Theo đại diện Đoàn Luật sư, Hội Luật gia tỉnh, qua công tác tư vấn, trợ giúp pháp lý cho người dân có gặp những thắc mắc, vướng mắc xung quanh các vấn đề pháp lý liên quan đến con riêng, trong đó có một số vấn đề đáng chú ý như: quyền thừa kế của con riêng, quyền ly hôn của chồng khi vợ mang thai con riêng.
Theo đại diện Đoàn Luật sư, Hội Luật gia tỉnh, qua công tác tư vấn, trợ giúp pháp lý cho người dân có gặp những thắc mắc, vướng mắc xung quanh các vấn đề pháp lý liên quan đến con riêng, trong đó có một số vấn đề đáng chú ý như: quyền thừa kế của con riêng, quyền ly hôn của chồng khi vợ mang thai con riêng.
Các luật sư, luật gia Hội Luật gia tỉnh tư vấn về Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cho người dân tại xã Xuân Thọ (H.Xuân Lộc). Ảnh: Đ.Phú |
* Vợ mang thai con riêng, chồng không được ly hôn
Ông N.V.A. và bà H.B. (ngụ TP.Biên Hòa) lấy nhau có đăng ký kết hôn. Do mâu thuẫn trong cuộc sống nên cả 2 ly thân. Trong thời gian này, bà B. có thai và cả hai đều biết rõ đứa trẻ này là con riêng của bà B. Chính vì vậy, ông A. làm đơn gửi tòa án yêu cầu được đơn phương ly hôn nhưng bị tòa án từ chối vì tòa căn cứ theo Điều 192, Bộ luật Tố tụng dân sự và theo Khoản 3, Điều 51, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 là chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Luật sư Lưu Hồng Khanh, Hội Luật gia tỉnh cho biết, nhìn từ góc độ nhân văn thì đứa trẻ này là vô tội nên pháp luật che chở, bảo vệ là chính đáng. Còn về phong tục, truyền thống, tâm lý của người Việt Nam thì có điều gì đó chưa thỏa đáng khi lỗi của người này buộc người khác phải gánh chịu.
Vấn đề này, theo luật sư Khánh tuy hy hữu nhưng vẫn đòi hỏi pháp luật phải điều chỉnh. Chính vì vậy, khi lấy ý kiến của các ngành, địa phương về quá trình thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Bộ Tư pháp, TAND tối cao đã có ý kiến đề xuất nên sửa luật theo hướng không hạn chế quyền ly hôn của người chồng khi mục đích hôn nhân của hai bên không đạt được.
Hay như trường hợp của ông L.H. (xã Phú Điền, H.Tân Phú) thắc mắc, nếu người phụ nữ mang thai hộ hoặc nuôi con nuôi hợp pháp dưới 12 tháng tuổi thì chồng có quyền đơn phương ly hôn không?
Luật sư Khanh cho biết, theo quy định của pháp luật thì người phụ nữ mang thai hộ cho người khác, nhận nuôi con nuôi dưới 12 tháng tuổi (hợp pháp theo quy định của pháp luật) về nguyên tắc người phụ nữ vẫn được coi là đang mang thai, nuôi con dưới 12 tháng tuổi nên người chồng không có quyền ly hôn.
Luật sư Khanh phân tích, pháp luật hiện hành hạn chế quyền đơn phương ly hôn của người chồng trong các trường hợp trên nhằm đảm bảo quyền lợi cho người phụ nữ và trẻ em. Tuy vậy, pháp luật cũng phải xem xét cho người chồng được quyền đơn phương ly hôn nếu người vợ có con dưới 12 tháng tuổi nhưng không trực tiếp nuôi con hoặc người phụ nữ nhờ người khác mang thai.
* Con riêng cũng được thừa kế
Ông N.V.L. (ngụ xã Phú An, H.Tân Phú) trình bày, ông và bà M. sống với nhau 15 năm và có 2 con. Khi vợ chồng bất hòa chuẩn bị ra tòa ly hôn thì ông được vợ “úp mở” đứa con thứ 2 (10 tuổi) không phải là con ruột của ông. “Nếu người con đó thật sự không phải con ruột của tôi thì tôi có được quyền ly hôn và khi ly hôn tôi có phải trợ cấp nuôi con hoặc sau này có phải chia tài sản cho người con này hay không” - ông L. thắc mắc.
Về nội dung này, luật sư Vũ Văn Tăng, Đoàn Luật sư tỉnh cho biết, theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, người con thứ 2 đã 10 tuổi nên ông có quyền ly hôn. Nếu kết quả giám định di truyền, người con này không phải con ruột của ông thì ông không phải trợ cấp nuôi dưỡng sau khi ly hôn với vợ. Lúc này, ông không còn nghĩa vụ phải chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cũng như cấp dưỡng cho con riêng của vợ nữa.
Cũng theo luật sư Tăng, dù biết người con này không phải con ruột của ông (mà là con riêng của vợ) nhưng ông vẫn không ly hôn với vợ thì căn cứ theo Điều 651, Bộ luật Dân sự năm 2015, con riêng của vợ cũng được xem như con ruột của vợ chồng ông.
Theo Điều 651, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, khi cha hoặc mẹ chết không để lại di chúc thì người con riêng vẫn được chia thừa kế của cha hoặc mẹ ruột như anh, chị, em cùng cha khác mẹ của mình. Đồng thời, con riêng của vợ (chồng) sẽ được hưởng thừa kế từ cha dượng (mẹ kế) khi cha dượng (mẹ kế) chết và người này có để lại di chúc cho con riêng.
“Bên cạnh đó, Điều 654, Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế. Theo đó, con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và được thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 652, Bộ luật Dân sự 2015” - luật sư Tăng lưu ý.
Đoàn Phú