Theo cam kết của chủ đầu tư dự án Xây dựng cầu vượt Dầu Giây nút giao giữa quốc lộ 1, quốc lộ 20 và đường tỉnh 769 (H.Thống Nhất), đến ngày 27-1 (nhằm ngày 25 tháng Chạp) sẽ hoàn thành cơ bản nút giao công trình này.
Theo cam kết của chủ đầu tư dự án Xây dựng cầu vượt Dầu Giây nút giao giữa quốc lộ 1, quốc lộ 20 và đường tỉnh 769 (H.Thống Nhất), đến ngày 27-1 (nhằm ngày 25 tháng Chạp) sẽ hoàn thành cơ bản nút giao công trình này. Tuy nhiên, qua kiểm tra của lãnh đạo UBND tỉnh mới đây cho thấy công trình vẫn còn ngổn ngang, nhiều hạng mục khó hoàn thành theo đúng cam kết.
Công nhân thi công các vị trí cầu vượt Dầu Giây. Ảnh: T.Hải |
* Cam kết hoàn thành trước Tết
Ông Hoàng Văn Mậu, Tổng giám đốc Công ty CP BT20 - Cửu Long (chủ đầu tư dự án) cho biết, đơn vị đang đẩy mạnh thi công dự án Xây dựng cầu vượt Dầu Giây bằng việc chia lực lượng thành nhiều mũi, thi công nhiều vị trí khác nhau. Đến thời điểm hiện tại, khối lượng công trình đạt khoảng 86%, khối lượng còn lại chỉ còn khu vực đường găng (đoạn đường kết thúc dự án) chưa xong. Trên cầu với các hạng mục nhỏ chưa hoàn chỉnh nhưng thiết bị đã được chuẩn bị sẵn sàng, chỉ chờ để lắp vào.
Theo ông Mậu, đơn vị và các bên liên quan cố gắng thực hiện hoàn thành cơ bản vào ngày 25 tháng Chạp, trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, cho các loại phương tiện xe cơ giới trên tuyến quốc lộ 1 lưu thông qua cầu bình thường. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên việc huy động nhân lực gặp khó khăn. Nếu đủ lực lượng, đơn vị sẽ đẩy mạnh thi công khu vực còn lại (phía Nam cầu theo hướng Bắc - Nam).
Dự án Xây dựng cầu vượt Dầu Giây do Công ty CP BT20 - Cửu Long làm chủ đầu tư. Công trình gồm xây cầu vượt dọc theo quốc lộ 1, dài hơn 350m, rộng 16m với 4 làn xe. Phần nút giao được mở rộng hai bên quốc lộ 1 (dọc theo cầu vượt) có 4 làn xe. Mục tiêu của dự án là giải quyết ùn tắc giao thông tại ngã tư này. |
“Chúng tôi cố gắng trải thảm nhựa mặt cầu trước ngày 17-1 (nhằm ngày 15 tháng Chạp, những vị trí dở dang còn lại sẽ xong trước ngày 22-1 (nhằm ngày 20 tháng Chạp). Đối với điện sáng, sẽ đấu nối điện vào các vị trí để việc lưu thông của các phương tiện thuận lợi vào ban đêm” - ông Mậu nói.
Mới đây, lãnh đạo tỉnh và đại diện các ban, ngành và địa phương tiến hành kiểm tra tiến độ thi công dự án Xây dựng cầu vượt Dầu Giây. Qua ghi nhận, việc thi công tại dự án vẫn rất chậm, công trình có nhiều vị trí chưa hoàn thiện, nhưng do thi công dàn trải lại có ít công nhân làm việc khiến khu vực này trở nên lộn xộn, nhếch nhác. Mặt đường hai bên cầu xuống cấp, lồi lõm rất nhiều nên nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến việc lưu thông và sự an toàn của người dân.
Chủ tịch UBND H.Thống Nhất Mai Văn Hiền cho biết, cầu vượt nút giao ngã tư Dầu Giây thi công gần 5 năm, trong quá trình thi công, diện tích mặt đường khu vục nút giao hẹp, mặt đường khu vực này rất xấu do hư hỏng. Thời điểm cuối năm, phương tiện lưu thông qua đây sẽ tăng cao, nếu không có phương án đảm bảo, phân luồng hợp lý thì dẫn đến nguy cơ mất an toàn giao thông.
Đối với việc thiếu lực lượng làm việc dẫn đến khó đảm bảo thời hạn hoàn thành dự án, địa phương sẵn sàng tạo điều kiện hết sức trong việc hỗ trợ đơn vị thi công. Mục tiêu quan trọng là để công trình sớm hoàn thành, đảm bảo cho người dân đi lại an toàn, không xảy ra tai nạn gây bức xúc cho bà con.
* Phải đảm bảo an toàn cho người dân lưu thông dịp Tết
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, thời gian chỉ còn nửa tháng để triển khai thi công, nhưng với tiến độ còn chậm, khối lượng công việc lớn, nhân - vật lực tập kết tại công trình hạn chế, việc thông xe cầu vượt Dầu Giây khó có thể đúng như cam kết của chủ đầu tư dự án. Trong khi thời điểm gia hạn cuối cùng mà Bộ GT-VT cam kết sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng toàn bộ dự án là trong quý I-2022.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng yêu cầu, thời gian không còn nhiều khi Tết Nguyên đán đã cận kề, đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu thi công phải đẩy nhanh việc thi công hơn nữa. Tăng tốc thi công cả ngày lẫn đêm để đảm bảo đúng tiến độ đặt ra trước Tết. Sở GT-VT, địa phương và chủ đầu tư dự án cần họp giao ban hằng tuần để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ những vướng mắc.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh, đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu thi công phải có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phân luồng, điều tiết giao thông, xử lý mặt đường khu vực nút giao ngã tư cầu vượt Dầu Giây, hoàn trả mặt bằng êm thuận, thông thoáng, đèn đường sáng cho người dân đi lại an toàn trước Tết Nguyên đán.
Phó cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV Nguyễn Đình Dũng cho hay, theo yêu cầu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đối với những dự án đang thi công, các đơn vị cần chỉ đạo tư vấn giám sát, nhà thầu thi công hoàn chỉnh các công việc còn lại, dọn dẹp công trường, không gây cản trở giao thông. Cùng với đó, duy trì đầy đủ hệ thống biển báo trong quá trình thi công để phương tiện lưu thông thuận lợi, đảm bảo an toàn giao thông trong dịp Tết. Công bố số điện thoại đường dây nóng của cán bộ thường trực tại hiện trường để kịp thời xử lý khi xảy ra các tình huống mất an toàn, ùn tắc giao thông.
Đối với dự án Xây dựng cầu vượt Dầu Giây, đây là nút giao phức tạp nên việc hoàn trả mặt bằng khi công trình chưa hoàn thành cần phải được chú trọng, đảm bảo. Từ hệ thống biển báo, đèn chiếu sáng đến phương án phân luồng, điều tiết cần phải đầy đủ và kịp thời. Chủ đầu tư, đơn vị thi công phải quyết liệt hơn nữa và tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành dự án đúng cam kết, không để tiếp tục gây mất an toàn giao thông do việc thi công không đảm bảo an toàn.
Thanh Hải