Trước tình hình tội phạm lợi dụng internet, mạng xã hội (MXH) để hoạt động ngày càng phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, các lực lượng chức năng đã và đang triển khai nhiều giải pháp để phòng, chống. Đồng thời, thường xuyên cảnh báo các thủ đoạn mới của "tội phạm mạng" để người dân đề cao cảnh giác và phòng tránh.
Trước tình hình tội phạm lợi dụng internet, mạng xã hội (MXH) để hoạt động ngày càng phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, các lực lượng chức năng đã và đang triển khai nhiều giải pháp để phòng, chống. Đồng thời, thường xuyên cảnh báo các thủ đoạn mới của “tội phạm mạng” để người dân đề cao cảnh giác và phòng tránh.
Nhân viên một ngân hàng thương mại ở TP.Biên Hòa hướng dẫn người dân quy trình giao dịch trực tuyến an toàn. Ảnh: K.Liễu |
[links()]* Tránh sập “bẫy lừa” trên internet
Tại TP.Biên Hòa, từ năm 2019 đến nay, Công an thành phố tiếp nhận hơn 130 vụ lừa đảo qua điện thoại, MXH và giao dịch ngân hàng trực tuyến với số tiền bị chiếm đoạt hàng tỷ đồng. Chỉ riêng trong những tháng đầu năm 2020, Công an thành phố đã tiếp nhận hơn 30 vụ tố cáo của người dân về các thủ đoạn. Trong đó, vụ lớn nhất số tiền hơn 300 triệu đồng, vụ nhỏ cũng hàng chục triệu đồng.
Đại úy Điền Việt Đức, cán bộ điều tra Đội Cảnh sát hình sự Công an TP.Biên Hòa cho biết, phần lớn nạn nhân của các vụ lừa đảo bằng chiêu thức này đều là phụ nữ. Trong đó có nhiều phụ nữ lớn tuổi ít tiếp xúc với công nghệ, rất nhiều người hằng ngày chỉ làm công việc nội trợ ít giao lưu với xã hội bên ngoài, thiếu kiến thức pháp luật nên dễ dàng bị “đánh gục” khi bị các đối tượng dẫn dắt vào một “kịch bản” hoàn hảo và xem chừng rất hợp lý mà chúng đã lập sẵn để lừa đảo.
“Trên thực tế vẫn có những người hiểu biết, nắm bắt công nghệ nhưng còn chủ quan và dễ dãi trong việc cung cấp thông tin cá nhân cho những người không quen biết. Đây chính là một trong những sơ hở tạo điều kiện cho các đối tượng lừa đảo” - đại úy Điền Việt Đức cho biết.
Theo luật sư Ngô Văn Định, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh, để hạn chế mặt trái của MXH, ngăn ngừa tội phạm mạng lộng hành, trong thời gian tới, cơ quan chức năng cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp hoạt động cung cấp, sử dụng thông tin trên internet nói chung và MXH nói riêng theo hướng: bổ sung các quy định cụ thể về hoạt động cung cấp thông tin công cộng xuyên biên giới vào Việt Nam; có chính sách hỗ trợ MXH trong nước phát triển; tăng mức chế tài xử phạt đảm bảo tính răn đe... để các quy định sát với thực tiễn và bảo đảm được yêu cầu quản lý. |
Thượng tá Bùi Văn Đại, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cũng cho biết, sở dĩ một số chiêu thức lừa đảo của tội phạm công nghệ cao đã cũ nhưng đến nay vẫn có nhiều người “sập bẫy” xuất phát từ nhận thức pháp luật hạn chế và lòng tham của các bị hại. Khi bất ngờ nhận được tin nhắn trúng thưởng hoặc nhận quà từ nước ngoài gửi về mà không xác minh thông tin kỹ lưỡng, thực hiện theo hướng dẫn chuyển tiền của kẻ gian dẫn đến mất một số tiền lớn.
Bên cạnh đó, một số đối tượng còn đánh vào tâm lý lo sợ của nạn nhân khi bị hù dọa có liên quan tới các hoạt động phạm pháp và bị yêu cầu chuyển tiền để “chạy án”. Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh phân tích, theo các quy định của pháp luật, khi một người dân có liên quan đến một vụ việc mang tính pháp lý nào đó thì các cơ quan chức năng có thẩm quyền phải có giấy mời, giấy triệu tập (có đóng dấu mộc đỏ) đến trụ sở để làm việc. Hoàn toàn không có chuyện cơ quan chức năng mời, triệu tập hoặc trao đổi với đương sự qua điện thoại.
Khi gặp những trường hợp có người gọi điện xưng là cán bộ công an, viện kiểm sát… yêu cầu này, yêu cầu kia, theo ông Thắng, người dân cần đến công an địa phương để xác minh lại. Đặc biệt trong quá trình điều tra, xác minh các vụ án hoàn toàn không có chuyện cán bộ của những cơ quan tố tụng gọi điện yêu cầu đóng các khoản “phí thế chấp”, “phí bảo lãnh”.
Trước diễn biến phức tạp của tội phạm công nghệ cao, để hạn chế rủi ro, đảm bảo quyền lợi cho chủ tài khoản khi giao dịch ngân hàng trực tuyến, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai Phạm Quốc Bảo yêu cầu các ngân hàng phải chú trọng triển khai các giải pháp như: xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng các yêu cầu bảo mật, xây dựng đội ngũ nhân viên có kỹ năng, nghiệp vụ, trình độ công nghệ để xử lý các rủi ro, phát hiện kịp thời, tố giác tội phạm…
Ngoài ra, theo ông Bảo, cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ba bên gồm ngân hàng, khách hàng và các cơ quan quản lý (ngành Công an và Thông tin - truyền thông) trong phòng, chống tội phạm công nghệ cao và xử lý các sự cố.
