Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiểu đúng bản chất về tự do báo chí, tránh bị lợi dụng để chống phá đất nước

08:03, 01/03/2023

Trang TS…, tự giới thiệu trên mạng xã hội là "Tổ chức chính phủ", có trụ sở đóng tại nước ngoài, với 4,5 ngàn lượt thích, 168 ngàn người theo dõi, đăng tải rất thường xuyên, tần suất dày đặc các clip chống phá về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam với phương châm thâm độc "nói càng nhiều sẽ càng tin", phát tán "virus" độc hại vào tư tưởng người tiếp cận.

Trang TS…, tự giới thiệu trên mạng xã hội là “Tổ chức chính phủ”, có trụ sở đóng tại nước ngoài, với 4,5 ngàn lượt thích, 168 ngàn người theo dõi, đăng tải rất thường xuyên, tần suất dày đặc các clip chống phá về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam với phương châm thâm độc “nói càng nhiều sẽ càng tin”, phát tán “virus” độc hại vào tư tưởng người tiếp cận.

Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội. Ảnh minh họa: tuyengiao.vn
Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội. Ảnh minh họa: tuyengiao.vn

Ngày 15-2, trang TS… đăng tải clip có nội dung thông tin bịa đặt, xuyên tạc “Báo A. “vùng lên” chiến đấu giành độc lập tự do làm “báo tử tế”. Nội dung clip cho rằng “làm báo tử tế, tự do là nhiệm vụ bất khả thi” rồi không ngừng công kích, xuyên tạc nền báo chí cách mạng Việt Nam, cũng như đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực thông tin - truyền thông.

Đây không phải lần đầu tiên các thế lực thù địch công kích vào nền báo chí cách mạng Việt Nam, mà đã từ lâu, các đối tượng này đã nhân danh cái gọi là “dân chủ”, “nhân quyền” một cách phiến diện để đòi “tự do báo chí” một cách vô nguyên tắc, không theo khuôn khổ pháp luật, đòi báo chí cách mạng Việt Nam phải theo “mô hình báo chí phương Tây”, đòi “tư nhân hóa báo chí”…

* Việt Nam tôn trọng và đảm bảo tự do báo chí

Trước hết, có thể khẳng định rằng, Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận của công dân, tự do báo chí. Điều này được quy định rõ ràng, nhất quán trong hệ thống pháp luật của Việt Nam từ khi thành lập nước cho đến nay.

Theo đó, trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 khẳng định: “Công dân Việt Nam có quyền: tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài” (Điều 10).

Tiếp đó, Điều 25 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Ngoài ra, với Luật Báo chí năm 2016 và Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, khung pháp lý của Việt Nam về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tiếp cận thông tin cơ bản đầy đủ, đồng bộ, tương thích với luật pháp quốc tế về quyền con người.

Luật Báo chí năm 2016 nêu chức năng báo chí: “Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân”.

Những năm qua, báo chí Việt Nam không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ, chức năng tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin rộng rãi mọi mặt đời sống xã hội đến với nhân dân, mà còn là chiếc cầu nối chuyển tải hiệu quả tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, đề xuất chính đáng của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực.

* Thế lực cơ hội chính trị cố tình chối bỏ sự thực khách quan

Có một thực tế mà các thế lực chống phá chính trị cố tình không đề cập đến là báo chí Việt Nam thông tin rộng rãi, công khai, minh bạch các vấn đề người dân quan tâm, những vấn đề nóng của đất nước như: truyền hình trực tiếp các cuộc chất vấn, trả lời chất vấn và tranh luận tại các kỳ họp Quốc hội; thông tin về các vụ xử lý những quan chức cấp cao vi phạm kỷ luật; thông tin các vụ án tham nhũng, tiêu cực… Những việc này góp phần tích cực, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước ta, thể hiện cụ thể, sinh động tự do báo chí ở nước ta.

