Thời gian qua, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả trong công tác tìm kiếm, cứu nạn, đặc biệt là công tác cứu nạn ở những địa hình sâu, nguy hiểm.
Thời gian qua, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả trong công tác tìm kiếm, cứu nạn, đặc biệt là công tác cứu nạn ở những địa hình sâu, nguy hiểm.
Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh lặn tìm kiếm và trục vớt 1 xe tải bị rơi xuống sông Đồng Nai, đoạn thuộc xã Hiếu Liêm (H.Vĩnh Cửu) sáng 7-12-2020. Ảnh: C.T.V |
Chỉ tính riêng trong năm 2020, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh đã thực hiện 45 vụ cứu nạn, tìm kiếm được 37 thi thể nạn nhân, đưa 56 nạn nhân đến nơi an toàn. Trong đó, có nhiều nhiệm vụ cứu người, tìm thi thể dưới giếng, địa hình sâu nguy hiểm.
* Vượt khó cứu người
Đồng Nai có nhiều sông, hồ, suối và nhiều giếng đào sâu do người dân đào để lấy nước sinh hoạt nên nguy cơ gặp nạn (đuối nước, té ngã) tại các khu vực trên luôn tiềm ẩn. Nhiều nơi có địa hình khó tiếp cận nên khi xảy ra sự cố tai nạn, đuối nước, hầu như chỉ có lực lượng cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh mới có thể tiếp cận để ứng cứu hoặc đưa thi thể nạn nhân lên bờ, đặc biệt là tại các giếng, hố sâu.
Điển hình như chiều 9-12-2020, từ tin báo của Công an H.Vĩnh Cửu, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh đã tìm kiếm và đưa được 1 thi thể ở dưới giếng nước sâu thuộc xã Trị An (H.Vĩnh Cửu) lên bờ. Trước đó, tối 22-5-2020, lực lượng cứu nạn, cứu hộ này cũng đưa thi thể 1 người đàn ông dưới giếng nước sâu bị bỏ hoang tại TT.Gia Ray (H.Xuân Lộc) lên bàn giao cho gia đình lo hậu sự.
Để cứu người hoặc đưa được thi thể nạn nhân trong các vụ tai nạn đuối nước, rơi xuống giếng nước sâu lên bờ, lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh phải vượt qua nhiều khó khăn từ điều kiện tự nhiên, địa hình; đồng thời phải áp dụng tổng hợp các chiến thuật, kỹ thuật cứu nạn, cứu hộ ở dưới sâu, trong không gian hạn chế, dưới nước…
Theo Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực Trảng Bom, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, các khu vực giếng, hố sâu mà nạn nhân mắc kẹt thường rất khó tiếp cận do tầm nhìn, tầm hoạt động rất hạn chế, thiếu oxy, nhiều dị vật và côn trùng, động vật nguy hiểm. Bên cạnh đó là nguy cơ sạt lở đất đá, sập đổ các kết cấu xây dựng là rất cao. Nên đơn vị thường dùng xe cẩu hoặc tự dựng nên các thanh 3 chân làm ròng rọc đưa chiến sĩ tiếp cận nạn nhân dưới giếng.
Cũng theo Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên sông, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, khi thực hiện tìm kiếm, cứu người trong môi trường nước sâu thì áp lực nước là rất lớn, tầm nhìn hạn chế do nước đục. Việc liên lạc với người bên trên chỉ bằng 1 sợi dây với các quy ước tín hiệu. Nên quá trình di chuyển đòi hỏi phải theo đội hình, theo sự chỉ huy từ người ở trên để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
* Tăng cường thực hành, huấn luyện
Trước thực trạng khó khăn trong công tác cứu nạn, cứu hộ dưới sâu, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh đã tăng cường tổ chức huấn luyện cho các đơn vị trực thuộc, và cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm công tác cứu nạn; cử cán bộ đi tập huấn các lớp do Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an tổ chức. Trong đó tập trung vào huấn luyện sử dụng các phương tiện cứu nạn, thiết bị lặn, đặc biệt là các trang bị, phương tiện hiện đại vừa được Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) cấp về.
Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh tổ chức tìm kiếm người rơi xuống giếng nước sâu ở xã Trị An (H.Vĩnh Cửu) vào chiều 9-12-2020. Ảnh: C.T.V |
Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cho biết thêm, để nâng cao hiệu quả công tác cứu nạn, cứu hộ, đơn vị còn thường xuyên kiểm tra nghiệp vụ nội bộ, kiểm tra phương tiện sẵn sàng chiến đấu. Qua đó kịp thời khắc phục, bồi dưỡng những cán bộ, chiến sĩ còn yếu chuyên môn; sửa chữa, thay thế ngay các trang bị, phương tiện hư hỏng. Đặc biệt, đơn vị cũng thường xuyên tổ chức tập huấn cho các cấp chỉ huy về kỹ thuật, chiến thuật cứu nạn, cứu hộ để nâng cao khả năng hoàn thành nhiệm vụ cứu nạn thực tế.
Ngoài ra, để thực hiện tốt nhiệm vụ cứu nạn dưới sâu, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cũng thực hiện tốt các giải pháp từ Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an đề ra là: trinh sát hiện trường; xác định kỹ thuật, chiến thuật cứu nạn; xác định lượng phương tiện cần thiết theo đội hình đã định; tăng cường huấn luyện thể lực...
Đăng Tùng