Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, từ đầu năm 2021 đến nay, tại Đồng Nai xảy ra 6 vụ ném đất, đá lên tàu hỏa đang chạy. Hành vi này cần được ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, từ đầu năm 2021 đến nay, tại Đồng Nai xảy ra 6 vụ ném đất, đá lên tàu hỏa đang chạy. Hành vi này cần được ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Chuyến tàu SE7 (từ ga Hà Nội đi ga Sài Gòn) phải dừng lại tại Đồng Nai vì xảy ra vụ ném đất, đá làm vỡ kính toa tàu. Ảnh: C.T.V |
Nạn ném đá lên tàu, nhất là tàu khách, không chỉ làm vỡ cửa kính đầu máy, toa xe, gây thiệt hại tài sản của ngành đường sắt mà còn gây mất an toàn cho hành khách, lái tàu, nhân viên trên tàu.
* Hành động nguy hiểm
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 79 vụ ném đất, đá lên tàu, thiệt hại 83 cửa kính đầu máy, toa xe; so với cùng kỳ năm trước giảm 34 vụ (khoảng 30%), giảm 34 cửa kính đầu máy, toa xe (khoảng 29%). Nếu so với trước đây, số vụ ném đá tuy giảm nhưng trong năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách đi lại rất ít nên lượng tàu chạy giảm mạnh. Điều này cho thấy tình trạng ném đá lên tàu ở một số địa phương vẫn xảy ra nhiều.
Các địa phương vẫn để xảy ra nhiều vụ ném đất, đá lên tàu như: Ninh Thuận xảy ra 13 vụ, Quảng Bình xảy ra 11 vụ, Khánh Hòa xảy ra 10 vụ, Hà Tĩnh xảy ra 7 vụ, Phú Yên xảy ra 6 vụ và Đồng Nai xảy ra 6 vụ. Đây cũng là một trong số các địa phương thường xảy ra tình trạng ném đá lên tàu trong những năm trước đây.
Tình trạng trên xảy ra từ lâu, không chỉ đơn thuần là trò chơi của các em nhỏ hiếu động, mà cả những thanh niên, những người đã trưởng thành do thiếu ý thức, không hiểu pháp luật vẫn thực hiện mỗi khi gặp chuyến tàu nào đó đi qua địa phương mình. Thiệt hại về tài sản của ngành đường sắt là không nhỏ, nhưng nghiêm trọng hơn, đã có nhiều hành khách bị thương vì họ không kịp tránh những hòn đá nguy hiểm được cố tình ném lên cánh cửa kính của tàu.
Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Vũ Quang Khôi cho hay, ngành đường sắt không ngừng đổi mới, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất hiện đại nhằm nâng cao chất lượng phục vụ. Số lượng các chuyến tàu chất lượng cao ngày một nhiều, đi tàu cũng trở thành thói quen của nhiều người nhưng vấn nạn ném đất, đá lên tàu nhiều năm qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến loại hình vận tải này.
Tuy nhiên, rất khó bắt được các đối tượng vi phạm do phần lớn các vụ việc xảy ra khi tàu đang chạy nên không thể dừng lại, nếu có thì khi dừng được, cán bộ an ninh trên tàu xuống đến nơi thì kẻ ném đá cũng không còn ở hiện trường. Khắc phục tình trạng này, ngành đường sắt đưa ra biện pháp đầu tư trang thiết bị là sử dụng vật liệu chống vỡ, thường xuyên nhắc nhở hành khách cảnh giác, không ngồi quá gần cửa sổ, thò đầu ra cửa… nhằm tránh nguy hiểm. Nhưng việc này chỉ hạn chế được phần nào hậu quả của những vụ ném đá lên tàu, còn người vi phạm thì vẫn không bị xử lý.
* Trích xuất camera để có cơ sở xử lý
Trước tình trạng ném đất, đá lên tàu gây mất an toàn giao thông, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam mới đây đã yêu cầu các đơn vị, các công ty vận tải đường sắt thực hiện ngay các biện pháp để đẩy lùi nạn ném đất, đá lên tàu, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.
Theo đó, các chi nhánh khai thác đường sắt và tiểu ban an ninh trật tự, an toàn giao thông đường sắt khu vực phải phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan công an, thanh tra giao thông đường sắt và các cơ quan thông tin, trường học tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông đường sắt. Trong đó, tập trung tuyên truyền về tác hại của nạn ném đất, đá lên tàu.
Các ga đường sắt khi nhận được điện thoại báo cáo của trưởng tàu về việc xảy ra ném đất, đá lên tàu cần khẩn trương phối hợp với cơ quan công an và chính quyền địa phương để kịp thời xác minh, xử lý các đối tượng và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong cộng đồng dân cư. Cùng với đó, thiết lập đường dây nóng để thông tin các vụ việc kịp thời cho chính quyền và công an địa phương; phối hợp với các cơ quan công an tổ chức điều tra xác minh, xử lý nghiêm một số vụ điển hình nhằm răn đe các đối tượng khác.
Đối với các trưởng tàu, khi xảy ra các vụ việc ném đất, đá lên tàu cần điện thoại báo ngay cho ga gần nhất, sau đó lập biên bản, kịp thời báo cáo về thời gian, địa điểm, đối tượng gây ra vụ việc, mức độ thiệt hại... về đơn vị và gửi xuống ga gần nhất để ga phối hợp chính quyền và công an các địa phương xử lý kịp thời.
Đặc biệt, đối với lái tàu, khi có điện báo của trưởng tàu, phải thực hiện thao tác lưu giữ dữ liệu camera hành trình trên đầu máy, sau đó gửi về tổng công ty làm căn cứ để các chi nhánh khai thác đường sắt, các tiểu ban an ninh trật tự, an toàn giao thông đường sắt khu vực làm việc với cơ quan công an và chính quyền địa phương, có biện pháp xử lý hành vi, đối tượng vi phạm.
Tuyến đường sắt đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai có chiều dài gần 70km (từ km1619+125 đến km1688+040). Trong đó, có nhiều đoạn đi qua các khu dân cư, khu vực nông thôn. Đồng Nai là một trong những địa phương có xảy ra tình trạng ném đá lên tàu khi tàu hỏa đi qua. |
Võ Nguyên