Báo Đồng Nai điện tử
En

Sai một ly, đi một dặm…

08:08, 06/08/2022

Chỉ vì bênh vực con trẻ mà 3 người trong gia đình đã cùng nhau thực hiện hành vi giết người và cố ý gây thương tích. Cuối cùng, người thì tử, kẻ rơi vào vòng xoáy lao lý với mức án nặng.

Chỉ vì bênh vực con trẻ mà 3 người trong gia đình đã cùng nhau thực hiện hành vi giết người và cố ý gây thương tích. Cuối cùng, người thì tử, kẻ rơi vào vòng xoáy lao lý với mức án nặng.

3 bị cáo trong gia đình phải đứng trước phiên tòa nhận bản án nghiêm khắc của pháp luật. Ảnh: T.Tâm
3 bị cáo trong gia đình phải đứng trước phiên tòa nhận bản án nghiêm khắc của pháp luật. Ảnh: T.Tâm

Ngày 4-8, TAND tỉnh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự và tuyên phạt 2 bị cáo cùng ngụ xã Xuân Thạnh (H.Thống Nhất) gồm: Võ Đức Trung (22 tuổi) 17 năm tù và Nguyễn Vĩnh Lộc (37 tuổi) 11 năm tù cùng về tội giết người. Ngoài ra, bị cáo Lộc còn phải lãnh 1 năm tù giam và bị cáo Nguyễn Thị Kim Oanh (39 tuổi, mẹ bị cáo Trung, vợ bị cáo Lộc) lãnh 1 năm cải tạo không giam giữ cùng về tội cố ý gây thương tích.

* Cả nhà vướng lao lý

Phạm tội bị truy cứu trách nhiệm với mức án nhẹ nên bị cáo Oanh được tại ngoại. Ngày đưa vụ án ra xét xử, bị cáo Oanh chạy chiếc xe máy đã cũ chở theo con út 7 tuổi đến tòa từ rất sớm. Ăn vội mẩu bánh mì, bị cáo liền dắt con gái vào phòng xử án ngồi chờ cha và anh trai bị chở đến phiên tòa xét xử.

Vừa nhìn thấy chiếc xe chở phạm nhân đổ xịch giữa sân tòa án, đứa bé 7 tuổi lao từ trong phòng ra đứng chắn ngay cửa xe chờ đợi được gặp mặt cha và anh hai. Thế nhưng, vì quá nhỏ nên bé phải đứng ở một góc xa, đưa tay lên vẫy vẫy để chào cha và anh đang bị áp giải vào phòng xét xử. Bé dùng bút vẽ lên tay nhiều hình khuôn mặt cười và viết từ nhớ thương lên bàn tay của mình và cho biết vì lâu quá không được gặp cha và anh nên vẽ lại cho đỡ nhớ.

Một lúc sau, bị cáo Oanh đưa một chiếc ghế đặt sát mé tường phía ngoài phòng xử án cho con gái ngồi, còn mình đi vào trong đứng ngay bục khai khi phiên tòa xét xử bắt đầu.

Bị cáo Oanh kể lại, khi mới 16 tuổi, bị cáo kết hôn và sau đó sinh được 2 người con là Trung và một con gái đã 11 tuổi. Hôn nhân được gần 10 năm thì gia đình tan vỡ và bị cáo ly hôn, một mình làm công nhân nuôi 2 con nhỏ. Đến năm 2013, bị cáo Oanh quen và sống chung như vợ chồng với bị cáo Lộc và có một người con chung. Cuộc sống gia đình đang yên ổn thì xảy ra vụ án đau lòng khiến cho vợ chồng bị cáo Oanh và con trai lớn đều vướng vòng lao lý.

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh, vào ngày 2-11-2018, bị cáo Trung cùng với Lê Thành Đạt (ngụ xã Xuân Thạnh), anh Phan Hồ Dũng (26 tuổi, quê tỉnh Đắk Lắk) cùng nhau uống rượu tại quán Hai Béo (xã Hàu Hàm 2, H.Thống Nhất). Trong lúc nhậu, anh Dũng mời Trung uống ly rượu nhưng Trung không uống nên bị anh Dũng kẹp cổ và đấm vào mặt.

Sau đó, Trung gọi bạn chở lại quán nhậu tính đánh anh Dũng, nhưng không đánh được. Khi ngồi ngoài đường, Trung gặp cha dượng là Lộc đi ngang qua nên kể lại chuyện bị đánh và đã gọi điện cho mẹ để đến chở về.

