Báo Đồng Nai điện tử
En

Lời cảnh báo chưa bao giờ muộn

09:10, 02/10/2019

Trong thời gian qua, dù ngành Công an và các phương tiện truyền thông liên tục cảnh báo tình trạng lừa đảo qua mạng xã hội và điện thoại nhưng hằng tuần, hằng tháng vẫn có người đến cơ quan công an trình báo bị "sập bẫy" các đối tượng sử dụng phương thức lừa đảo này.

Trong thời gian qua, dù ngành Công an và các phương tiện truyền thông liên tục cảnh báo tình trạng lừa đảo qua mạng xã hội và điện thoại nhưng hằng tuần, hằng tháng vẫn có người đến cơ quan công an trình báo bị “sập bẫy” các đối tượng sử dụng phương thức lừa đảo này.

Người dân tìm hiểu cách thức vay vốn qua các ứng dụng (app) trên điện thoại thông minh Ảnh: H.QUÂN
Ảnh tư liệu

Theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, từ giữa năm 2018 đến nay, đơn vị này đã thụ lý giải quyết 18 vụ (trong đó có 9 vụ đã được khởi tố, 9 vụ đang tiếp nhận dạng tin báo) lừa đảo qua mạng xã hội và điện thoại. Tổng số tiền thiệt hại của các bị hại trong số các vụ án này được xác định hơn 19 tỷ đồng. Trong số đó, người bị lừa ít nhất 500 triệu đồng, người bị lừa nhiều nhất hơn 3 tỷ đồng.

Hơn 19 tỷ đồng là một thiệt hại không hề nhỏ và số thiệt hại này sẽ còn tăng trên thực tế vì Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh chỉ thụ lý những vụ lừa đảo có tài sản thiệt hại từ 500 triệu đồng trở lên; còn lại dưới 500 triệu đồng thì thuộc thẩm quyền của cơ quan cấp huyện thụ lý, giải quyết.

Thủ đoạn trong các vụ lừa đảo vẫn là chiêu thức cũ: sử dụng điện thoại gọi cho nạn nhân thông báo đang có liên quan đến một vụ án nào đó cần phải giải quyết. Sau đó, các đối tượng này dựng lên một kịch bản rất hoàn hảo liên tục hù dọa nạn nhân rồi đưa ra “phương án” để giải quyết rắc rối là yêu cầu nạn nhân phải gửi tiền vào tài khoản của “cơ quan chức năng” để “đảm bảo việc điều tra”, sau khi xong việc sẽ hoàn trả lại.

Ngoài điện thoại, nhiều đối tượng còn sử dụng các trang mạng xã hội như: Zalo, Facebook tiếp cận nạn nhân để lừa đảo bằng thủ đoạn gửi tặng quà có giá trị từ nước ngoài về hoặc thông báo trúng thưởng...

Theo xác minh của cơ quan công an, số tiền nạn nhân gửi vào các tài khoản mà các đối tượng cung cấp đều được tự động chuyển sang tài khoản khác ngay sau đó. Các đối tượng phần lớn đều thực hiện việc lừa đảo từ nước ngoài. Sau nhiều lần chuyển đi, số tiền của các nạn nhân đều được kẻ xấu rút ra từ ngân hàng ở nước ngoài. Chính vì vậy, khi công an vào cuộc điều tra đều không thu được tài sản. Duy nhất trong số 19 vụ việc nói trên cơ quan công an đã kịp phong tỏa được 1 tài khoản với số tiền 400 triệu đồng khi thủ phạm chưa kịp tẩu tán.

Thượng tá Bùi Văn Đại, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh khuyến cáo, tội phạm công nghệ cao thời gian qua diễn biến phức tạp. Để không bị “mắc bẫy” của các đối tượng lừa đảo người dân tuyệt đối không cung cấp bất kỳ thông tin nào liên quan đến cá nhân mình như: số điện thoại, địa chỉ, nơi làm việc, thông tin tiền gửi, tài khoản ngân hàng… cho những người không quen biết. Khi phát hiện cá nhân hay tổ chức nào có biểu hiện hoạt động lừa đảo phải kịp thời báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để xử lý.

Trần Danh

Tin xem nhiều