hồ sơ được nộp.
* Từng bước gỡ vướng
Để giúp các DN tháo gỡ những vướng mắc trong công tác thẩm duyệt, nghiệm thu PCCC, ngay từ đầu năm 2023, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh đã tổ chức hội thảo Trao đổi khó khăn, vướng mắc trong công tác thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu PCCC năm 2023. Trên cơ sở đó, Phòng đã tập hợp các kiến nghị, thắc mắc về quá trình nghiệm thu PCCC của các DN, đơn vị xây dựng gặp phải (như đã nêu ở trên) để chuyển lên cơ quan cấp trên xem xét, tháo gỡ.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Công điện số 220/CĐ-TTg ban hành vào ngày 5-4 về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC, ngày 7-4, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh tiếp tục tổ chức gặp mặt các chủ đầu tư, DN, đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị thi công để lắng nghe các vướng mắc của từng trường hợp.
Mới đây, sau khi nhận được hướng dẫn của Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an, trong 2 ngày 14 và 17-4, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh đã mời hơn 30 DN nói trên lên làm việc, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc cấp phép, thẩm duyệt, nghiệm thu PCCC đối với các hạng mục công trình. Phòng đã phân công nhiều cán bộ cùng trao đổi trực tiếp với các DN. Đặc biệt là lắng nghe, giải đáp thắc mắc, đưa ra các giải pháp, phương án để nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn thiết kế lựa chọn để tháo gỡ vướng mắc.
Cụ thể, về giải pháp gỡ khó cho việc kiểm định sơn chống cháy, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ đã hướng dẫn các DN điều chỉnh hồ sơ thiết kế, hạ bậc chịu lửa cho phù hợp. Đơn cử như, một số DN sau khi được hướng dẫn đã chọn biện pháp điều chỉnh hồ sơ thiết kế, hạ bậc chịu lửa từ bậc III xuống bậc IV theo như QCVN 06:2022/BXD. Như vậy, vừa đảm bảo diện tích khoang cháy nhưng không phải kiểm định vật liệu chống cháy. Nhờ đó DN sẽ không phải kiểm định sơn chống cháy cho nhà xưởng.
Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cho biết, hiện thủ tục được nộp trực tuyến 100% tại Cổng dịch vụ công Bộ Công an nên mọi thao tác, thông tin đều được lưu trữ trên hệ thống dữ liệu. Tất cả hồ sơ khi nộp thành công đều có một mã số hồ sơ riêng, có thể theo dõi quá trình xử lý hồ sơ nên rất thuận tiện cho DN.
“Thời gian tới, đơn vị tiếp tục làm việc với đại diện các DN đang gặp khó khăn trong việc cấp phép về PCCC để hướng dẫn tháo gỡ khó khăn cho DN. Đặc biệt, chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu, trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an để giải đáp thắc mắc, giúp DN tìm ra hướng mở cho những vướng mắc về nghiệm thu PCCC thời gian qua” - thượng tá Nguyễn Văn Hải cho biết.
Đăng Tùng