Báo Đồng Nai điện tử
En

Quan tâm hơn đến công tác tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo

10:03, 25/03/2022

Theo đánh giá của UBND tỉnh, trong 5 năm gần đây, tình hình công dân đến trụ sở tiếp công dân tỉnh và cấp huyện, điểm tiếp công dân các sở, ban, ngành và UBND các xã, phường, thị trấn để khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị tăng.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, trong 5 năm gần đây, tình hình công dân đến trụ sở tiếp công dân tỉnh và cấp huyện, điểm tiếp công dân các sở, ban, ngành và UBND các xã, phường, thị trấn để khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị tăng.

Thẩm phán TAND tỉnh thực hiện công tác tiếp công dân
Thẩm phán TAND tỉnh thực hiện công tác tiếp công dân. Ảnh: T.Tâm

* Đơn thư, khiếu nại gia tăng

Từ tháng 7-2016 đến tháng 7-2021, UBND các cấp, sở, ban, ngành trong tỉnh đã tiếp gần 42 ngàn lượt người (tăng hơn 4 ngàn lượt so với giai đoạn 2010-2015), giải thích trực tiếp hơn 29 ngàn lượt và hơn 4,7 ngàn lượt hướng dẫn bằng văn bản; có nhận đơn thư hơn 16 ngàn lượt.

Nội dung đơn thư, khiếu nại chủ yếu về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án; kiến nghị xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Mặc dù thời gian qua, địa phương và các ngành chức năng đã chủ động áp dụng nhiều chính sách có lợi cho người dân, nhưng vẫn không tránh khỏi nhiều trường hợp công dân khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, phức tạp liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tái định cư như: dự án Xây dựng khu dân cư Long Hưng, dự án Bờ kè gia cố sông Đồng Nai, dự án Đường điện 500kV đoạn qua H.Vĩnh Cửu…

Riêng ngành Tòa án, thực trạng người dân nộp đơn yêu cầu ngành Tòa án giải quyết cũng ngày càng tăng. Chánh án TAND tỉnh Võ Văn Phước cho biết, công tác giải quyết án dân sự (bao gồm: án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động) và án hành chính là lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh khiếu nại, tố cáo nhất. Đối tượng bị khiếu nại, tố cáo chủ yếu là thẩm phán với nội dung khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyết định tố tụng và hành vi tố tụng của thẩm phán. Trong đó, nhiều nhất là khiếu nại về việc chậm đưa vụ án ra giải quyết mà nguyên nhân chủ yếu được xác định bởi lý do khách quan trong quá trình giải quyết vụ án như: ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, chờ thu thập chứng cứ, tài liệu của vụ án, chờ trả lời của cơ quan chức năng (đối với vụ tranh chấp phức tạp)…

* Chú trọng nâng chất lượng tiếp công dân

Theo UBND tỉnh, nhìn chung ban tiếp công dân các cấp và các điểm tiếp công dân sở, ban, ngành đã giải thích, vận động, thuyết phục công dân chấp hành chính sách Nhà nước và quy định pháp luật. Trong công tác này, cán bộ tiếp công dân và các cơ quan hữu quan, đoàn thể luôn giải thích cặn kẽ những băn khoăn, thắc mắc giúp người dân hiểu được việc mình phải làm và cần đi đến đâu để được giải quyết, bảo vệ quyền lợi. Tuy nhiên, chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại có lúc, có nơi còn hạn chế; chưa truyền tải vấn đề cần được hướng dẫn, giải thích đến người dân, dẫn đến người dân khiếu nại, vượt cấp.

Theo UBND tỉnh, từ tháng 7-2016 đến tháng 7-2021, tổng đơn khiếu nại, tố cáo đã tiếp nhận là gần 37 ngàn đơn, trong đó hơn 7,4 ngàn đơn không đủ điều kiện xử lý, hơn 29,4 ngàn đơn đủ điều kiện xử lý. Trong số đơn đủ điều kiện xử lý thì chỉ có gần 2,8 ngàn đơn đủ thẩm quyền giải quyết nên thụ lý, còn lại là đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết.

Nguyên nhân được xác định là do khối lượng công việc chuyên môn quá lớn, trong khi nhân lực lại thiếu, chủ yếu kiêm nhiệm nên hiệu quả tiếp công dân chưa cao. Mặt khác, nhiều trường hợp khi tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo phải chờ xin ý kiến cấp trên; một số trường hợp mời dân đến làm việc nhiều lần nhưng dân không đến; có trường hợp nội dung khiếu nại về đất đai phức tạp, khó giải quyết, mang yếu tố lịch sử lâu đời nên việc xác minh nguồn gốc, ranh giới, diện tích… mất nhiều thời gian hoặc có trường hợp cơ quan xác minh chưa làm rõ nội dung và các căn cứ pháp lý nên cơ quan thẩm quyền giao thẩm tra, bổ sung. Bên cạnh đó, một số trường hợp khiếu nại liên quan xử phạt hành chính nên phải rà soát quy trình xử phạt và quy trình cưỡng chế thi hành quyết định áp dụng khắc phục hậu quả, từ đó ảnh hưởng tiến độ giải quyết đơn.

Tại buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với UBND tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong hoạt động tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1-7-2016 đến 1-7-2021 trên địa bàn tỉnh vừa qua, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bùi Xuân Thống nhận xét, thời gian qua, công tác tiếp công dân tại UBND các cấp và sở, ban, ngành đã có nhiều linh hoạt và thực hiện đúng theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, nhằm nâng cao hiệu quả, giảm thiểu tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp, sai địa điểm thì UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương cần nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân; kịp thời giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân; đưa ra nhiều giải pháp hữu hiệu, nhất là nâng cao trình độ đội ngũ tiếp công dân để công tác tiếp công dân thấu tình, đạt lý, giúp người dân hiểu rõ quy định pháp luật, nhằm giảm đơn thư, khiếu kiện, tố cáo.

Cũng tại buổi giám sát, lãnh đạo UBND tỉnh cho biết, việc tiếp công dân phải trên cơ sở pháp luật, lấy pháp luật làm nguyên tắc, chuẩn mực. Do đó, trong thời gian tới, công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu kiện, tố cáo cần phải được phân loại, căn cứ vào từng nhóm đối tượng để có phương pháp tiếp công dân phù hợp; gắn công tác tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo và phải có sự tham gia phối hợp của nhiều cấp, nhiều ngành để có hướng xử lý thống nhất giải quyết vụ việc dứt điểm, đúng quy định pháp luật.

Tố Tâm

Tin xem nhiều