Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Long Thành đã xảy ra một số vụ ẩu đả gây thương tích, trong đó có trường hợp dẫn đến chết người.
Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Long Thành đã xảy ra một số vụ ẩu đả gây thương tích, trong đó có trường hợp dẫn đến chết người.
Trước tình hình đó, lãnh đạo Công an huyện Long Thành đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ, đặc biệt Đội Cảnh sát hình sự tập trung lực lượng điều tra, làm rõ các đối tượng gây án để kịp thời trấn an dư luận.
* Gây án từ mâu thuẫn nhỏ
Từ những mâu thuẫn nhỏ, vài lời nói qua lại nhưng do đã uống rượu, bia nên nhiều đối tượng không kiểm soát được hành vi của mình dẫn đến xung đột, ẩu đả. Thông thường những vụ ẩu đả sau cuộc nhậu để lại hậu quả rất nặng nề, có những trường hợp đã thiệt mạng.
Theo quy định tại Điều 134, Bộ luật Hình sự, đối với hành vi cố ý gây thương tích tùy từng tính chất, mức độ, hành vi vi phạm sẽ áp dụng các khung hình phạt khác nhau. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11-30% bị phạt tù từ 2-5 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân: làm chết 2 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; gây thương tích vào vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên. |
Cụ thể như một vụ ẩu đả xảy ra tại khu vực thị trấn Long Thành (huyện Long Thành) đã khiến một người tử vong. Tối 22-6, Trần Thế Vĩ (18 tuổi, ngụ thị trấn Long Thành) đi dự sinh nhật của bạn ở thị trấn Long Thành. Sau cuộc nhậu, một số người dự tiệc sinh nhật có xảy ra mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau. Thấy vậy Vĩ chạy vào can ngăn cũng bị đánh túi bụi. Sau đó, Vĩ vào lấy một chiếc đũa bẻ đôi làm hung khí tấn công khiến Nguyễn Hoàng Y (quê tỉnh An Giang) bị thương nặng và tử vong sau khi đưa đi bệnh viện cấp cứu. Vĩ đã bị khởi tố về hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến chết người.
Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện Long Thành có khu công nghiệp và nhiều công ty, xí nghiệp. Trong quá trình làm việc tại các công ty, xí nghiệp, những công nhân thường dễ phát sinh mâu thuẫn. Từ chỗ chỉ là mâu thuẫn giữa một vài người sau đó những người liên quan đã kêu gọi thêm bạn bè, có trường hợp thuê mướn người bên ngoài tham gia khiến cho vụ việc trở nên phức tạp.
Điển hình như vụ Nguyễn Đức Thông (23 tuổi, ngụ phường Phước Tân, TP.Biên Hòa) cùng đồng bọn đánh bị thương ông N.V.G. (quê tỉnh Long An) khi ông này đang đi đón con rể sau giờ tan ca.
Theo xác minh của công an, trong quá trình làm việc tại một công ty ở Khu công nghiệp Long Thành, H.C.T.A. (ngụ huyện Nhơn Trạch, con rể của ông G.) xảy mâu thuẫn với Thông. Để giải quyết mâu thuẫn, ngày 19-3, Thông gọi điện cho một nhóm 8 người từ bên ngoài đến chặn trước cổng công ty chờ A. ra để đánh trả thù.
Khi thấy ông G. đến đón A., nhóm đối tượng này đã cầm hung khí xông vào tấn công khiến ông G. bị thương tích 15%. Vào cuộc điều tra, cơ quan công an đã lần lượt bắt giữ nhóm đối tượng trên để xử lý.
* Tăng cường tuyên truyền pháp luật
Trung tá Đặng Đình Thuật, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Long Thành cho biết, nổi lên trong các vụ án cố ý gây thương tích xảy ra trong thời gian qua là do mâu thuẫn trong sinh hoạt, nhậu nhẹt, trong quá trình làm việc ở các công ty, chuyện tình cảm nam nữ...
Điều đáng báo động là các mâu thuẫn dẫn đến những vụ ẩu đả đều xuất phát từ những xích mích nhỏ nhưng không được giải quyết dứt điểm đã đẩy sự việc lên những xung đột cao hơn. Nhiều đối tượng còn mang theo hung khí nguy hiểm như: mã tấu, dao lê, dao bấm... để làm phương tiện đi gây án.
“Sau khi sử dụng rượu, bia, nhiều đối tượng đã không kiểm soát được hành vi của mình nên chỉ cần một lời nói không vừa ý, một ánh mắt thiếu thiện cảm hay chỉ là lời mời không đúng chỗ cũng có thể làm phát sinh mâu thuẫn” - Trung tá Đặng Đình Thuật cảnh báo.
Theo Thượng tá Nguyễn Anh Hiển, Phó trưởng Công an huyện Long Thành, hầu hết các đối tượng gây án đều có nhận thức pháp luật kém. Để hạn chế được các vụ việc này, điều quan trọng nhất là phải tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về hành vi cố ý gây thương tích là hành vi vi phạm pháp luật hành chính, hình sự và phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự (nếu gây ra những tổn thất cho nạn nhân), thậm chí ở một số trường hợp còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Mỗi người dân cũng cần bình tĩnh xử lý khi gặp xung đột, mâu thuẫn trong cuộc sống; chấp hành pháp luật, tránh xung đột, mâu thuẫn. Đối với các tổ chức đoàn thể tại địa phương cần tăng cường công tác hòa giải cơ sở để kịp thời giải quyết các mâu thuẫn, xích mích nhỏ trong đời sống người dân dẫn đến những vụ ẩu đả khiến cho tình hình an ninh trật tự phức tạp” - Thượng tá Nguyễn Anh Hiển khuyến cáo.
Thành Vinh