Báo Đồng Nai điện tử
En

Khó xử lý hình sự các trường hợp giật hụi

09:05, 17/05/2020

Trong thời gian qua, nhiều trường hợp gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an về việc họ bị chủ hụi giật số tiền từ vài trăm đến hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, phần lớn các vụ việc này, công an không thụ lý điều tra vì cho rằng, đây là vụ việc dân sự, rất khó để xử lý hình sự về tội chiếm đoạt tài sản theo yêu cầu của người tố cáo.

Trong thời gian qua, nhiều trường hợp gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an về việc họ bị chủ hụi giật số tiền từ vài trăm đến hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, phần lớn các vụ việc này, công an không thụ lý điều tra vì cho rằng, đây là vụ việc dân sự, rất khó để xử lý hình sự về tội chiếm đoạt tài sản theo yêu cầu của người tố cáo.

Nhiều công nhân làm việc tại một công ty ở H.Vĩnh Cửu rơi vào cảnh khó khăn vì bị giật hụi. Ảnh: K.Thiết
Nhiều công nhân làm việc tại một công ty ở H.Vĩnh Cửu rơi vào cảnh khó khăn vì bị giật hụi. Ảnh: K.Thiết

* Chỉ là hoạt động giao dịch dân sự

Gần đây một nhóm hơn chục người tại một số xã của H.Thống Nhất đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng tố cáo bà N.T.U. (ngụ xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất) chiếm đoạt của họ hàng trăm triệu đồng.

Chị H.T.T. (ngụ xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất) cho biết, hơn 2 năm qua, chị cùng với hơn chục người khác tham gia đóng hụi cho bà U. với tổng số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Đa phần mọi người trong dây hụi đều chờ đến ngày “hốt hụi chót”. Thế nhưng khi vụ việc vỡ lở, họ mới phát hiện còn rất nhiều người chờ “hốt hụi chót”, không được nhận tiền.

Khi phát hiện sự việc, những người này tố cáo bà U. đến cơ quan công an vì cho rằng, bà U. có hành vi chiếm đoạt tài sản của những người tham gia.

Tuy nhiên, cơ quan công an lại hướng dẫn họ gửi đơn đến tòa án để giải quyết vì đó là những tranh chấp dân sự.

Để giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm liên quan đến hụi, Điều 25 Nghị định số 19/2019/NĐ-CP về hụi, họ, biêu, phường quy định, trong trường hợp có tranh chấp về hụi hoặc phát sinh từ hụi thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hòa giải hoặc yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Không riêng gì trường hợp của chị T. và những người là nạn nhân trong vụ giật hụi nói trên, thời gian qua, tại một số địa phương trong tỉnh như: Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch, Biên Hòa cũng đã xảy ra rất nhiều trường hợp người dân tố cáo đến cơ quan công an về việc bị các chủ hụi chiếm đoạt số tiền lớn. Tuy nhiên, công an các địa phương lại cho rằng, đó là hoạt động giao dịch dân sự vì có sự thỏa thuận giữa hai bên nên yêu cầu người dân gửi đơn đến tòa án để giải quyết tranh chấp.

Trao đổi về thực tế này, một cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho biết, việc tham gia hụi là những hoạt động giao dịch mang tính dân sự giữa những người dân với nhau. Nếu có xảy ra những vấn đề phát sinh thì đó cũng là những tranh chấp mang tính dân sự. Chính vì vậy để giải quyết vấn đề này thì người dân phải gửi đơn đến tòa án để giải quyết theo đúng quy định pháp luật.

Đại tá Cao Hữu Nguyên, Trưởng Công an H.Nhơn Trạch cho biết, thực trạng lập hụi để gom góp tiền là hoạt động khá phổ biến. Tuy nhiên, việc xử lý hình sự các trường hợp giật hụi gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn các vụ việc này chỉ là những tranh chấp dân sự. Đối với những vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự như việc lập hụi để huy động vốn nhằm mục đích cho vay lãi nặng thì cơ sở để giải quyết trường hợp này cũng rất hạn chế.

* Hiểu rõ những quy định về hụi để tránh xảy ra tranh chấp

Theo luật sư Thái Văn Chung, Đoàn Luật sư TP.HCM, các quy định về hụi đã được Chính phủ quy định tại Nghị định số 19/2019/NĐ-CP (Nghị định số 19) ngày 19-2-2019 về hụi, họ, biêu, phường (gọi chung là hụi). Trong đó các điều khoản đã quy định rất chặt chẽ các vấn đề liên quan. 

