Báo Đồng Nai điện tử
En

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xét xử các vụ án

08:02, 04/02/2023

Theo đánh giá của ngành tòa án Đồng Nai, năm 2022, số lượng vụ, việc mà tòa án 2 cấp phải thụ lý giải quyết tương đối lớn; tính chất, mức độ của các vụ, việc ngày càng nghiêm trọng. Đặc biệt là tranh chấp liên quan đến án dân sự, khiếu kiện hành chính kéo dài vẫn diễn ra phức tạp.

Theo đánh giá của ngành tòa án Đồng Nai, năm 2022, số lượng vụ, việc mà tòa án 2 cấp phải thụ lý giải quyết tương đối lớn; tính chất, mức độ của các vụ, việc ngày càng nghiêm trọng. Đặc biệt là tranh chấp liên quan đến án dân sự, khiếu kiện hành chính kéo dài vẫn diễn ra phức tạp.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh làm việc với Ban Cán sự Đảng TAND tỉnh về kết quả đạt được trong năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023. Ảnh: T.Tâm
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh làm việc với Ban Cán sự Đảng TAND tỉnh về kết quả đạt được trong năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023. Ảnh: T.Tâm

Đây là một trong những vấn đề khó khăn, thách thức đòi hỏi thời gian tới ngành tòa án tỉnh phải nỗ lực và đề ra nhiều giải pháp hiệu quả trong công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và giải quyết các tranh chấp phát sinh.

* Nhiều khó khăn trong quá trình xét xử

Lãnh đạo TAND tỉnh cho biết, năm 2022 là một trong những thời điểm khó khăn nhất của ngành tòa án khi lượng án tăng cao do chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Năm 2022, bình quân mỗi thẩm phán phải giải quyết 94 vụ (chỉ tiêu TAND tối cao giao mỗi thẩm phán giải quyết 72 vụ/năm).

Đặc biệt là các vụ án dân sự liên quan đến tranh chấp đang tăng và tính chất ngày càng phức tạp. Trong đó có nhiều vụ án đương sự không chịu hợp tác, dẫn đến vụ án kéo dài. Điển hình như TAND tỉnh đang thụ lý vụ án liên quan đến tranh chấp đất đai giữa ông S.H. (74 tuổi) và bà H.A. (72 tuổi), cả 2 cùng ngụ TP.Long Khánh.

Tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng TAND tỉnh ngày 31-1, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH yêu cầu ngành tòa án phải chú trọng trau dồi về chuyên môn, nghiệp vụ để tăng tỷ lệ giải quyết án, giảm tỷ lệ án hủy, sửa, án kháng nghị; tăng cường kiểm soát nội bộ, tạo môi trường làm việc tích cực và phải tuyển đủ biên chế để đảm bảo nhân lực giải quyết án trong thời gian tới.

Theo nội dung vụ án, vợ chồng bà N.Đ. (ngụ TP.Long Khánh) có 6 người con, trong đó có ông S.H. và bà H.A. Vào năm 1977, vợ chồng bà N.Đ. mua gần 6 ngàn m2 đất tại TP.Long Khánh. Năm 1991, gia đình bà H.A. được cho về ở và canh tác trên thửa đất cùng với cha mẹ. Đến năm 2015, khi bà N.Đ. muốn chia đất cho các con thì phát hiện giấy tờ đất đều đứng tên con gái là bà H.A. Do đó, ông S.H. đã làm đơn khởi kiện chị gái để đòi lại đất thừa kế.

Trong quá trình giải quyết vụ án, dù ngành tòa án đã tiến hành làm việc nhiều lần và thực hiện thu thập chứng cứ, đo đạc đất đai nhưng bà H.A. không chịu hợp tác và liên tiếp ngăn cản cơ quan chức năng làm việc vì cho rằng đất đã được cha mẹ cho, đã được cấp “sổ đỏ”.

Ngoài ra, hiện Đồng Nai cũng là một trong những địa phương có lượng án hình sự rất lớn, trong khi thẩm phán và thư ký lại quá ít. Đặc biệt, thời gian qua, TAND tỉnh đã đưa đại án buôn lậu xăng ra xét xử. Đây là vụ án kỷ lục về số lượng bị cáo và thời gian xét xử tại Đồng Nai nên đòi hỏi đội ngũ thẩm phán và thư ký phải bỏ rất nhiều thời gian, công sức nghiên cứu và xét xử trong suốt thời gian dài (xét xử đợt 1 là 45 ngày). Do đó, các thẩm phán không còn nhiều thời gian giải quyết các vụ án khác.