* Ngăn chặn mua bán hàng cấm, “móc nối” tệ nạn xã hội trên mạng
Trước thực trạng diễn biến phức tạp của tội phạm kinh doanh, mua bán hàng cấm trên internet, MXH, các cơ quan chức năng đã và đang triển khai nhiều giải pháp đấu tranh, phòng ngừa.
Theo trung tá Chu Đức Kiên, Đội trưởng đội Đăng ký quản lý vũ khí, vật liệu nổ, ngành nghề kinh doanh có điều kiện và con dấu - Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh, thời gian qua, đơn vị thường xuyên phối hợp với công an các địa phương thực hiện các đợt tuyên truyền, vận động người dân giao nộp các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ; tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn các vụ mua bán vũ khí, vật liệu nổ thông qua internet và MXH.
Trao đổi về vấn đề này, ông Huỳnh Kim Hóa, Quyền Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp (Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh) cho biết, tình trạng buôn, bán hàng cấm, hàng lậu trên thị trường vừa qua diễn biến rất phức tạp.
Đối với các cơ sở kinh doanh thương mại điện tử, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục QLTT, Cục QLTT tỉnh cũng đã đặt ra nhiều giải pháp để quản lý. Trong đó lực lượng QLTT sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý các vi phạm. Riêng đối với hoạt động lợi dụng các trang mạng để buôn bán hàng cấm, hàng lậu thì việc xử lý còn gặp nhiều khó khăn.
“Thường các đối tượng chỉ mượn các kênh thông tin trên MXH để quảng cáo, rao bán những mặt hàng cấm. Khi có khách hàng thì các đối tượng sẽ kết nối để chuyển hàng bằng nhiều phương thức. Chính vì vậy để xác định được một địa chỉ, địa điểm cụ thể nào đó có tàng trữ, cất giữ hàng lậu, hàng cấm là rất khó khăn” - ông Hóa phân tích.
Cũng theo ông Hóa, phần lớn các đối tượng rao bán các mặt hàng cấm đều không nêu địa chỉ cụ thể. Có chăng chỉ là những số điện thoại từ các “sim rác” để giao dịch trong một khoảng thời gian nhất định nào đó. Khi có khách mua, bán thì các đối tượng nhận tiền qua tài khoản rồi chuyển hàng bằng nhiều phương thức khác nhau. Trong thời gian tới, lực lượng QLTT tiếp tục phối hợp với cơ quan công an để có những biện pháp nghiệp vụ tốt hơn.
Đề phòng ngừa tình trạng rao bán vũ khí, hung khí nguy hiểm tràn lan; quảng cáo, giới thiệu các tệ nạn xã hội (đánh bạc, mại dâm), theo thượng tá Bùi Văn Đại, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, lực lượng công an (đặc biệt là công an cơ sở) tăng cường các biện pháp đấu tranh, kịp thời xử lý các hành vi mua bán, tàng trữ vũ khí; từng bước đẩy lùi tệ nạn xã hội, trong đó sẽ xử lý nghiêm những hành vi móc nối, tổ chức hoạt động tệ nạn xã hội (cờ bạc, mại dâm) trên môi trường mạng.
* Tăng cường xử lý các vi phạm trên mạng
Tại kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm 2019, lần đầu tiên vấn đề mặt trái, tác động tiêu cực của internet, MXH đối với tình hình an ninh trật tự được bàn luận nhiều. Nhiều đại biểu và cử tri đã đề nghị phải có những giải pháp ngăn chặn tình trạng này. Tại kỳ họp này, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã nhấn mạnh, bên cạnh những mặt tích cực của MXH thì mặt trái của MXH là thông tin xấu, độc tác động đến xã hội ngày càng nghiêm trọng.
Để xử lý vấn đề này, theo Chủ tịch UBND tỉnh, về lâu dài, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương đã tính toán xây dựng triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp “xây” và “chống”, trong đó đặc biệt quan tâm đầu tư, xây dựng hệ sinh thái nội dung số trong nước đủ mạnh để người dân trong nước có thêm nhiều sự lựa chọn sử dụng dịch vụ; phá thế độc quyền của các nền tảng, dịch vụ của nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam. Đặc biệt, phải tăng cường triển khai các giải pháp phòng, chống thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật trên mạng.
Trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở TT-TT nghiên cứu đề xuất, kiến nghị bộ, ngành trung ương có cơ chế phối hợp đồng bộ giữa bộ, ngành với địa phương, trong đó có sự phân định rõ ràng để các đơn vị chủ động trong công tác quản lý của mình. Đồng thời xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên MXH nhằm phát huy vai trò thế mạnh của cộng đồng mạng trong việc chung tay với Nhà nước xây dựng môi trường MXH lành mạnh, an toàn, giữ vững an ninh trật tự, phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng đất nước.
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai Phạm Quốc Bảo khuyến cáo cần cẩn thận khi truy cập ngân hàng điện tử, không truy cập vào các đường link hoặc mở các file không rõ nguồn gốc, kiểm tra kỹ các đường link đăng nhập internet banking do các website đánh cắp thông tin thường có giao diện rất giống website của các ngân hàng… Khi kết thúc giao dịch trên ngân hàng trực tuyến cần đăng xuất khỏi tài khoản, không tắt hẳn website giao dịch khi chưa đăng xuất, không lưu lại mật khẩu trên thiết bị… |
Nhóm P.V