Cụ thể tại Điều 14, Nghị định số 19 quy định, chủ hụi phải thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi khi thuộc một trong các trường hợp sau: tổ chức dây hụi có giá trị các phần hụi tại một kỳ mở hụi từ 100 triệu đồng trở lên; tổ chức từ 2 dây hụi trở lên. Nội dung thông báo phải ghi đầy đủ họ tên, số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ khẩu, ngày tháng năm sinh, nơi cư trú…

Ngoài ra, Nghị định số 19 cũng quy định, các thông tin về thời gian bắt đầu và kết thúc dây hụi, tổng giá trị các phần hụi tại kỳ mở hụi, tổng số thành viên. Trong trường hợp có sự thay đổi nào thì chủ hụi phải thông báo bổ sung bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú về những thay đổi đó. Nghị định cũng quy định trong trường hợp chủ hụi không thực hiện nghĩa vụ trong các quy định trên thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Cũng theo luật sư Thái Văn Chung, đối với những người tham gia chơi hụi theo quy định tại Điều 13 của Nghị định số 19 cũng xác định, khi góp, lĩnh, nhận lãi, trả lãi hoặc thực hiện các giao dịch khác có liên quan thì các thành viên có quyền yêu cầu chủ hụi hoặc người lập và giữ sổ họ phải cấp giấy biên nhận về việc đó.

Việc lập các dây hụi đều được quy định trong các điều luật nhằm đảm bảo quyền lợi cho những người tham gia. Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng người dân tham gia chơi hụi vẫn mang tính tự phát và thực hiện bằng niềm tin là chính nên khi phát sinh các mâu thuẫn, tranh chấp thường rất khó để giải quyết các quyền lợi. Có nhiều vụ sau khi được tòa án thụ lý giải quyết thì tài sản của chủ hụi cũng đã được tẩu tán hết khiến cho việc lấy lại tiền gặp rất nhiều khó khăn.

Theo đại tá Cao Hữu Nguyên, Trưởng Công an H.Nhơn Trạch, để tránh xảy ra những vấn đề tranh chấp pháp lý không đáng có thì mỗi người dân khi tham gia chơi hụi phải tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan. Ngoài ra, cơ quan công an tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền giúp người dân nâng cao ý thức để tránh rơi vào các vụ việc tương tự.

Hàng trăm công nhân bị giật hụi lên tới nhiều tỷ đồng

Những ngày qua, hàng trăm công nhân làm việc tại một công ty ở Khu công nghiệp Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) như “ngồi trên đống lửa” khi tham gia chơi hụi nhưng bất ngờ chủ hụi bỏ trốn và không liên lạc được. Trước việc số tiền dành dụm nhiều năm làm công nhân có nguy cơ mất trắng, họ đã hết sức lo lắng.

Theo các công nhân này phản ảnh, chủ hụi bỏ trốn là V.O.L.H (42 tuổi, ngụ xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) từng làm cùng công ty với họ. Việc chơi hụi đã kéo dài nhiều năm, chủ yếu tin nhau là chính. Khi chơi hụi, chỉ có một mẩu giấy ghi số tiền đóng hằng tháng và tổng số tiền nhân lên theo kỳ giữa chủ hụi và người chơi hụi theo từng dây chứ không có bất kỳ việc xác nhận nào về pháp lý. Do đó, khi biết chủ hụi bỏ trốn, các công nhân này chỉ biết tự trách mình vì quá tin vào người khác.

Chị T.T.H., nạn nhân trong vụ việc này cho biết, mấy ngày nay chị không ngủ được khi nghĩ đến số tiền lên tới hơn 100 triệu đồng chơi hụi có nguy cơ bị mất. Chị H. cho biết, sau khi tham gia chơi hụi một thời gian dài khi đến lượt chị hốt hụi thì bất ngờ chủ hụi trốn nhiều ngày và không liên lạc được.

Tương tự có hàng trăm công nhân khác  cũng đang lo lắng trước nguy cơ bị mất trắng số tiền dành dụm nhiều năm với tổng số tiền lên tới nhiều tỷ đồng. Hiện Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh và Công an xã Thạnh Phú đã cử lực lượng xuống xác minh vụ việc.

Khắc Thiết

Trần Danh

Tin xem nhiều