Hiện nay, thủ tục để đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đang gặp khó khăn từ khâu lập hồ sơ đến việc quản lý đối tượng.
Hiện nay, thủ tục để đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đang gặp khó khăn từ khâu lập hồ sơ đến việc quản lý đối tượng.
Cán bộ cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh (H.Xuân Lộc) gặp gỡ, động viên các học viên. Ảnh minh họa: T.Nhân |
Kể từ khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 1-4-2014, việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được chuyển từ UBND cấp xã sang TAND cấp huyện.
* Lập hồ sơ đưa người đi cai nghiện còn bất cập
Theo các cơ quan chức năng, việc lập hồ sơ đưa người vào cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở được chuyển từ cơ quan hành chính là UBND cấp xã sang TAND cấp huyện là một bước tiến tích cực, chặt chẽ hơn và có tính pháp lý cao hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, các thủ tục liên quan đến công tác này còn bộc lộ nhiều bất cập, chưa sát với thực tế, gây không ít khó khăn cho các cơ quan thực thi.
Khoản 1 và Khoản 2, Điều 131 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2013 có quy định, trong thời gian làm thủ tục xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Chủ tịch UBND cấp xã nơi lập hồ sơ quyết định giao gia đình hoặc tổ chức xã hội quản lý người có hành vi vi phạm pháp luật thuộc đối tượng bị áp dụng các biện pháp này. Đối tượng vi phạm có nơi cư trú ổn định thì giao cho gia đình quản lý; trường hợp không có nơi cư trú ổn định thì giao cho tổ chức xã hội quản lý.
Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng, quy định này của luật còn mang tính chất chung chung, không cụ thể nên việc phân công quản lý tại cơ sở còn gặp nhiều khó khăn.
Trung tá Châu Văn Sang, Trưởng Công an P.Long Bình (TP.Biên Hòa) cho biết, trong thời gian chờ quyết định của tòa án để đưa đối tượng đi cai nghiện bắt buộc thì việc quản lý đối tượng được giao cho gia đình và chính quyền địa phương. Lãnh đạo cấp xã sẽ phân công các tổ chức đoàn thể theo dõi, quản lý. Tuy nhiên, do các đối tượng nghiện thường có những phản ứng, chống đối nên buộc địa phương phải giao cho lực lượng công an theo dõi, giám sát.
Cùng nói về thực tế này, bà Đặng Ngọc Dung, Trưởng phòng Kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động, phá sản và các việc khác theo quy định của pháp luật (Viện KSND tỉnh) cho biết, hầu hết các đối tượng nghiện đều lệ thuộc nặng nề vào ma túy và thường có thái độ bất hợp tác, thậm chí chống đối quyết liệt khi đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Chính vì vậy, việc giao cho gia đình, các tổ chức đoàn thể xã hội quản lý là rất khó khăn. Trong khi đó, các tổ chức xã hội không có đầy đủ các điều kiện về con người, cơ sở vật chất để quản lý. Mặt khác, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2013 và các văn bản quy định chi tiết thi hành luật cũng không quy định cụ thể tổ chức xã hội nào thực hiện công việc này.
* Một số quy định chưa rõ ràng, cần hướng dẫn
Theo Viện KSND tỉnh, một trong những vướng mắc trong thủ tục đưa người đi cai nghiện là vẫn còn một số quy định chưa rõ ràng.
Cụ thể theo Điểm b, Khoản 1, Điều 103 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2013 quy định, đối với người nghiện ma túy không cư trú tại nơi người đó có hành vi vi phạm pháp luật thì chủ tịch UBND cấp xã phải xác minh. Trường hợp xác định được nơi cư trú thì có trách nhiệm chuyển người đó kèm theo biên bản vi phạm về địa phương để xử lý. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của người đó thì lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng, việc xác định người nghiện không có nơi cư trú ổn định gặp nhiều khó khăn. Trên thực tế có rất nhiều người nghiện ma túy sống lang thang từ địa bàn này (xã, phường) sang địa bàn khác nên việc lập hồ sơ không hề đơn giản. Trong khi đó, các văn bản quy định của pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể như thế nào là “không có nơi cư trú ổn định” gây lúng túng cho các cơ quan chức năng trong việc lập hồ sơ.
Ngoài ra, việc miễn chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng còn có những quy định chưa rõ ràng. Tại Khoản 2, Điều 111, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2013 quy định, người phải chấp hành quyết định nhưng chưa đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được miễn chấp hành quyết định trong các trường hợp sau: “Trong thời gian hoãn chấp hành quyết định mà người đó có tiến bộ rõ rệt trong việc chấp hành pháp luật hoặc lập công hoặc không còn nghiện ma túy”.
Nói về quy định này, bà Đặng Ngọc Dung cho biết thêm, xác định như thế nào là “không còn nghiện ma túy” và cơ quan nào có thẩm quyền xác định tình trạng người nghiện không còn nghiện ma túy? Trong khi đó, một người nghiện không thể nào chấm dứt việc xử dụng ma túy trong một thời gian ngắn.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác lập hồ sơ đưa người đi cai nghiện bắt buộc, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, mới đây Sở LĐ-TBXH tỉnh đã xây dựng dự thảo Quy chế phối hợp liên ngành giữa các cơ quan tòa án, viện kiểm sát, Công an tỉnh, các sở LĐ-TBXH, Y tế, Tài chính và Tư pháp trong việc lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, dự thảo quy chế trên hướng dẫn cụ thể công tác lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp hành chính đưa vào cơ sở bắt buộc đối với người nghiện. Trong đó, đối với người trong tỉnh, để làm căn cứ cho việc xác lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc thì công an cấp xã phải có trách nhiệm xác nhận có nơi cư trú hoặc không có nơi cư trú của đối tượng. Đối với người ngoài tỉnh phải có ý kiến xác minh bằng văn bản của UBND cấp xã nơi đối tượng cư trú.
Dự thảo này cũng quy định, các trường hợp người nghiện được coi là không có nơi cư trú ổn định, người có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện ma túy, trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy... Qua đó nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác lập hồ sơ, kịp thời giải quyết để đưa người đi cai nghiện bắt buộc, tránh để người nghiện ngoài cộng đồng; phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự.
Trần Danh