Báo Đồng Nai điện tử
En

Người mua bưởi không hái trái, chủ vườn khó xử

09:03, 11/03/2021

Thông thường, sau khi thu hoạch lứa bưởi Tết cuối cùng vào cuối tháng 2, người mua bưởi phải giao trả lại vườn cho nhà nông chăm sóc và hợp đồng mua bán vườn bưởi vụ Tết giữa đôi bên kết thúc.

Thông thường, sau khi thu hoạch lứa bưởi Tết cuối cùng vào cuối tháng 2, người mua bưởi phải giao trả lại vườn cho nhà nông chăm sóc và hợp đồng mua bán vườn bưởi vụ Tết giữa đôi bên kết thúc.

Đến nay, vườn bưởi 1,5 sào chín vàng của ông L.T.L. (ngụ xã Bình Lợi, H.Vĩnh Cửu) vẫn chưa được người mua thu hoạch xong và trả lại vườn
Đến nay, vườn bưởi 1,5 sào chín vàng của ông L.T.L. (ngụ xã Bình Lợi, H.Vĩnh Cửu) vẫn chưa được người mua thu hoạch xong và trả lại vườn. Ảnh: Đoàn Phú

Tuy nhiên, dịp Tết Nguyên đán 2021, do giá bưởi hạ, khó bán dẫn tới việc người mua bưởi vườn chậm thanh toán tiền, kéo dài thời gian hái bưởi và giao vườn cho nhà nông. Điều này đã làm cho không ít nhà vườn bức xúc, lúng túng trong việc lấy lại vườn chăm sóc cho kịp thời vụ mới.

* Thiệt đơn, thiệt kép

Ông L.T.H. (ngụ xã Bình Lợi, H.Vĩnh Cửu) có 6 sào bưởi. Vụ bưởi Tết Nguyên đán 2021, ông ký hợp đồng bán trái bằng giấy tay cho ông N.T.K. với giá 450 triệu đồng. Theo hợp đồng, ngày 1-12-2020, ông K. đặt cọc trước 150 triệu đồng và bắt đầu hái trái. Đồng thời, cả hai bên có trách nhiệm trông coi, chăm sóc vườn bưởi. Đến ngày 5-2-2021, ông K. thu hoạch xong và trả lại vườn bưởi cho ông H. chăm sóc. Tuy nhiên, do bưởi trước và sau Tết khó bán nên dẫn tới việc ông K. chậm hái bưởi, chậm trả đủ tiền và giao trả vườn cho ông H.

Nhìn những trái bưởi chín vàng, rụng đầy gốc vì không được hái, ông H. tiếc rẻ nói: “Nếu họ thu hoạch đúng thời gian, trả tiền sòng phẳng như mọi năm thì tôi cũng có được lãi gần 200 triệu đồng/5 sào. Nay họ bỏ của chạy lấy người thì thiệt thòi cho nhà nông chúng tôi lắm”.

“Mặc dù bưởi chín vàng cây, rụng đầy gốc, người mua không trả đủ tiền, giao trả vườn đúng cam kết, tôi vẫn tuân thủ nghĩa vụ giữ vườn, xịt thuốc, bón phân. Bao công sức, tâm huyết của tôi đều dành cho cây bưởi nhưng họ làm ăn kiểu này thì tôi không thể nhịn được nên buộc lòng phải kiện đòi thực hiện và bồi thường hợp đồng” - ông H. cho biết.

Không riêng gì ông H. mà nhiều nhà vườn khác ở xã Bình Lợi cũng gặp phải tình trạng “dở khóc dở cười” này. Bởi vụ bưởi Tết Nguyên đán 2021 bị dội chợ, dẫn tới việc người mua bưởi phá vỡ hợp đồng làm nhà nông điêu đứng khi cây bưởi thì của mình nhưng trái của người khác. “Họ không hái cũng không trả lời khi nào trả lại vườn bưởi cho tôi chăm sóc. Nếu chúng tôi tiếc của tự hái trái bán, thu lại vườn chăm sóc thì vi phạm hợp đồng. Kiểu làm ăn như vậy quả là rất khó xử cho chúng tôi” - ông L.V.X. (ngụ xã Bình Lợi) bộc bạch.

Ông L.T.H. cho hay, vì tiếc vườn bưởi và bức xúc kiểu làm ăn không uy tín của người mua bưởi nên ông đã tìm tới Hội Luật gia TP.Biên Hòa nhờ tư vấn đòi quyền lợi. Đồng thời, nhờ thừa phát lại tới lập vi bằng cho việc ông thu hoạch bưởi để dọn vườn, chăm sóc cây sau thu hoạch, làm cơ sở chứng cứ khi đôi bên phát sinh tranh chấp. Vì nếu không tỉa cành, bón phân cho vườn bưởi đúng thời điểm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới vụ trái sau.  “Nhiều người muốn làm theo tôi nhưng họ không có 5-6 triệu đồng để mời thừa phát lại tới lập vi bằng và ngại nhờ pháp luật can thiệp” - ông H. nói.

* Mua bán nên giao kết hợp đồng

Hiện nay, tại một số địa phương trong tỉnh xuất hiện rất nhiều vụ việc tranh chấp liên quan tới mua bán nông sản.  Nhất là khi nông sản tới kỳ thu hoạch, các đại lý hoặc người thu mua nông sản tăng cường tiếp cận nhà vườn đặt “cọc” tiền làm tin hoặc cam kết miệng với nhau, viết giấy tay. Sau đó, người mua không thực hiện đúng với những gì đã cam kết với nhà vườn, làm nhà vườn lao đao.

Luật gia Phạm Đình Đức, Hội Luật gia TP.Biên Hòa cho biết, việc buôn bán, trao đổi nông sản của nông dân thường bằng miệng, giấy tay. Đây là tập quán, thói quen thường gặp ở vùng nông thôn. Theo quy định của pháp luật, dù giao kết bằng miệng, giấy viết tay nhưng được các bên thừa nhận thì giao kết đó vẫn có giá trị và được pháp luật bảo vệ.

Do đó, theo luật gia Đức, việc giao kết hợp đồng mua bán vườn bưởi bằng giấy tay giữa ông H. với ông K. vẫn được xem là cơ sở chứng cứ khi ông H. khởi kiện vụ việc ra tòa án. Việc ông K. không thực hiện đúng hợp đồng, gây thiệt hại cho ông H. thì phải bồi thường hợp đồng.

“Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc quy định các quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm dân sự, cùng các điều khoản làm thay đổi hay chấm dứt chúng, hợp đồng được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như: qua lời nói, qua văn bản hoặc qua hành vi cụ thể, trừ khi pháp luật có quy định cụ thể trong một số lĩnh vực” - luật gia Đức nói.

Để các giao dịch mua bán nói chung và mua bán nông sản nói riêng đảm bảo giá trị pháp lý vững chắc, luật gia Phạm Đình Đức, Hội Luật gia TP.Biên Hòa khuyến cáo, khi xác lập hợp đồng mua bán, cả bên mua và bên bán nên đến UBND xã chứng thực hợp đồng hoặc đến tổ chức hành nghề công chứng để công chứng hợp đồng. Vì đây là hợp đồng mua bán, thương mại nên đôi bên có thể khởi kiện vụ việc ra tòa án hoặc nhờ trọng tài thương mại giải quyết.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích