Luật Chăn nuôi năm 2018 có hiệu lực từ 1-1-2020, Nghị định 14/2021/NĐ-CP ngày 1-3-2021 quy định về xử phạt hành chính trong chăn nuôi (gọi tắt là Nghị định 14 có hiệu lực ngày 23-4-2021) hiện rất được dư luận quan tâm khi hành vi hành hạ, đánh đập vật nuôi bị cấm và xử phạt vi phạm hành chính.
Luật Chăn nuôi năm 2018 có hiệu lực từ 1-1-2020, Nghị định 14/2021/NĐ-CP ngày 1-3-2021 quy định về xử phạt hành chính trong chăn nuôi (gọi tắt là Nghị định 14 có hiệu lực ngày 23-4-2021) hiện rất được dư luận quan tâm khi hành vi hành hạ, đánh đập vật nuôi bị cấm và xử phạt vi phạm hành chính.
Cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu thế nào là đối xử nhân đạo với vật nuôi để tránh không bị xử phạt hành chính. Trong ảnh: Một số người dân ở xã Phú Vinh (H.Định Quán) vẫn có thói quen thiến gà để duy trì đặc sản gà trống thiến. Ảnh minh họa: Đ.Phú |
Với góc nhìn pháp lý và cuộc sống, người chăn nuôi cho rằng, pháp luật quy định việc đối xử nhân đạo với vật nuôi trong chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ là nhân văn. Tuy nhiên, để giá trị nhân văn đó hiện thực qua hành vi xử lý cá nhân vi phạm một cách triệt để, công bằng thì còn rất nhiều điều đáng bàn.
* Khó xử phạt các cá nhân vi phạm
Luật Chăn nuôi năm 2018 quy định, tổ chức, cá nhân trong hoạt động, vận chuyển, giết mổ không đánh đập, hành hạ vật nuôi; hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi; có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ; không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ...
Điều 29 Nghị định 14 quy định: phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi. Phạt tiền từ 3 -5 triệu đồng đối với cơ sở giết mổ tập trung có một trong các hành vi vi phạm (không có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh trước khi giết mổ; đánh đập vật nuôi trước khi giết mổ; không có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ). Phạt tiền từ 5-50 triệu đồng đối với hành vi đưa vật thể lạ, bơm nước cưỡng bức hoặc các chất khác vào cơ thể động vật trên cạn trước khi giết mổ.
Luật gia Vòng Khiềng, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, mức phạt tiền trên thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã, huyện. Vì theo Điều 37 Nghị định 14, Chủ tịch UBND cấp xã có quyền phạt tiền đến 5 triệu đồng đối với lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và điều kiện chăn nuôi. Chủ tịch UBND cấp huyện có quyền phạt tiền đến 50 triệu đồng đối với lĩnh vực thức ăn chăn nuôi và điều kiện chăn nuôi.
Cũng theo luật gia Vòng Khiềng, điều mà dư luận quan tâm hiện nay là việc chăn nuôi, giết mổ nhỏ lẻ trong dân rất nhiều nên xử phạt hành vi đối xử thiếu nhân đạo với vật nuôi là rất khó. Việc kiểm soát trong giết mổ, chăn nuôi nhân đạo, nhân văn có thể thực hiện một cách nghiêm túc, nghiêm khắc, triệt để tại các doanh nghiệp, trại chăn nuôi, còn các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ rất khó thực hiện. Bởi vì, lực lượng chức năng được giao nhiệm vụ này (cán bộ, công chức cấp xã, huyện) hiện đã quá nhiều việc nên không thể quán xuyến hết hoạt động chăn nuôi, giết mổ nhỏ, lẻ trong dân có hành vi đối xử thiếu nhân đạo với vật nuôi nhằm phát hiện, lập biên bản đề nghị người có thẩm quyền xử phạt. Đồng thời, do tập quán, nhận thức pháp luật về vấn đề này của người dân chưa thấu đáo nên vi phạm sẽ còn phổ biến.
* Tăng cường tuyên truyền pháp luật
Điều 69 Luật Chăn nuôi năm 2018 quy định, tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi phải cung cấp đủ thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh cho vật nuôi. Việc quy định như vậy nhằm nghiêm cấm trường hợp cho vật nuôi ăn đồ ôi thiu, nhiễm bẩn, nhiễm khuẩn... có nguy cơ gây bệnh và lây bệnh cho vật nuôi và con người.
Bên cạnh đó, luật cũng quy định, khi chăn nuôi vật nuôi thì chủ nuôi cần phải đảm bảo có chuồng trại, không gian chăn nuôi phù hợp với vật nuôi; phòng bệnh và trị bệnh theo quy định của pháp luật về thú y; tổ chức, cá nhân vận chuyển vật nuôi phải sử dụng phương tiện, trang thiết bị vận chuyển vật nuôi phù hợp, bảo đảm không gian thông thoáng, hạn chế chấn thương, sợ hãi cho vật nuôi; cung cấp đủ thức ăn, nước uống cho vật nuôi. Đối với cơ sở giết mổ vật nuôi phải đảm bảo có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh; cung cấp nước uống phù hợp với vật nuôi trong thời gian chờ giết mổ; hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi...
Cũng theo một số luật gia, luật sư thuộc Hội Luật gia tỉnh, việc xử phạt đối với hành vi không cung cấp đủ thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh cho vật nuôi cũng không dễ, vì phải mất thời gian chứng minh thức ăn cho vật nuôi ôi thiu, nhiễm bẩn, nhiễm khuẩn... có nguy cơ gây bệnh và lây bệnh cho vật nuôi và con người. Đồng thời, lực lượng chức năng thường cũng chỉ kiểm tra những doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi lớn chứ những hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ thì không đủ lực lượng để kiểm tra mà xử lý.
“Việc xử lý nghiêm với tổ chức nhưng không nghiêm, không kịp thời, bỏ ngỏ đối với cá nhân thì không công bằng. Cho nên, ngoài công tác xử phạt còn phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu thế nào là đối xử không nhân đạo với vật nuôi trong giết mổ, chăn nuôi” - luật gia Vòng Khiềng nhấn mạnh.
Theo một số UBND phường, xã trên địa bàn tỉnh, để xử lý hành chính các hành vi vi phạm theo Nghị định 14, ngoài công tác tuyên truyền, giáo dục cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm một cách kịp thời, kiên quyết. “Muốn xử phạt được hành vi này cần phải có sự hợp tác, hỗ trợ của những người báo tin về các hành vi vi phạm trong việc cung cấp chứng cứ, cơ sở để chứng minh. Vì nếu người dân báo tin nhưng không hợp tác, đối tượng vi phạm tìm cách xóa dấu vết, vật chứng, bằng chứng sẽ rất khó để xử lý” - Phó chủ tịch UBND xã Phú Hội (H.Nhơn Trạch) Nguyễn Văn Tài cho biết.
Diễm Quỳnh