Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) trên xe ô tô nhằm lưu giữ các thông tin về hành trình, tốc độ vận hành, số lần và thời gian dừng đậu, đóng hoặc mở cửa xe, thời gian lái xe... để cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu là cần thiết.
Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) trên xe ô tô nhằm lưu giữ các thông tin về hành trình, tốc độ vận hành, số lần và thời gian dừng đậu, đóng hoặc mở cửa xe, thời gian lái xe... để cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu là cần thiết.
Các lực lượng chức năng kiểm tra việc lắp “hộp đen” đối với phương tiện vận tải trên địa bàn TP.Biên Hòa. Ảnh: T.Hải |
Tuy nhiên, trên thực tế nhiều doanh nghiệp, lái xe vẫn không chấp hành, thường xuyên gỡ bỏ hộp đen nhằm tránh bị cơ quan chức năng giám sát, xử lý khi phương tiện vi phạm các quy định pháp luật về an toàn giao thông.
* Doanh nghiệp vận tải còn thờ ơ
Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10-09-2014 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô đã quy định đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo rơ-moóc, sơ mi rơ-moóc hoạt động kinh doanh vận tải và xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa phải gắn hộp đen; hộp đen phải đảm bảo tình trạng kỹ thuật tốt và hoạt động liên tục trong thời gian xe tham gia giao thông.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định mức xử phạt tiền đối với những vi phạm liên quan đến việc lắp đặt và sử dụng dữ liệu hộp đen từ 5-6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 10-12 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải. |
Theo quy định, các phương tiện vận tải phải kiểm định 6 tháng/lần, nếu hộp đen hoạt động tốt thì được cấp giấy phép kinh doanh vận tải và cấp phù hiệu xe. Cơ quan đăng kiểm sẽ không kiểm định cho ô tô chưa gắn hộp đen. Xe lưu thông trên đường không gắn hộp đen sẽ bị cảnh sát giao thông xử phạt vì không đủ tiêu chuẩn lưu hành.
Ngoài những tính năng cơ bản như: giám sát lộ trình, tốc độ và hành vi lái xe, doanh nghiệp có thể quản lý, giám sát hàng hóa trên xe qua cảm biến giám sát gắn trong hộp đen. Với xe khách, tình trạng nhồi nhét, chở quá số người quy định cũng được giám sát qua công nghệ chụp hình ảnh và cảm biến hồng ngoại gắn ở cửa lên/xuống xe, giúp chủ xe có thể theo dõi và điều chỉnh ngay vi phạm của lái xe.
Tuy nhiên, theo một số đơn vị sản xuất hộp đen, đến nay vẫn còn tình trạng nhiều chủ xe, doanh nghiệp vận tải không chịu nộp phí thuê bao mà chỉ gắn hộp đen để đối phó với lực lượng kiểm tra. Nhiều doanh nghiệp không mặn mà với việc gắn hộp đen, không ít phương tiện trong quá trình hoạt động ngắt luôn kết nối dẫn đến gián đoạn thông tin, dữ liệu truyền về cho các đơn vị chức năng. Hoặc có doanh nghiệp chỉ lắp cho có, chất lượng hộp đen kém dẫn đến hư hỏng thường xuyên.
Ông Nguyễn Thành Tài, chủ một doanh nghiệp sản xuất hộp đen cho biết: “Mức xử phạt đối với hành vi không lắp đặt hộp đen so với một số vi phạm về tốc độ, chở quá số người, chạy quá thời gian cho phép… còn thấp nên nhiều doanh nghiệp, lái xe không sợ”.
* Phải giám sát, xử lý kịp thời
Gần đây, trên địa bàn cả nước liên tục xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe ô tô kinh doanh vận tải, làm chết và bị thương nhiều người. Mặc dù Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã nhiều lần chỉ đạo các sở GT-VT, các đơn vị kinh doanh vận tải theo dõi, chấn chỉnh và xử lý vi phạm thông qua thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động vận tải, góp phần ngăn chặn và giảm thiểu tai nạn, nhưng qua theo dõi trên hệ thống xử lý dữ liệu từ hộp đen vẫn còn nhiều phương tiện không truyền dữ liệu theo quy định.
Thống kê cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2021, trên cả nước có hơn 600 ngàn xe không truyền dữ liệu giám sát hành trình về Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Trong đó, có rất nhiều địa phương mà số xe vi phạm không truyền dữ liệu lớn như: Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Tiền Giang…
Để chấn chỉnh, từ ngày 15-4 đến 15-7-2021, các cơ quan chức năng sẽ tổng kiểm tra doanh nghiệp vận tải không truyền dữ liệu giám sát hành trình, tập trung kiểm tra, xử lý các vi phạm về lắp đặt, duy trì hoạt động; vi phạm về cung cấp, cập nhật, truyền các thông tin từ hộp đen; các hành vi sử dụng các biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác để can thiệp vào quá trình hoạt động, phá sóng GPS hoặc làm sai lệch dữ liệu của thiết bị.
Liên quan đến vấn đề này, Sở GT-VT cho biết, theo dữ liệu trích xuất từ hệ thống giám sát hành trình của Tồng cục Đường bộ Việt Nam trong tháng 2-2021, trên địa bàn tỉnh có 10 ngàn phương tiện không truyền dữ liệu từ hộp đen 7 ngày liên tục, hơn 1,2 ngàn phương tiện trong tháng có từ 5 lần vi phạm tốc độ/1 ngàn km, lái xe của gần 4,9 ngàn phương tiện vi phạm về thời gian lái xe liên tục từ 10% số ngày xe hoạt động trong 1 tháng.
Sở GT-VT vừa có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải tăng cường công tác phổ biến, quán triệt tới các lái xe, nhân viên phục vụ chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh vận tải. Đồng thời nhắc nhở, chấn chỉnh, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm về: tốc độ, hành trình, dừng đậu, thời gian lái xe liên tục, mất tín hiệu thiết bị…
Phó giám đốc Sở GT-VT Dương Mạnh Hưng cũng yêu cầu các doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải thường xuyên cập nhật, duy trì tình trạng kỹ thuật tốt, đảm bảo truyền dẫn và cung cấp đầy đủ, chính xác liên tục các thông tin bắt buộc theo quy định từ hộp đen trong suốt quá trình phương tiện tham gia giao thông…
Thanh Hải