Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngăn chặn, kéo giảm tội phạm giết người

10:03, 12/03/2021

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, trong năm 2020, mặc dù án giết người trên địa bàn Đồng Nai giảm nhưng tình hình tội phạm liên quan đến giết người còn rất phức tạp và khó lường, đối tượng ngày càng manh động, nguy hiểm gây lo lắng cho người dân.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, trong năm 2020, mặc dù án giết người trên địa bàn Đồng Nai giảm nhưng tình hình tội phạm liên quan đến giết người còn rất phức tạp và khó lường, đối tượng ngày càng manh động, nguy hiểm gây lo lắng cho người dân.

Các bị cáo trong vụ án giết người do Vưu Đức Thành cầm đầu tại phiên tòa vào ngày 1-2-2021. Ảnh: T.Tâm
Các bị cáo trong vụ án giết người do Vưu Đức Thành cầm đầu tại phiên tòa vào ngày 1-2-2021. Ảnh: T.Tâm

Hầu hết các vụ án giết người trên địa bàn tỉnh đều được điều tra làm rõ nhưng hệ lụy để lại cho xã hội là vô cùng lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn.

* Giết người vì mâu thuẫn xã hội

Theo Công an tỉnh, trong năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 39 vụ án giết người, giảm 7 vụ so với năm 2019. Điều đáng quan tâm là 80% các vụ án giết người có nguyên nhân từ những mâu thuẫn, xích mích trong sinh hoạt, công việc giữa những người dân nhưng không được giải quyết, can thiệp kịp thời. Trong đó, phổ biến nhất vẫn là tình trạng giết người sau khi ăn nhậu, sử dụng chất kích thích không làm chủ được hành vi.

Cụ thể như vào giữa năm 2020, sau khi nhậu với nhau tại xã Hố Nai 3 (H.Trảng Bom), giữa Nguyễn Văn Mậu (30 tuổi, ngụ xã Hố Nai 3) và anh Nguyễn Văn Tùng (40 tuổi, ngụ cùng địa phương) xảy ra mâu thuẫn. Trong lúc cả hai đều có hơi men trong người, thiếu kiềm chế đã xông vào đánh nhau. Hậu quả, Mậu lấy dao chém anh Tùng tử vong.

Để ngăn ngừa tội phạm giết người, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đề nghị lực lượng công an phải thực hiện tích cực việc xóa bỏ các tụ điểm phức tạp, ngăn chặn kịp thời các đối tượng chuẩn bị hung khí, phương tiện phạm tội hoặc đang thực hiện hành vi phạm tội; giải quyết kịp thời, triệt để các hành vi bạo lực, côn đồ, càn quấy; mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tập trung đấu tranh, triệt xóa các băng nhóm côn đồ, “đâm thuê, chém mướn”.

Ngoài ra, tình trạng giết người thân thời gian qua diễn ra nhiều và để lại hậu quả rất thương tâm. Đối với những vụ án giết người thân không chỉ gây đau thương, mất mát trong gia đình mà còn gióng lên hồi chuông cảnh báo về đạo đức gia đình, xã hội đang ngày càng xuống cấp.

 Chẳng hạn như cuối tháng 11-2020, tại H.Trảng Bom xảy ra vụ án chồng giết vợ rồi tự sát, để lại 3 con thơ. Cụ thể là Nguyễn Duy Hoàng (33 tuổi) cùng vợ là chị Đoàn Thị Ánh Tuyết (28 tuổi), cùng ngụ xã Giang Điền (H.Trảng Bom) thường xảy ra xích mích khi sống chung nên chị Tuyết đưa 3 con về nhà ngoại sống. Sau đó, chị Tuyết về nhà làm thủ tục ly hôn thì hai bên cãi nhau và Hoàng đã đâm chết vợ rồi tự sát ngay sau đó.

