Mặc dù pháp luật có quy định rất rõ các hành vi như: vứt bỏ chất thải, vẽ bậy, tiểu bậy, hút thuốc lá, vứt bỏ đầu thuốc lá… nơi công cộng sẽ bị xử phạt nhưng vẫn có nhiều người không chấp hành. Qua đó cho thấy ý thức thượng tôn pháp luật ở một bộ phận người dân còn chưa cao.
Mặc dù pháp luật có quy định rất rõ các hành vi như: vứt bỏ chất thải, vẽ bậy, tiểu bậy, hút thuốc lá, vứt bỏ đầu thuốc lá… nơi công cộng sẽ bị xử phạt nhưng vẫn có nhiều người không chấp hành. Qua đó cho thấy ý thức thượng tôn pháp luật ở một bộ phận người dân còn chưa cao.
Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) tập huấn kiến thức pháp luật cho cán bộ Mặt trận ấp và các xã tại H.Trảng Bom. Ảnh: Đ.Phú |
Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh (Hội Luật gia tỉnh) bày tỏ, có thể do nhận thức, ý thức của họ bị lệch chuẩn hoặc thực hiện nhiều lần thành thói quen mà vẫn chưa bị phát hiện, xử phạt nên vẫn tiếp diễn.
* Vô tư vi phạm
Hiện nay, tình trạng hút thuốc lá, vứt bỏ đầu thuốc lá không đúng nơi quy định diễn ra rất phổ biến ở nơi công cộng. Trong khi tại Khoản 2, Điều 25 Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 7-7-2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường có quy định phạt tiền từ 100-150 ngàn đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.
Tương tự, tình trạng tiểu tiện, vứt bỏ rác thải không đúng nơi quy định cũng còn diễn ra. Trong khi Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 150-250 ngàn đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng. Phạt tiền từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng…
Ngoài ra, không ít người vẫn vô tư thả rông súc vật (chó, mèo) để chúng đi vệ sinh bậy trên vỉa hè, đường phố. Mặc dù Điểm c, Khoản 1, Điều 10 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định phạt từ 60-100 ngàn đồng đối với hành vi không đủ dụng cụ đựng chất thải của súc vật hoặc không dọn sạch chất thải của súc vật thải ra đường, hè phố.
* Nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật
Trình độ hiểu biết, nhận thức pháp luật của từng người dân, ở mỗi vùng miền rất khó đồng đều nhau. Tuy vậy, pháp luật quy định rất rõ, việc tuân thủ, chấp hành pháp luật hiện hành không có phân biệt trình độ học vấn, tôn giáo, dân tộc, giàu nghèo, địa vị xã hội…
Chính vì để mọi công dân dù ở nông thôn hay đô thị dễ dàng tiếp cận và ứng xử phù hợp với các quy định pháp luật mới, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh không ngừng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) bằng nhiều hình thức như: hội nghị, diễn đàn, cuộc thi tìm hiểu pháp luật… Trong đó, nêu cao vai trò của chính quyền các địa phương trong việc tuyên truyền, PBGDPL.
Phó chủ tịch UBND P.Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) Dương Thuận Hải cho biết, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên thời gian qua trên địa bàn phường không phát sinh các điểm “nóng” về xả rác thải sinh hoạt, dán quảng cáo bừa bãi, vẽ bậy như trước đây. Tuy nhiên, việc vứt rác thải, dán quảng cáo, dắt chó mèo ra đường không rọ mõm hoặc để chó đi vệ sinh nơi công cộng vẫn xảy ra ở khu dân cư. Khi người dân phản ảnh, UBND phường đã kịp thời phối hợp với khu phố nhắc nhở các trường hợp vi phạm, giải thích các quy định pháp luật cho họ nắm, tránh tái phạm.
“Hiện cán bộ, công chức của UBND phường phải làm rất nhiều công việc chuyên môn, lẫn công tác hành chính khác nên chỉ tuần tra, mật phục tại những nơi phát sinh vấn đề “nóng” thường xảy ra các vi phạm về môi trường, chứ rất khó tuần tra, quán xuyến được tất cả địa bàn. Giải pháp chung vẫn là tuyên truyền, giáo dục người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường nơi công cộng; liên tục ra quân dọn dẹp những nơi mới phát sinh và báo cho đơn vị xử lý môi trường kịp thời xử lý ngay trong ngày để bộ mặt phố phường luôn sạch đẹp” - bà Dương Thuận Hải cho hay.
Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, hiện nay có một số trường hợp vi phạm pháp luật là do họ chưa nắm, chưa tiếp cận được các quy định pháp luật mới để hành xử đúng, chứ không phải do họ cố tình vi phạm hoặc tìm cách lách luật. Chính vì vậy, muốn người dân ứng xử đúng pháp luật phải đẩy mạnh tuyên truyền, PBGDPL để mỗi công dân đều có ý thức chấp hành pháp luật từ những chuyện nhỏ.
Bên cạnh việc tuyên truyền, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cũng cần thực hiện nghiêm việc kiểm tra, xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định pháp luật như: vứt bỏ chất thải, vẽ bậy, tiểu bậy, hút thuốc lá, vứt bỏ đầu thuốc lá… nơi công cộng. Như vậy mới nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh; hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật; đảm bảo an ninh trật tự.
Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh PHAN VĂN CHÂU bày tỏ, để nâng cao ý thức pháp luật cho người dân luôn đòi hỏi nhiều giải pháp tổng thể như: xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; đẩy mạnh tuyên truyền, PBGDPL; tổ chức tốt việc thi hành, áp dụng pháp luật… |
Đoàn Phú