Từ đầu năm 2022, các quy định đối với xe kinh doanh vận tải (KDVT) như: đổi từ biển số trắng sang biển số vàng, gắn camera giám sát, phải có dây an toàn ở tất cả các vị trí chở khách… bắt đầu được áp dụng.
Từ đầu năm 2022, các quy định đối với xe kinh doanh vận tải (KDVT) như: đổi từ biển số trắng sang biển số vàng, gắn camera giám sát, phải có dây an toàn ở tất cả các vị trí chở khách… bắt đầu được áp dụng.
Theo quy định từ ngày 1-1-2022, xe kinh doanh vận tải chuyển từ biển số trắng sang biển số vàng để giúp lực lượng chức năng dễ nhận diện trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông. Ảnh minh họa: T.Hải |
Đây là các quy định bắt buộc nhằm đưa hoạt động KDVT trong thời gian tới vào nề nếp.
* Phải thực hiện trước ngày 31-12-2021
Thông tư số 58/2020/TT-BCA ngày 16-6-2020 của Bộ Công an về quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ quy định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe đang hoạt động KDVT phải đổi sang biển số màu vàng trước ngày 31-12-2021. Việc đổi màu biển số xe sẽ hỗ trợ lực lượng chức năng trong quản lý, phân biệt tốt hơn các xe hoạt động kinh doanh, đặc biệt tạo sự công bằng, bình đẳng với các hãng xe.
Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết, đến nay phần lớn phương tiện trong tổng số hơn 50 ngàn xe trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành việc đổi màu biển số, các trường hợp chưa thực hiện chủ yếu là các cá nhân, đơn vị KDVT với số lượng phương tiện ít. Sau thời điểm trên, nếu xe KDVT chưa đổi biển số xe từ nền màu trắng sang vàng sẽ bị phạt tiền từ 2-4 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4-8 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt (gọi tắt là Nghị định 100).
Theo thống kê của Sở GT-VT, toàn tỉnh có hơn 500 doanh nghiệp, HTX, cá nhân được cấp phép KDVT với gần 50 ngàn phương tiện. Trong đó, vận tải hàng hóa chiếm chủ yếu với gần 45 ngàn phương tiện, vận tải khách theo hợp đồng với trên 6 ngàn phương tiện, vận tải khách cố định với gần 300 phương tiện và vận tải khách công cộng bằng xe buýt hơn 350 phương tiện. |
Tượng tự, theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17-1-2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện KDVT bằng xe ô tô (gọi tắt là Nghị định 10), ô tô KDVT hành khách từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên và xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh này được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép để bảo đảm giám sát công khai, minh bạch.
Nghị định 10 quy định hình ảnh từ camera lắp trên xe phải được truyền với tần suất từ 12-20 giờ (tương đương từ 3-5 phút/lần truyền dữ liệu về đơn vị KDVT và truyền về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền). Cụ thể, từ ngày 25-12 đến hết ngày 31-12-2021, doanh nghiệp KDVT đăng ký tạo tài khoản và thực hiện truyền thử dữ liệu thí điểm. Từ ngày 1-1-2022, doanh nghiệp KDVT thực hiện truyền dữ liệu theo quy định.
Một yêu cầu khác cũng có hạn đến ngày 31-12-2021 là xe ô tô KDVT buộc phải có dây an toàn ở tất cả các vị trí chở khách (trừ xe buýt nội tỉnh), bao gồm cả ghế nằm, giường nằm theo quy định tại Nghị định 10. Như vậy, theo quy định của pháp luật thì xe ô tô tham gia KDVT hành khách phải đáp ứng đủ các điều kiện tham gia giao thông, trong đó bắt buộc phải có dây an toàn tại các vị trí ghế ngồi, giường nằm. Nếu xe ô tô tham gia kinh doanh vận chuyển hành khách không bố trí dây an toàn thì lái xe sẽ bị xử phạt từ 600-800 ngàn đồng theo Điều 23 của Nghị định 100.
* Xử lý nghiêm xe KDVT không thực hiện
Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện (Sở GT-VT) Lê Văn Đức cho biết, ngày 14-12, Sở GT-VT đã làm việc với các đơn vị KDVT và đề nghị phải khẩn trương thực hiện lắp camera trên xe KDVT theo lộ trình tại Nghị định 10, bởi thời hạn không còn nhiều. Tuy nhiên, số lượng phương tiện đã lắp camera chiếm tỷ lệ rất thấp so với tổng số phương tiện phải lắp là một khó khăn trong thực hiện.
Thực tế, quy định này đã được triển khai từ lâu, Chính phủ đã tạo điều kiện trong việc lùi thời hạn lắp đặt đến hết ngày 31-12 thay vì ngày 1-7-2021 như quy định trước đây. Nhưng doanh nghiệp KDVT vì nhiều lý do để từ chối, không chấp hành thì sẽ bị xử phạt theo đúng quy định.
Liên quan đến vấn đề này, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về thực hiện các quy định đối với xe KDVT. Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an, Bộ GT-VT và UBND các địa phương khẩn trương thực hiện nghiêm quy định lắp đặt camera trên xe ô tô KDVT theo Nghị định 10 và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 66/NQ-CP ngày 1-7-2021 về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6-2021.
Theo Nghị quyết 66/NQ-CP, Bộ Công an được giao chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông; Bộ GT-VT chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông theo chức năng, nhiệm vụ được giao, đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với xe ô tô tham gia hoạt động KDVT nhưng không chấp hành quy định về lắp đặt camera.
Chánh thanh tra giao thông (Sở GT-VT) Nguyễn Phan Trong cho biết, Sở GT-VT vừa có văn bản chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông sau ngày 31-12-2021 phải kiểm tra, xử lý các trường hợp xe KDVT chưa lắp camera. Việc kiểm tra được thực hiện tại các bến xe, những phương tiện không thực hiện sẽ bị xử phạt theo đúng quy định.
Thanh Hải