Không thể để những người dân vô tội, những người lao động nghèo cần việc làm trở thành nạn nhân của các đường dây mua bán người, các cơ quan chức năng đã và đang vào cuộc mạnh mẽ.
[links()]Không thể để những người dân vô tội, những người lao động nghèo cần việc làm trở thành nạn nhân của các đường dây mua bán người, các cơ quan chức năng đã và đang vào cuộc mạnh mẽ.
Các bị cáo trong đường dây mua bán người tại phiên tòa xét xử ngày 27-9-2022 lãnh mức án từ 6-12 năm tù. Ảnh: T.Tâm |
Đánh giá về công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng, thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang, Giám đốc Công an tỉnh cho rằng, hiện nay nổi lên các loại tội phạm sử dụng internet để lừa đảo; tội phạm mua bán người tồn tại dưới dạng những đường dây lừa đảo với hình thức đưa người đi lao động ở nước ngoài hoặc du lịch rồi bán vào động mại dâm, vào các công ty để cưỡng bức lao động...
* “Đánh mạnh” các đường dây tội phạm xuyên quốc gia
Trong 9 tháng của năm 2022, Công an tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện 2 vụ mua bán người xuyên quốc gia. Qua điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố, bắt tạm giam nhiều đối tượng về các hành vi mua bán và tổ chức đưa người khác xuất cảnh trái phép. Cơ quan chức năng đã giải cứu thành công 5 nạn nhân bị bán, đưa về với gia đình.
Thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tập trung vào những giải pháp mang tính căn cơ, lâu dài như: tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ kết hợp phòng ngừa xã hội để ngăn các đường dây tội phạm, nhất là tội phạm mua bán người.
Cụ thể, Công an tỉnh sẽ mở các đợt cao điểm đồng loạt ra quân tấn công, trấn áp các loại tội phạm. Trong đó, tập trung đấu tranh với từng loại tội phạm nổi lên trong từng thời điểm. Đặc biệt, Ban giám đốc Công an tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các địa phương tập trung đấu tranh với nhóm tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia và đặc biệt là tội phạm mua bán người.
Bên cạnh đó, lực lượng công an thực hiện nghiêm công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự; đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại các địa bàn. Đặc biệt, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các tầng lớp nhân dân chủ động phát hiện, phòng ngừa, tố giác và tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm; xây dựng và nhân rộng các mô hình hay trong phòng, chống tội phạm ở cơ sở.
Để đấu tranh với tội phạm mua bán người, cả hệ thống chính trị cần vào cuộc một cách quyết liệt, mạnh mẽ hơn, trong đó lực lượng công an phải làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền để chỉ đạo các ban, ngành cùng vào cuộc nhằm huy động tối đa sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia phòng, chống nạn mua bán người.
* Giúp người dân sớm nhận diện “bẫy” của kẻ buôn người
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, với sự phát triển của công nghệ như hiện nay, chắc chắn các đối tượng tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người sẽ lợi dụng không gian mạng để hoạt động. Bên cạnh đó, lợi dụng nhu cầu tìm việc làm của nhiều người dân, nhất là người dân ở các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng buôn người sẽ tung ra nhiều chiêu thức lừa đảo mới, tinh vi và manh động hơn.
Trước thực tế đó, ngoài sự vào cuộc của cơ quan công an, các ngành, đoàn thể cũng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, cảnh báo thủ đoạn, cách nhận diện hành vi mua bán người. Mấu chốt của vấn đề vẫn là làm sao để người dân nhận ra được “bẫy” mua bán người dưới các hình thức tuyển dụng.
Ông Nguyễn Chí Hà, Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về trật tự xã hội (Phòng 2) Viện KSND tỉnh cho biết, thời gian qua, ngành kiểm sát đã chủ động phối hợp với cơ quan công an rà soát, nắm bắt thông tin từ các đơn thư tố giác tội phạm về các vụ mua bán người xảy ra trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, Viện KSND tỉnh chủ động đề ra yêu cầu điều tra, khai thác triệt để thông tin, điều tra mở rộng vụ án nhằm phát hiện các đối tượng, các đường dây mua bán người.
Ngành kiểm sát đã phối hợp với các ngành, đoàn thể, cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân, tăng cường cảnh giác phòng ngừa và tự giác, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này. Trong đó, công tác tuyên truyền phải làm cho người dân thấy được thủ đoạn của loại tội phạm này để cảnh giác, nêu cao ý thức phòng ngừa, không để tội phạm dụ dỗ, lừa gạt.
Bàn về giải pháp phòng ngừa tội phạm mua bán người, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lưu Thị Hà cho biết, hằng năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đều xây dựng kế hoạch để xác định vai trò của các tổ chức, đoàn thể trong công tác phối hợp. Qua công tác phối hợp giúp các tổ chức thành viên như: Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ... nhận thức được vai trò, trách nhiệm của tổ chức mình trong các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc cảnh giác đối với các hành vi mua bán người.
Từ tình hình thực tế, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ xây dựng các chủ điểm nhắm vào các đối tượng cụ thể để tuyên truyền như: thanh niên, phụ nữ, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Tương tự, Trưởng phòng Phòng chống tệ nạn xã hội Sở LĐ-TBXH Đặng Xuân Hòa cho biết, hằng năm, Sở đều có chương trình tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân trong các vụ mua bán người khi được giải cứu về địa phương. Ngoài phần hỗ trợ kinh phí ban đầu, Sở giao cho các địa phương (huyện, xã) tổ chức tiếp nhận, tạo việc làm cho các nạn nhân sớm ổn định cuộc sống.
Theo ông Đặng Xuân Hòa, giải pháp lâu dài mang tính chất bền vững để giảm thiểu các vụ mua bán người đó là phải tạo việc làm ổn định cho người dân. Để thực hiện tốt vấn đề này, Sở LĐ-TBXH tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương thường xuyên rà soát các đối tượng: học sinh bỏ học sớm, người dân không có việc làm ổn định, người dân vùng đồng bào dân tộc khó khăn để có kế hoạch đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, đề xuất vay vốn làm ăn để ổn định cuộc sống.
Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN tỉnh BÙI THỊ HẠNH: Quan tâm giúp đỡ người có nguy cơ là nạn nhân Để nâng cao kỹ năng bảo vệ chị em tránh khỏi thủ đoạn của tội phạm mua bán người, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền đến các hội viên về các thủ đoạn của loại tội phạm này. Đối với những gia đình hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ là nạn nhân của các đối tượng mua bán người, Hội tổ chức các chương trình đào tạo nghề, hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ vay vốn… Luật sư TRẦN CAO ĐẠI KỲ QUÂN (Đoàn Luật sư tỉnh): Mức xử phạt có thể lên đến tù chung thân Hành vi mua bán người đã được quy định cụ thể tại Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11-1-2019 của TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, tại Khoản 1, Điều 150 quy định người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc bằng thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau sẽ bị phạt tù từ 5-10 năm tù: chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động… Hành vi này có thể bị xử phạt từ 12-20 năm tù nếu hoạt động có tính chất chuyên nghiệp; đối với 6 người trở lên; tái phạm nguy hiểm... Riêng đối với tội mua bán người dưới 16 tuổi có thể bị phạt tù từ 20 năm đến chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng. Thành Vinh (ghi) |
Trần Danh