Gần đây, trên trang mạng xã hội T.N.H.K, các thế lực thù địch khai thác ráo riết chủ đề miễn nhiệm, từ chức của cán bộ, xây dựng văn hóa từ chức của nước ta với thủ đoạn rất thâm độc.
Gần đây, trên trang mạng xã hội T.N.H.K, các thế lực thù địch khai thác ráo riết chủ đề miễn nhiệm, từ chức của cán bộ, xây dựng văn hóa từ chức của nước ta với thủ đoạn rất thâm độc.
Hình minh họa: Mạnh Tiến/qdnd.vn |
Ban đầu, các đối tượng chống phá này thu hút sự quan tâm của người xem bằng cách bịa đặt thông tin nóng về tình hình nhân sự cấp cao của nước ta như: “Rộ tin cán bộ A. sắp từ chức”, “rộ trào lưu xin nghỉ việc của quan chức”. Sau đó, các đối tượng chống phá rêu rao rằng “xin từ chức để hạ cánh an toàn, hiệu ứng domino. Nhóm lợi ích và những người đã nhúng chàm sẽ thi nhau xin nghỉ. Không ai muốn làm nữa… Bởi vì ăn đủ rồi, bây giờ không may xộ khám thì tiêu và mất hết tất cả… cho nên xin nghỉ. Đã có rất nhiều người gần đây xin nghỉ”. Rồi kết luận phỏng đoán kiểu: “đang tìm người thay thế”…
* Miễn nhiệm, từ chức là việc bình thường
Trước hết, có thể khẳng định rằng, từ chức là việc diễn ra khá phổ biến, không phải đến thời nay mới có. Trong lịch sử nước ta, thời phong kiến đã có các vị quan đã cáo quan về ở ẩn.
Th.S Trần Quang Toại, Phó chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh cho biết: “Bây giờ chúng ta gọi là văn hóa từ chức nhưng hàng mấy trăm năm trước, trong xã hội phong kiến, người ta gọi là cáo lão từ quan! Điển hình trong lịch sử Việt Nam có nhân vật Mạc Đĩnh Chi thời nhà Trần, ông dâng một “Thất trảm sớ” đề nghị chém 7 nịnh thần trong triều đình nhưng triều đình không xử lý được nên ông cáo lão từ quan. Từ đó, Mạc Đĩnh Chi về quê dạy học, đào tạo ra các nho sĩ có học hành ra giúp sức cho đời. Cách đây nhiều năm, nhà sử học Dương Trung Quốc, khi ấy là Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cũng đã phát biểu việc nên thực hiện văn hóa từ chức trước nghị trường Quốc hội. Gần đây, Đảng và Nhà nước đưa ra các quy định cụ thể trong việc thực hiện văn hóa từ chức”.
Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Trần Quang Toại cho biết, nhìn rộng ra ở các nước trên thế giới, việc từ chức được tiến hành bình thường, thường xuyên. Chẳng hạn, thông báo về một đoàn tàu lửa trật đường ray bị nạn, một chiếc máy bay rơi…, lập tức ông bộ trưởng ngành nhận trách nhiệm ngay.
Như vậy, suy xét chiều dài lịch sử của dân tộc, cũng như chiều rộng của các quốc gia trên thế giới, miễn nhiệm, từ chức là việc làm bình thường trong công tác cán bộ, phù hợp quy luật vận động và phát triển của xã hội.
Ngày 18-11, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tổ chức cuộc họp. Chủ trì cuộc họp, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khẳng định rõ quan điểm của Đảng ta trong công tác cán bộ: “Cùng với xử lý nghiêm sai phạm phải kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín thấp theo phương châm: "Có vào, có ra, có lên, có xuống". Đó là việc bình thường, vừa qua lần đầu tiên chúng ta cho thôi chức đối với 3 Ủy viên Trung ương Đảng; miễn nhiệm 3 chủ tịch HĐND, UBND tỉnh. Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không làm "nản chí", "chùn bước", sợ sai không dám làm của cán bộ, đảng viên, mà chỉ làm "chùn bước" những ai có động cơ không trong sáng, đã trót "nhúng chàm" và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm. Tôi đã nhiều lần nói rồi và "Ai không dám làm thì mạnh dạn đứng sang một bên cho người khác làm"”.
