Trong những năm gần đây, công tác hòa giải cơ sở ở Đồng Nai đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tỷ lệ hòa giải thành cao, góp phần quan trọng trong việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp dân sự, phòng ngừa tội phạm, vận động nhân dân tuân thủ pháp luật, củng cố tình làng nghĩa xóm, xây dựng mối đoàn kết trong cộng đồng dân cư.
Trong những năm gần đây, công tác hòa giải cơ sở ở Đồng Nai đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tỷ lệ hòa giải thành cao, góp phần quan trọng trong việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp dân sự, phòng ngừa tội phạm, vận động nhân dân tuân thủ pháp luật, củng cố tình làng nghĩa xóm, xây dựng mối đoàn kết trong cộng đồng dân cư.
Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Nguyễn Đức triển khai Luật Hòa giải cơ sở năm 2013 cho cán bộ ấp, khu phố và công chức, cán bộ xã, thị trấn thuộc huyện Vĩnh Cửu |
Một trong những lý do công tác hòa giải cơ sở đạt tỷ lệ hòa giải thành cao là vì ngành tư pháp và các địa phương luôn củng cố, kiện toàn các tổ hòa giải, hoạt động hòa giải cơ sở.
* Giải quyết mâu thuẫn thông qua hòa giải
Toàn tỉnh hiện có 943 tổ hòa giải với 5,7 ngàn hòa giải viên. Trong năm 2018, các tổ hòa giải đã tiếp nhận hơn 2,9 ngàn vụ việc mà người dân yêu cầu hòa giải và đã hòa giải thành được gần 2,4 ngàn vụ việc (đạt tỷ lệ gần 83%). Từ đầu năm đến nay, các tổ hòa giải đã thụ lý được hơn 1,4 ngàn vụ việc và đã tiến hành hòa giải thành đạt hơn 1,2 ngàn vụ việc (đạt tỷ lệ gần 86%).
Thời gian qua, các tổ hòa giải, hòa giải viên cơ sở trên địa bàn tỉnh đã khẳng định được vị trí, vai trò và uy tín của mình trong cộng đồng dân cư.
Bà Võ Thị Xuân Đào, Phó giám đốc phụ trách Sở Tư pháp cho rằng, để hoạt động hòa giải cơ sở đạt được kết quả cao, các địa phương cần tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các tổ hòa giải cơ sở với Ban công tác Mặt trận, chi hội đoàn thể ở ấp, khu phố như: phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi, Đoàn Thanh niên trong hoạt động hòa giải và mời Hội Luật gia tham gia hòa giải cơ sở. |
Phó giám đốc Sở Tư pháp Ngô Văn Toàn cho biết, hòa giải cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp... trong cộng đồng dân cư. Để nâng cao vai trò của các hòa giải viên, ngành tư pháp luôn chú trọng tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ này.
Ngoài ra, với tinh thần trách nhiệm của các hòa giải viên cũng góp phần hòa giải thành nhiều vụ việc khó, phức tạp tại địa phương. Cụ thể như Tổ hòa giải ấp Tân Đạt, xã Đồi 61 (huyện Trảng Bom) vừa hòa giải thành vụ khiếu nại đòi đền bù thiệt hại do hàng xóm đốt rác làm cháy 38 cây cao su.
Ông Lê Văn Hồng, Trưởng ấp Tân Đạt, xã Đồi 61 cho biết, nghiên cứu đơn khiếu nại của bà D. yêu cầu bà N. đền bù 38 cây cao su bị cháy, tổ hòa giải thấy nguyên nhân gây cháy là do người làm vườn của bà N. đốt cỏ gây cháy lan sang vườn của bà D. Tổ hòa giải yêu cầu người làm vườn này phải xin lỗi bà D. Khi nghe tổ hòa giải phân tích đúng sai về pháp luật, tình làng nghĩa xóm nên bà D. đã giảm bức xúc, chấp nhận lời xin lỗi và không yêu cầu đền bù thiệt hại như trước đây.
“Sự việc trên nếu tổ hòa giải không kịp thời đứng ra giải quyết thì đôi bên rất dễ xảy ra ẩu đả hay đưa nhau ra Công an xã để yêu cầu giải quyết. Để hòa giải thành vụ việc này, các hòa giải viên ngoài áp dụng các kiến thức pháp luật còn vận dụng, phát huy kỹ năng công tác dân vận, thuyết phục nhắm vào tình làng nghĩa xóm, đạo đức xã hội” - ông Hồng bộc bạch.
* Phát huy vai trò của hòa giải cơ sở
Theo Sở Tư pháp, thực tế chứng minh, địa phương nào làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở thì ở đó tình hình an ninh trật tự được giữ vững, mâu thuẫn trong dân được hạn chế tối đa. Những mâu thuẫn, va chạm trong cuộc sống, lúc đầu thường đơn giản nếu được bên thứ 3 đứng ra hòa giải sớm thì những mâu thuẫn đó sẽ được giải quyết, hạn chế phát sinh khiếu kiện. Đối với những mâu thuẫn không được quan tâm giải quyết kịp thời thì rất có thể dẫn tới mâu thuẫn phức tạp, thậm chí là nguyên nhân xuất hiện những “điểm nóng” về khiếu kiện, khiếu nại.
Chính vì vậy, trong thời gian qua, hoạt động hòa giải cơ sở luôn được UBND tỉnh quan tâm, chú trọng. UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác, đảm bảo kinh phí cho hoạt động này. Do đó, hoạt động hòa giải cơ sở trên địa bàn tỉnh ngày càng phát huy hiệu quả, tỷ lệ hòa giải thành khá cao.
Phó giám đốc Sở Tư pháp Ngô Văn Toàn cho biết thêm, bên cạnh những kết quả đạt được thì hoạt động hòa giải cơ sở vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như: tỷ lệ hòa giải thành ở một vài địa phương còn thấp, kinh phí cho đội ngũ hòa giải viên còn hạn chế...
Để tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động hòa giải cơ sở, theo ông Toàn, các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường phổ biến sâu rộng về pháp luật, ý nghĩa của công tác hòa giải cơ sở; không ngừng củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về hòa giải cơ sở, tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải viên; chú trọng hơn nữa việc bố trí kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải cơ sở...
Đoàn Phú