Bên cạnh đó, tình trạng các nhóm đối tượng sử dụng hung khí để đánh nhau, giải quyết mâu thuẫn vẫn diễn biến phức tạp. Chỉ vì những mâu thuẫn, xích mích nhỏ trong giao tiếp, sinh hoạt, nhiều đối tượng sẵn sàng sử dụng các hung khí nguy hiểm tấn công, cố ý gây thương tích cho người khác. Đây là những hành vi phạm tội rất manh động, liều lĩnh.

Vào ngày 1-2, TAND tỉnh tuyên phạt các bị cáo: Vưu Đức Thành (27 tuổi, quê tỉnh Sóc Trăng); Huỳnh Văn Đen (28 tuổi), Nguyễn Trung Hậu (23 tuổi), cùng quê tỉnh Kiên Giang; Dương Đình Dầu (30 tuổi), Bùi Giáng Châu (23 tuổi), cùng ngụ H.Trảng Bom mức án từ 7-16 năm tù cho mỗi bị cáo về tội giết người. Nội dung vụ án chỉ đơn giản do xích mích nhỏ trong sinh hoạt, các đối tượng đã rủ rê thành 2 nhóm để đi “thanh toán nhau” khiến 1 người tử vong.

* Cần nhiều giải pháp tích cực

Theo đánh giá của Công an tỉnh, trong những năm gần đây, tội phạm giết người diễn biến phức tạp với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Nguyên nhân do mâu thuẫn nội bộ nhân dân trong đời sống sinh hoạt; côn đồ, băng nhóm tội phạm thanh toán nhau; mâu thuẫn do ghen tuông tình ái, mâu thuẫn gia đình; giết người do sử dụng các chất kích thích như: rượu bia, ma túy… không làm chủ được hành vi. Đặc biệt, tình trạng giết người hiện nay diễn ra cũng do lối sống, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, dễ bị kích động dẫn đến hành vi bạo lực. Trong đó tình trạng thanh thiếu niên có lối sống thực dụng, ích kỷ, coi thường pháp luật gây ra những vụ án mạng theo kiểu “đánh hội đồng” cũng khá phổ biến.

Phó trưởng phòng Kiểm sát thực hành quyền công tố, xét xử án hình sự về trật tự xã hội, Viện KSND tỉnh Nguyễn Như Quang Nhật cho biết, việc ảnh hưởng của các thông tin tiêu cực từ mạng xã hội, văn hóa phẩm đồi trụy và trào lưu sai lệch, cổ súy hành vi côn đồ, bạo lực xuất hiện ngày càng nhiều cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ án giết người, cố ý gây thương tích. Một số vụ án giết người cũng do nguyên nhân xuất phát từ lợi ích kinh tế như giết người cướp tài sản, tranh chấp tài sản…

Trước tình trạng tội phạm giết người ngày càng phức tạp, nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đoàn thể trong việc kéo giảm tội phạm nói chung và giết người nói riêng, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng vừa có công văn số 1714/KH-UBND về kế hoạch tăng cường các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh chỉ đạo các đơn vị phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, ý thức cộng đồng và trách nhiệm công dân về vấn đề phòng ngừa tội phạm giết người trong nhân dân; giáo dục lối sống, văn hóa, nâng cao nhận thức ứng xử trong thanh thiếu niên và người lao động ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, địa bàn tập trung đông dân cư như các khu công nghiệp…

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cơ quan chức năng cần thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm chủ động phát hiện và giải quyết triệt để các mâu thuẫn trong nhân dân, không để mâu thuẫn kéo dài dẫn đến giết người. Đồng thời, đẩy mạnh công tác phòng ngừa, tấn công trấn áp các loại tội phạm; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ANTT, nhất là quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT, quản lý cư trú, đối tượng.

Ngoài ra, các cơ quan tố tụng cần phối hợp chặt chẽ trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tội phạm giết người, xét xử lưu động hoặc thông báo rộng rãi kết quả xét xử những vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và không để oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Tố Tâm

Tin xem nhiều