Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngăn những vụ án mạng đau lòng

07:04, 01/04/2023

Vụ án con trai ra tay sát hại mẹ dã man xảy ra tại P.Tân Thới Hiệp (Q.12, TP.HCM) vào ngày 30-3 đã gây chấn động dư luận.

Vụ án con trai ra tay sát hại mẹ dã man xảy ra tại P.Tân Thới Hiệp (Q.12, TP.HCM) vào ngày 30-3 đã gây chấn động dư luận. Làm việc với cơ quan công an, thủ phạm trong vụ án là Lê Văn Vàng (34 tuổi, ngụ P.Tân Thới Hiệp) thừa nhận hành vi giết mẹ. Do lêu lổng, không chí thú làm ăn, thường bị mẹ la rầy mà Vàng đã ra tay sát hại mẹ mình.

Đây chỉ là một trong số nhiều vụ án giết người thân xảy ra ở các tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai. Đó cũng là vấn đề xã hội cần quan tâm. Đa phần nguyên nhân các vụ án mạng giữa người thân với nhau là do: bị bệnh tâm thần; sử dụng rượu, bia; “ngáo đá”; tranh chấp tài sản; bị cha mẹ vô cớ đánh đập chửi bới; bị bạo lực gia đình…

Phần lớn thủ phạm đều là những người thiếu sự giáo dục, quan tâm của gia đình; hoàn cảnh gia đình phức tạp; có lối sống ích kỷ, hưởng thụ, coi trọng vật chất… Đến khi có mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra với người thân khiến họ mất bình tĩnh, không làm chủ hành vi dễ dẫn đến các vụ cố ý gây thương tích, thậm chí ra tay sát hại người thân của mình.

Xét từ các nguyên nhân và đối tượng phạm tội nêu trên thì hoàn toàn có thể phòng ngừa được các án mạng đau lòng giữa người thân xảy ra. Trong đó, nền tảng vẫn là sự quan tâm, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng giao tiếp ứng xử, cũng như định hướng nghề nghiệp từ gia đình, nhà trường. Đặc biệt, nhân cách, lối sống của cha mẹ, người thân chính là tấm gương để con cái noi theo, nhất là lòng hiếu thảo, tinh thần tự lập, có lối sống lành mạnh, tránh xa tệ nạn xã hội, nói không với bạo lực gia đình…

Ngoài ra, sớm có giải pháp can thiệp kịp thời đối với các đối tượng có nguy cơ cao gây án mạng trong gia đình như: bệnh nhân tâm thần; người nghiện ma túy “ngáo đá” hay nạn nhân của bạo lực gia đình. Thông thường, các gia đình thường che giấu những mâu thuẫn, xung đột hay hành vi bạo lực do người thân gây ra vì sợ điều tiếng. Điều này dẫn đến những mâu thuẫn lâu ngày không được can thiệp kịp thời, “tức nước vỡ bờ” nên dẫn đến những án mạng đau lòng nêu trên.

Để hạn chế những vụ án mạng này, cần phải có giải pháp đề phòng từ xa bằng sự quan tâm, giáo dục của gia đình, nhà trường; cũng như sự can thiệp kịp thời từ các cơ quan chức năng, chính quyền, hội, đoàn thể, nhất là ở cơ sở. Chỉ khi những mâu thuẫn, xích mích được hóa giải kịp thời sẽ hạn chế được sự nóng giận tức thời, ngăn được hậu quả nghiêm trọng từ các vụ án mạng đau lòng giữa những người thân trong gia đình.

Đặng Ngọc


 

Tin xem nhiều