Mỗi người dân, mà trước hết là cán bộ, đảng viên, cần nhận thức đúng bản chất của sự việc, từ đó tạo ra sức đề kháng cho bản thân trước các thông tin xấu độc, đồng thời có thể đấu tranh với các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng.

Là diễn đàn, là tiếng nói của nhân dân, suốt nhiều năm qua, báo chí Việt Nam đã đăng tải ý kiến người dân từ những việc trọng đại của đất nước như: tham gia góp ý xây dựng pháp luật, các ý kiến phản biện, đề xuất ý kiến về những chính sách… cho đến những góp ý và kiến nghị, quan điểm trên nhiều lĩnh vực.

Các thế lực phản động, cơ hội chính trị cố tình phớt lờ các con số cụ thể, thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của báo chí Việt Nam. Theo số liệu của Bộ TT-TT, tính đến ngày 21-2-2023, Việt Nam có 817 cơ quan báo chí, bao gồm: khối báo Đảng địa phương, khối tạp chí khoa học, khối bộ, ngành, khối trung ương…

Việt Nam chú trọng phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong phát triển đất nước, cũng như tôn trọng quyền tiếp cận internet của người dân. Theo thông tin từ Phiên họp thứ 5 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ diễn ra ngày 25-2-2023, tỷ lệ hộ gia đình có internet cáp quang băng rộng đạt 75%; tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt 85%…

Theo TTXVN, “Truyền thông quốc tế khi đề cập tới những “bí quyết” giúp Việt Nam kiểm soát hiệu quả các đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 đã nhiều lần nhắc tới yếu tố “thông tin minh bạch, rõ ràng”... Nhà báo David Hutt chuyên về chính trị Đông Nam Á đánh giá, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã rất minh bạch, cởi mở trong việc chia sẻ, cập nhật dữ liệu về tình hình dịch Covid-19. Đó là một trong những lý do khiến người dân Việt Nam đặt niềm tin vào các biện pháp chống dịch của chính phủ”.

* Tự do phải trong khuôn khổ pháp luật

Điều 13 Luật Báo chí quy định trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình. Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng”.

Trước lời lẽ, luận điệu vô căn cứ, xuyên tạc của các thế lực thù địch về nền báo chí cách mạng Việt Nam, ca ngợi phiến diện mô hình báo chí phương Tây, đòi Việt Nam phải tư nhân hóa báo chí…, luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh (thuộc Hội Luật gia tỉnh) cho biết, mỗi nhà nước đều có quy định hệ thống pháp luật khác nhau phù hợp với tôn chỉ, mục đích, văn hóa, đời sống thực tiễn… của mỗi nước, và nước nào cũng có những quy định riêng về tự do ngôn luận, tự do báo chí; đưa tự do ngôn luận, tự do báo chí trong khuôn khổ của pháp luật, chứ không có chuyện lợi dụng quyền tự do này để xúc phạm người khác, đi ngược lại lợi ích tập thể, dân tộc…

Một ví dụ điển hình là không chỉ Việt Nam ban hành Luật An ninh mạng để xử lý các hành vi vi phạm trên không gian mạng, mà trên thế giới, có hàng trăm quốc gia đã ban hành luật này hoặc quy định các điều luật về an ninh mạng trong bộ luật bảo đảm an ninh quốc gia nhằm xử lý nghiêm khắc những hành vi vi phạm trên không gian mạng.

Luật sư NGÔ VĂN ĐỊNH, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh (thuộc Hội Luật gia tỉnh) nhấn mạnh, trước những luồng thông tin xấu độc, mỗi người dân cần tỉnh táo xem xét, phân tích những luận điệu, lời lẽ, lập luận của các đối tượng phát tán thông tin xuất phát từ đâu, nhằm mục đích gì… Từ đó, mỗi người dân sẽ hiểu rõ bản chất của vấn đề và làm thất bại ý đồ dẫn dắt tư tưởng của các đối tượng chống phá.

Lâm Viên

Tin xem nhiều