Nợ khó đòi luôn là vấn đề nan giải của hầu hết doanh nghiệp (DN) trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong lúc nền kinh tế đang gặp khó khăn như hiện nay, không ít DN phải kéo nhau ra tòa nhờ giải quyết những khoản nợ khó đòi.
Nợ khó đòi luôn là vấn đề nan giải của hầu hết doanh nghiệp (DN) trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong lúc nền kinh tế đang gặp khó khăn như hiện nay, không ít DN phải kéo nhau ra tòa nhờ giải quyết những khoản nợ khó đòi.
Một vụ án tranh chấp hợp đồng kinh tế được giải quyết tại TAND tỉnh. Ảnh: T.TÂM |
Theo nhiều DN, để kéo nhau ra tòa là chuyện “cực chẳng đã” không ai muốn. Bởi lẽ, việc tranh chấp ở tòa sẽ tốn nhiều thời gian và còn gây mất uy tín, làm ảnh hưởng đến mối quan hệ hợp tác giữa đôi bên.
* Tranh chấp liên quan đến hợp đồng kinh tế
Cầm xấp hồ sơ dày cộm chứng từ, hợp đồng trên tay, ông T.A. (đại diện pháp luật cho Công ty T., đóng tại TP.Biên Hòa) tỏ ra khá mệt mỏi. Ông nói, không ai muốn đi kiện đối tác làm ăn, nhưng chỉ vì đối tác không chịu thanh toán các khoản hợp đồng đã ký kết từ trước nên buộc ông phải đâm đơn kiện với hy vọng sớm lấy lại được số tiền đã bỏ ra đầu tư hạng mục công trình cho đối tác.
Ông T.A. cho biết, vào năm 2018, Công ty T. đã ký hợp đồng cung cấp và gia công trải thảm bê tông nhựa nóng cho Công ty C. (TP.HCM). Sau khi công ty ông T.A. đã thực hiện xong hạng mục và bàn giao công trình thì bên Công ty C. không thanh toán hết công nợ. Dù nhiều lần đòi nhưng khách hàng không trả nên Công ty T. đã làm đơn khởi kiện tại TAND TP.Biên Hòa. Đến cuối năm 2022, TAND TP.Biên Hòa tuyên buộc Công ty C. phải trả cho Công ty T. số tiền hơn 4 tỷ đồng. Mặc dù đã cầm bản án trên tay nhưng ông T.A. cho biết, sẽ còn lâu nữa công ty của ông mới có thể được thanh toán khoản nợ này. Điều này đã gây khó trong hoạt động kinh doanh của các bên.
Trong quý I-2023, TAND 2 cấp đã giải quyết 105 vụ/743 vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng. Trong khi quý I-2022, TAND 2 cấp đã giải quyết 51 vụ/238 vụ. |
Ngoài tranh chấp hợp đồng giữa các DN, các vụ tranh chấp liên quan đến hợp đồng tín dụng cũng diễn ra khá phức tạp và ngày càng tăng, nhất là liên quan đến hợp đồng vay vốn giữa các công ty và ngân hàng.
Điển hình, vào năm 2012, Ngân hàng A. (chi nhánh Đồng Nai) có ký hợp đồng tín dụng nhiều lần để cho Công ty N. (đóng tại TP.Biên Hòa) vay số tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng, với tổng số tiền hơn 5,5 tỷ đồng. Đến năm 2014, Công ty N. do gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nên đã vi phạm các điều khoản của hợp đồng tín dụng, không trả lãi và gốc đúng thời hạn với số tiền gốc và lãi phát sinh hơn 10 tỷ đồng.
Vào năm 2021, TAND TP.Biên Hòa tuyên buộc Công ty N. phải trả hơn 10 tỷ đồng cho ngân hàng; nếu không trả nợ được thì dùng các tài sản thế chấp đảm bảo cho việc thi hành án. Bản án bị kháng cáo và đến đầu năm 2023, TAND tỉnh đã tuyên buộc Công ty N. phải trả cho ngân hàng hơn 10 tỷ đồng.
Ngoài các tranh chấp liên quan đến việc đòi nợ theo hợp đồng, cũng có những trường hợp tranh chấp liên quan đến số tiền đã đặt cọc như trường hợp ông T. (ngụ H.Thống Nhất) khởi kiện Công ty D. (trụ sở tại TP.Long Khánh).
Cụ thể, vào năm 2018, ông T. có làm hợp đồng mua con giống của Công ty D. và đã đặt cọc số tiền 600 triệu đồng, số lượng con giống cung ứng là mỗi tuần 7,5 ngàn con. Tuy nhiên, quá trình cung ứng con giống của Công ty D. không đảm bảo số lượng, chất lượng nên đến năm 2019, ông T. yêu cầu chấm dứt hợp đồng và nhiều lần yêu cầu công ty trả lại tiền đặt cọc cho mình, nhưng phía công ty không đồng ý. Do đó, ông T. đã kiện Công ty D. yêu cầu trả tiền cọc. Riêng phía Công ty D. cho rằng, do ông T. đơn phương chấm dứt hợp đồng nên công ty không trả tiền đặt cọc.
Vào tháng 8-2022, TAND TP.Long Khánh đưa vụ án ra xét xử và tuyên buộc Công ty D. trả 600 triệu tiền đặt cọc cho ông T. Vì không đồng ý với bản án sơ thẩm nên Công ty D. làm đơn kháng cáo. Đến tháng 3-2023, TAND tỉnh đã tuyên y án sơ thẩm.
* Chú trọng chất lượng giải quyết án
Theo một thẩm phán TAND tỉnh, hợp đồng kinh tế là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Nội dung thỏa thuận liên quan đến hoạt động sản xuất, trao đổi hàng hóa, dịch vụ và các thỏa thuận khác có liên quan đến mục đích kinh doanh. Các dạng hợp đồng kinh tế chủ yếu như: mua bán, hợp tác kinh doanh, gia công, dịch vụ, thuê tài sản, tín dụng…
Thời gian qua, để giải quyết các tranh chấp liên quan đến kinh doanh, thương mại, các cơ quan chức năng đã ưu tiên giải quyết tranh chấp thông qua việc tự thương lượng, hòa giải. Trường hợp hai bên không thể thương lượng thì sẽ được đưa ra giải quyết tại các trung tâm trọng tài và nhiều nhất vẫn là giải quyết thông qua tranh chấp tại tòa án.
Vị thẩm phán này cho biết thêm, từ thực tiễn cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến sai sót trong các bản án hoặc quyết định dân sự trong án kinh doanh, thương mại để khiến vụ án kéo dài và bị hủy, sửa là do thẩm phán hiểu và vận dụng pháp luật chưa đầy đủ hoặc chưa phù hợp. Trong khi đó, công tác hướng dẫn, giải thích pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền lại chưa kịp thời. Hơn nữa, án kinh doanh, thương mại trong những năm gần đây có chiều hướng gia tăng và phức tạp. Các lĩnh vực bị khởi kiện đa phần liên quan đến ngân hàng, tài chính, đầu tư… Công tác quản lý trên lĩnh vực này cũng còn nhiều bất cập.
Thời gian tới, ngành tòa án sẽ tiếp tục nâng cao trách nhiệm, trình độ nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ thẩm phán, cán bộ ngành tòa án. Đồng thời, sẽ tăng cường công tác phối hợp liên ngành để việc cung cấp giấy tờ hồ sơ của các đơn vị liên quan và quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ trong vụ án được diễn ra nhanh, đạt kết quả cao hơn trên nguyên tắc đảm bảo chấp hành nghiêm chỉnh, thống nhất các quy định của pháp luật.
Tố Tâm