Thời gian qua, tại một số tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai, liên tục phát hiện các vụ làm giả giấy đi đường, giấy xét nghiệm virus SARS-CoV-2, giấy xác nhận đã tiêm vaccine ngừa Covid-19… bán cho những người có nhu cầu để làm giấy "thông hành" khi ra đường hoặc liên hệ công việc trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Thời gian qua, tại một số tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai, liên tục phát hiện các vụ làm giả giấy đi đường, giấy xét nghiệm virus SARS-CoV-2, giấy xác nhận đã tiêm vaccine ngừa Covid-19… bán cho những người có nhu cầu để làm giấy “thông hành” khi ra đường hoặc liên hệ công việc trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Giấy đi đường và giấy chứng nhận tiêm vaccine ngừa Covid-19 giả được cơ quan công an tịch thu tại tiệm photocopy của ông Nguyễn Xuân Phẩm (ngụ P.Bình Đa, TP.Biên Hòa). Ảnh: Trần Danh |
* Có thể bị xử lý hình sự
Đội Cảnh sát kinh tế Công an Q.Bắc Từ Liêm (TP.Hà Nội) vừa khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với N.T.T.H. (37 tuổi, ngụ Q.Bắc Từ Liêm) để điều tra về hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Theo cơ quan công an, trong thời gian qua, H. đã làm giả nhiều giấy đi đường cho những người có nhu cầu với nội dung những người này là nhân viên của Công ty TNHH Vận tải quốc tế H.H. (đóng tại Q.Cầu Giấy, TP.Hà Nội), nơi H. đang làm kế toán với chi phí 1 triệu đồng/người/giấy. Từ ngày 15-8 đến khi bị phát hiện, H. đã tổ chức thành công 3 chuyến xe chở 9 người từ TP.Hà Nội về tỉnh Nghệ An.
Tại Đồng Nai, chiều 8-9, Công an TP.Biên Hòa phát hiện ông Nguyễn Xuân Phẩm, chủ một tiệm photocopy ở P.Bình Đa (TP.Biên Hòa) có hành vi làm giả giấy đi đường và giấy xác nhận đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 để bán cho người có nhu cầu. Ông Phẩm đã bị tạm giữ để điều tra về hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Luật sư Lưu Hồng Khanh (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, theo Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015, hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm. Điều đáng quan tâm, hành vi làm giả và sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức tuy là 2 hành vi khác nhau nhưng đều có cùng khung hình phạt như Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo luật sư Lưu Hồng Khanh, sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức là hành vi sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giống với con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ thật của cơ quan, tổ chức đó hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân.
Tuy nhiên, Khoản 1, Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật thì mới xem là hành vi phạm tội.
* Cần quy định cụ thể mức xử phạt hành chính
Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh Hội Luật gia tỉnh cho hay, pháp luật hiện hành chưa quy định khái niệm giấy tờ giả. Tuy vậy, đối chiếu với các quy định hiện nay thì có thể hiểu, giấy tờ giả tức là những giấy tờ không phải là thật, không được làm ra theo đúng quy trình, trình tự, thủ tục, tiêu chuẩn mà pháp luật quy định, không do cơ quan có thẩm quyền cấp một cách hợp pháp mà được làm ra với bề ngoài giống như thật, nhằm mục đích lừa dối các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để phục vụ các mục đích vụ lợi hoặc phục vụ mục đích khác theo nhu cầu của cá nhân.
Cũng theo luật sư Ngô Văn Định, đối với hành vi sử dụng giấy tờ giả nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính theo từng lĩnh vực cụ thể, phụ thuộc vào loại giấy tờ giả mà họ sử dụng là loại giấy tờ nào. Bởi trong quy định của pháp luật hiện hành không quy định một mức xử phạt hành chính chung cho việc sử dụng các loại giấy tờ giả mà quy định việc xử phạt hành vi này trong từng lĩnh vực. Cụ thể như: sử dụng chứng minh nhân dân giả thì bị phạt từ 2-4 triệu đồng; bị tịch thu chứng minh nhân dân giả; sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt từ 7-10 triệu đồng; bị tịch thu văn bằng, chứng chỉ giả…
Hiện tại, pháp luật chưa quy định xử phạt hành chính đối với người sử dụng giấy đi đường, giấy xét nghiệm virus SARS CoV-2, giấy chứng nhận tiêm vaccine ngừa Covid-19 giả để thông chốt kiểm soát phòng dịch. Do đó, thông thường lực lượng chức năng chỉ xử lý hành chính đối với các trường hợp này về hành vi ra đường không có lý do chính đáng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Trong khi đó, hành vi sử dụng giấy đi đường, giấy xét nghiệm virus SARS-CoV-2, giấy chứng nhận tiêm vaccine ngừa Covid-19 là hành vi vi phạm pháp luật, không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức bị làm giả con dấu, tài liệu, mà còn ảnh hưởng đến trật tự quản lý xã hội, gây nguy cơ làm lây lan dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng.
Do đó, luật sư Ngô Văn Định kiến nghị, pháp luật phải sớm bổ sung quy định mức xử phạt vi phạm hành chính cụ thể đối với người sử dụng giấy đi đường, giấy xét nghiệm virus SARS CoV-2, giấy chứng nhận tiêm vaccine ngừa Covid-19 giả, nhằm ngăn ngừa các hành vi sử dụng các giấy tờ giả để thông chốt kiểm soát phòng dịch.
Đoàn Phú