* Gỡ khó trong giải quyết án

Thẩm phán Võ Thị Thanh Phượng, Chánh Văn phòng TAND tỉnh cho hay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên hầu hết các vụ án của năm 2021 đều được chuyển sang năm 2022. Vì vậy, bên cạnh số lượng án ngày càng tăng của năm 2022 thì lượng án chuyển từ năm cũ sang là rất lớn, gần 7,3 ngàn vụ, việc.

Trong khi đó, đội ngũ công chức ngành tòa án thiếu, đặc biệt là thư ký. Hiện nay, dù khối lượng công việc rất lớn nhưng mỗi thư ký phải giúp việc cho 2-4 thẩm phán. Do không đủ thư ký nên buộc các thẩm phán phải tự thực hiện rất nhiều thủ tục tố tụng, ảnh hưởng rất lớn đến việc nghiên cứu hồ sơ, thu thập chứng cứ để đưa vụ án ra giải quyết…

Năm 2022, TAND 2 cấp đã giải quyết hơn 19,2 ngàn vụ, việc/tổng số hơn 23,6 ngàn vụ, việc đã thụ lý (đạt tỷ lệ 81,5%).

Cũng theo Chánh án TAND TP.Biên Hòa Lê Văn Thăng, hiện TAND thành phố có 6,4 ngàn vụ, việc, trong khi chỉ có 44 thẩm phán (tương đương mỗi thẩm phán phải giải quyết gần 150 vụ/năm). Với khối lượng công việc quá lớn, tỷ lệ giải quyết án đặt ra quá cao nên thẩm phán rất áp lực khi giải quyết án. Hơn nữa, trình độ dân trí một số nơi vẫn còn thấp, gây nên khó khăn trong quá trình giải quyết án.

Theo TAND tỉnh, án dân sự phần lớn chậm do liên quan đến tranh chấp đất đai. Trong đó, nhiều vụ tranh chấp có nguồn gốc đất lâu đời; quá trình tranh chấp đất có nhiều sai sót, thay đổi; đương sự không hợp tác; đất đai bán qua nhiều người và không thể triệu tập những người liên quan trong vụ án... Hơn nữa, việc cung cấp chứng cứ, tài liệu của các cơ quan chức năng trong một số vụ, việc còn chậm, dẫn đến quá trình giải quyết án khó khăn, kéo dài.

Chánh án TAND H.Long Thành Nguyễn Thị Phụng cho hay, những năm gần đây, Long Thành là một trong những địa phương có quan hệ mua bán đất rất sôi nổi vì có dự án xây dựng sân bay Long Thành. Do đó, việc tranh chấp liên quan đến đất cũng tăng cao và phức tạp.

Để nâng cao hiệu quả trong giải quyết án, TAND H.Long Thành đã đưa ra nghị quyết, yêu cầu thẩm phán phải báo cáo tiến độ giải quyết các vụ án và kết quả giải quyết. Đồng thời, lãnh đạo TAND H.Long Thành cũng liên tục theo dõi, đôn đốc và định hướng giải quyết vụ án theo đúng quy định pháp luật.

Đối với TAND tỉnh, trong năm 2023, ngành tòa án đề ra nhiều giải pháp trọng tâm, hiệu quả để nâng cao chất lượng xét xử, hoàn thành tốt các chỉ tiêu công tác. Ngoài việc tăng cường công tác xét xử đảm bảo nghiêm minh, kịp thời và đúng pháp luật, lãnh đạo các đơn vị cũng tập trung phân tích nguyên nhân và đề ra giải pháp khắc phục; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, khắc phục triệt để những tồn tại, sai sót xảy ra.

Ngoài ra, ngành tòa án cũng chú trọng khuyến khích, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có giải pháp, sáng kiến nâng cao số lượng, chất lượng giải quyết các vụ, việc cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế; thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “vì công lý”; nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo trong ngành tòa án. Đặc biệt là làm tốt hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát để sớm phát hiện những sai sót, vướng mắc và tìm cách tháo gỡ.              

Tố Tâm

Tin xem nhiều