Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng cường phòng cháy cho khu dân cư

10:03, 30/03/2022

Từ ngày 15-4, quy định của UBND tỉnh về an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Đồng Nai chính thức có hiệu lực. Quy định này quy định chi tiết, cụ thể các yêu cầu về an toàn PCCC đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Từ ngày 15-4, quy định của UBND tỉnh về an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Đồng Nai chính thức có hiệu lực. Quy định này quy định chi tiết, cụ thể các yêu cầu về an toàn PCCC đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Công an TP.Biên Hòa tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng an toàn phòng cháy, chữa cháy với các hộ vừa ở, vừa kinh doanh tại P.Tam Hòa. Ảnh: Đ.Tùng
Công an TP.Biên Hòa tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng an toàn phòng cháy, chữa cháy với các hộ vừa ở, vừa kinh doanh tại P.Tam Hòa. Ảnh: Đ.Tùng

* Nhiều quy định mới

Quy định về an toàn PCCC đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh gồm có 3 chương, 12 điều. Trong đó, nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh được đặt ra các yêu cầu riêng trong bố trí mặt bằng công năng sử dụng; lối thoát nạn; nguyên tắc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt trong nhà; hệ thống điện; phương tiện PCCC.

Một số quy định chung được áp dụng với cả 2 loại hình nhà trên là lối ra thoát nạn có chiều rộng tối thiểu 0,8m và chiều cao tối thiểu 1,9m; dây dẫn điện trong nhà phải được đặt trong ống, máng cáp, không sử dụng nhiều thiết bị điện trong cùng 1 ổ cắm… Ngoài ra, với nhà ở riêng lẻ thì căn cứ theo điều kiện, quy mô ngôi nhà, chủ hộ cần trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy, dụng cụ phá dỡ thông thường (búa, rìu, xà beng, kìm cộng lực...), vị trí đặt ở nơi dễ thấy, dễ lấy và thuận tiện cho việc sử dụng.

Còn với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, các quy định được siết chặt hơn bằng các yêu cầu lập, cập nhật, theo dõi hồ sơ quản lý PCCC của cơ sở; đối với khu vực sản xuất, kinh doanh phải trang bị phương tiện, thiết bị PCCC, đèn chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn bảo đảm theo quy định TCVN 3890:2009 và các tiêu chuẩn hiện hành. Đồng thời, các khu vực sản xuất, kinh doanh, bảo quản vật tư trong nhà cũng không được bố trí nơi nấu nướng; khi dự trữ xăng, dầu, hóa chất dễ cháy, nổ phục vụ sản xuất phải bố trí khu vực bảo quản bên ngoài nhà bảo đảm yêu cầu thông thoáng.

Trong trường hợp việc sản xuất, kinh doanh phải sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt thì bố trí khoảng cách tối thiểu 0,8m đến các vật tư, hàng hóa dễ cháy, xe cộ…

Bên cạnh đó, quy định về an toàn PCCC đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh còn yêu cầu thành viên hộ gia đình, người làm việc trong nhà có trách nhiệm chủ động tìm hiểu kiến thức, kỹ năng cơ bản về PCCC, biết sử dụng phương tiện PCCC được trang bị; tích cực tham gia tuyên truyền, huấn luyện về PCCC, tham gia phong trào toàn dân PCCC tại địa phương. Thực hiện các yêu cầu về PCCC theo quy định của pháp luật và do chủ hộ gia đình hướng dẫn, quy định. Bảo đảm an toàn về PCCC trong quá trình sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt và trong bảo quản, sử dụng chất cháy tại hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; phát hiện và ngăn chặn nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, hành vi vi phạm quy định về an toàn PCCC.

* Tăng hiệu quả phòng cháy

Quy định về an toàn PCCC đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh được lực lượng cảnh sát PCCC toàn tỉnh nhận định sẽ góp phần kéo giảm nguy cơ, số vụ cháy nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Nhất là với các khu vực có nhiều làng nghề truyền thống (chủ yếu là ngành gỗ) khi mà các cơ sở sản xuất phần lớn được xây dựng tại nhà, chủ cơ sở sống cùng gia đình tại đó. Bên cạnh đó, với các hộ riêng lẻ cũng có căn cứ để dựa vào đó có hướng điều chỉnh, trang bị, đầu tư thêm các biện pháp đảm bảo PCCC cho nhà của mình.

Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cho biết, những nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh đều nằm trong các khu dân cư. Do đó, các quy định này rất phù hợp với điều kiện thực tế tại các đô thị trong tỉnh khi các nhà nằm san sát nhau. Thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ tích cực tuyên truyền quy định này đến với người dân, đặc biệt là tại các chủ nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh để họ nghiên cứu, sớm thực hiện. Từ đó góp phần hạn chế nguy cơ cháy lan, cháy lớn trong khu dân cư. 

Về phía người dân mà nhất là chủ các hộ vừa ở, vừa sản xuất, kinh doanh, có không ít ý kiến băn khoăn khi phần nhiều nhà của họ đã được xây dựng từ lâu, sau đó mới dùng sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, việc cải tạo, điều chỉnh các kích thước lối thoát hiểm, bố trí mặt bằng công năng, hệ thống điện… đảm bảo theo quy định là không đơn giản. Thậm chí, có những nhà sản xuất, kinh doanh qua nhiều thế hệ, các công trình được cơi nới, chỉnh sửa nhiều lần, công năng thay đổi liên tục theo quy mô hoạt động… nên chính các chủ hộ cũng lúng túng, không biết bắt đầu cải tạo từ đâu để đúng với yêu cầu.

Ông Bá Kỷ, chủ một hộ kinh doanh tạp hóa tại nhà trên đường Nguyễn Ái Quốc (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho hay, với bề ngang nhà mặt tiền đô thị chỉ khoảng 5m, dài khoảng 18-20m, vừa để ở, vừa kinh doanh, nhà lại có xe ô tô thì sẽ rất khó đảm bảo đúng khoảng cách quy định. Trừ trường hợp ngay từ khi xây nhà đã có ý định kinh doanh như nhà ông thì sẽ thiết kế một không gian phía trước, tách biệt với ngôi nhà chính, dễ điều chỉnh về sau. Vì vậy, ông đề xuất cán bộ cảnh sát PCCC cần bám sát, nắm chắc địa bàn và có phương án chỉnh sửa phù hợp với thực tế, đảm bảo an toàn, tiết kiệm, đúng quy định. 

Đăng Tùng

 

Tin xem nhiều