* Không có “hạ cánh an toàn”
Thời gian qua, cả hệ thống chính trị của nước ta từ trung ương đến địa phương đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Những bước tiến đột phá của công tác này là nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực được điều tra làm rõ, đưa ra xét xử theo đúng quy định của pháp luật, từ đó tiếp tục củng cố được niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Vì thế, luận điệu các thế lực chống phá cho rằng “xin từ chức để hạ cánh an toàn. Nhóm lợi ích và những người đã nhúng chàm sẽ thi nhau xin nghỉ. Không ai muốn làm nữa… Bởi vì ăn đủ rồi, bây giờ không may xộ khám thì tiêu và mất hết tất cả… cho nên xin nghỉ” là hoàn hoàn không có căn cứ. Bằng chứng là thời gian qua, ngay cả cán bộ cao cấp về hưu nhưng khi có dấu hiệu vi phạm vẫn bị tiến hành điều tra, khởi tố theo đúng quy định của pháp luật, chứ không có chuyện “hạ cánh an toàn”.
Cũng theo phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị ngày 18-11 thì: “Phải xử lý nghiêm minh các sai phạm theo đúng quan điểm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai. Việc xử lý nghiêm nhiều tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm như vừa qua, trong đó có cả Ủy viên Trung ương Đảng, bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư, chủ tịch các tỉnh và nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự là minh chứng rõ nhất. Kể cả đối tượng phạm tội đã bỏ trốn ra nước ngoài cũng phải tiến hành điều tra, truy tố, xét xử không thể thoát và chịu sự trừng phạt của pháp luật”.
* Miễn nhiệm, từ chức đảm bảo đúng quy định
Trên các trang mạng, các đối tượng chống phá rêu rao: “Có thể xây dựng văn hóa từ chức bắt đầu từ ép buộc”, “Buộc từ chức hay xin từ chức”.
Có thể khẳng định rằng, việc từ chức của cán bộ hoàn toàn không thể và không phải do bất kỳ một tổ chức, cá nhân nào có thể ép buộc, chèn ép được, bởi Đảng và Nhà nước ta đã có những quy định rõ ràng, chặt chẽ, đầy đủ căn cứ pháp lý đối với việc miễn nhiệm, từ chức của cán bộ.
Theo đó, Quy định 41-QĐ/TW ngày 3-11-2021 về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ quy định nguyên tắc, thẩm quyền, căn cứ, quy trình xem xét việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; áp dụng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Quy định 41 nêu nguyên tắc: “1. Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và các nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. 2. Cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu nêu cao trách nhiệm trong việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. 3.Kiên quyết, kịp thời xem xét cho miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ khi có đủ căn cứ. Không thực hiện việc cho từ chức đối với cán bộ thuộc trường hợp phải miễn nhiệm”. Quy định 41 cũng nêu rõ 6 căn cứ xem xét miễn nhiệm cán bộ, 4 căn cứ xem xét từ chức.
Còn tại Thông báo số 20-TB/TW thông báo Kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật nêu rõ: “Việc bố trí công tác đối với cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật nhằm thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng và Quy định của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, thực hiện phương châm "có vào, có ra, có lên, có xuống" trong công tác cán bộ, đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ bị kỷ luật có cơ hội sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện; góp phần tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng và chế độ. Khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định…”.
Qua chủ trương này cho thấy chính sách nhân văn, đạo đức của Đảng, Nhà nước ta khi tạo ra một hướng mở cho cán bộ vi phạm có cơ hội sửa chữa, phấn đấu rèn luyện.
Như vậy, miễn nhiệm, từ chức là công việc bình thường trong công tác cán bộ từ cổ chí kim, từ đông sang tây, phù hợp quy luật vận động và phát triển của xã hội. Đảng và Nhà nước ta thực hiện miễn nhiệm, từ chức trong cán bộ theo đúng quy định, nguyên tắc. Người dân cần nhận thức rõ quan điểm này để từ đó giữ vững lập trường chính trị, không để các thế lực xấu dẫn dắt, lợi dụng để cố tình xuyên tạc, chống phá công cuộc xây dựng và phát triển của nước ta.
Những thông tin xấu độc, biến “một sự việc vốn dĩ bình thường trở nên bất thường” do các đối tượng xấu dẫn dắt rất dễ gây hoang mang đối với người không nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó gây xói mòn lòng tin trong một bộ phận người dân đối với Đảng, Nhà nước và dễ có thể có những biểu hiện lệch lạc trong tư tưởng và hành vi. |
Lâm Viên