Biết con bị đánh, bị cáo Oanh, Lộc chở Trung quay lại quán để nói chuyện với anh Dũng. Lúc này, hai bên xảy ra xô xát, Lộc và Oanh đánh anh Đạt gây thương tật tỷ lệ 2%, còn Trung dùng dao đuổi đâm anh Dũng. Anh Dũng bỏ chạy nhưng vẫn bị Trung đâm nhiều nhát, Lộc dùng cây sắt đánh vào người anh Dũng. Hậu quả, anh Dũng tử vong và các bị cáo Trung, Lộc, Oanh ra cơ quan công an đầu thú sau đó.

* Hối hận muộn màng

Với những cáo buộc, bị cáo Lộc cho rằng, cáo trạng của Viện KSND tỉnh xác định nguyên nhân tử vong của bị hại Dũng là do sốc mất máu không hồi phục dẫn đến hoại tử cơ tim. Tuy nhiên, khi xác định các vết thương trên cơ thể thì Trung và Lộc chỉ đâm, đánh anh Dũng vào vùng chân và bụng, không có tác động trực tiếp đến tim nên không thể gây tổn thương cho tim. Hơn nữa, sau khi xảy ra vụ án, 4 tháng sau bị hại Đạt mới đi giám định thương tật nên không có cơ sở xác định vết thương 2% của anh Đạt là do Lộc và Oanh gây nên.

Trong khi đó, tại phiên tòa xét xử, ông Phan Sáu (cha của bị hại Dũng) yêu cầu các bị cáo phải bồi thường số tiền gần 500 triệu đồng và không đồng ý với cáo trạng của Viện KSND tỉnh. Ông Sáu cho rằng, cần truy tố bị cáo Oanh về tội đồng phạm giết người vì khi đánh anh Dũng, bị cáo Oanh có mặt và cùng tham gia vào việc đánh người gây ra cái chết cho anh Dũng.

Tranh luận với bị cáo, vị đại diện Viện KSND tỉnh xác nhận, theo kết luận giám định thì việc gây hoại tử cơ tim là do bị cáo Trung đã đâm trúng chân, làm rách động mạch đùi phải, dứt hoàn toàn tĩnh mạch và gây mất máu quá nhiều nên dẫn đến anh Dũng bị hoại tử cơ tim và tử vong chứ không phải do lực tác động trực tiếp vào tim. Còn đối với vết thương của anh Đạt dựa vào hồ sơ bệnh án và các vết tích trên cơ thể để xác định anh Đạt bị thương tật tỷ lệ 2% là có cơ sở.

Đối với ý kiến của bị hại Đạt và ông Phan Sáu, đại diện Viện KSND tỉnh cho rằng, dựa vào lời khai của bị cáo và những người làm chứng, các chứng cứ có tại hồ sơ, vết thương của nạn nhân và cả hình ảnh camera ghi được trong quá trình xô xát, cơ quan chức năng xác định bị cáo Oanh chỉ tát anh Đạt 2 cái và cùng với bị cáo Lộc gây thương tích cho anh Đạt mà không có bất kỳ sự tác động nào đối với anh Dũng nên không truy tố bị cáo Oanh về tội giết người là có căn cứ.

Sau khi tiến hành xét hỏi và tranh luận, Hội đồng xét xử nhận định, hành vi của 2 bị cáo Trung và Lộc có tính chất côn đồ, dùng hung khí nguy hiểm để tấn công gây tử vong cho bị hại; các bị cáo coi thường pháp luật và làm ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn xã hội nên phải xử lý mức án nghiêm khắc để răn đe. Tuy nhiên, vụ án mang tính đồng phạm giản đơn, bộc phát, các bị cáo thành khẩn khai báo nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ.

2 bị cáo Trung và Lộc phải nhận mức án nghiêm khắc nên sau khi tòa tuyên, cả 3 bị cáo ôm chầm lấy nhau khóc hối hận cho sự bộc phát nhất thời của bản thân đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Bản án pháp luật là có thời hạn, nhưng bản án lương tâm sẽ theo các bị cáo đến suốt cuộc đời.

Nhìn chồng và con bị áp giải về lại trại giam, bị cáo Oanh thất thần ôm con nhỏ đi giữa trời trưa nắng. Bị cáo nói bản thân còn may mắn nhận được sự khoan hồng của pháp luật không bị giam giữ để có thời gian lo cho 2 con nhỏ. Tuy vậy, khi càng nói, nước mắt bị cáo Oanh càng rơi nhiều hơn. Bởi lẽ, bị cáo sợ rằng, với đồng lương công nhân ít ỏi, bản thân sẽ không có đủ sức để kiếm tiền lo cho 2 con còn nhỏ ăn học và người chồng, người con tù tội trong trại giam. Sự hối hận muộn màng khiến bị cáo Oanh phải thốt lên rằng bản thân vì “sai một ly, đi một dặm”...            

Tố Tâm

 

Tin xem nhiều