Một trong những nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông là ý thức của người tham gia giao thông còn thấp. Dù cho hạ tầng và phương tiện tốt, nhưng nếu tài xế chủ quan, không tuân thủ quy định giao thông, nguy hiểm hơn có sử dụng ma túy, uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện sẽ gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Một trong những nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông là ý thức của người tham gia giao thông còn thấp. Dù cho hạ tầng và phương tiện tốt, nhưng nếu tài xế chủ quan, không tuân thủ quy định giao thông, nguy hiểm hơn có sử dụng ma túy, uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện sẽ gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) kiểm tra nồng độ cồn của lái xe khách đường dài trên quốc lộ 1 đoạn qua huyện Xuân Lộc. Ảnh: T.Hải |
Uống rượu, bia là một trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông. Dù mức phạt đối với lái xe vi phạm nồng độ cồn rất cao, nhưng vẫn có nhiều người coi thường và sẵn sàng vi phạm khi đã uống rượu, bia vẫn lái xe trên đường.
* Vi phạm nồng độ cồn gia tăng
Năm 2018, lực lượng cảnh sát giao thông trên toàn quốc đã xử lý 176 ngàn trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tăng hơn 13% so với năm trước. Riêng Đồng Nai, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý gần 5,8 ngàn trường hợp với số tiền gần 15 tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn có không ít vụ tai nạn xảy ra khi người điều khiển phương tiện đã chếnh choáng hơi men.
Đại tá Bùi Hữu Danh, Phó giám đốc Công an tỉnh cho biết, để ngăn chặn tình trạng lạm dụng rượu, bia gây tai nạn giao thông, lực lượng công an các địa phương liên tục mở đợt cao điểm xử lý quyết liệt người uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông.
Tại các vùng nông thôn, lực lượng công an xã cũng được huy động phối hợp với lực lượng tuần tra giao thông của công an huyện tăng cường công tác tuần tra xử lý vi phạm, không “nể nang” khi xử lý vi phạm. Vừa xử phạt, vừa tuyên truyền người dân “đã uống rượu, bia thì không lái xe”.
Hiện nay, Công an tỉnh đã huy động 105 máy đo nồng độ cồn, đồng thời bố trí lực lượng đủ mạnh gồm: cảnh sát giao thông, cảnh sát hình sự, cảnh sát trật tự cơ động và công an các xã tổ chức kiểm tra, xử lý hằng ngày. Trong đó, tập trung vào các buổi trưa, chiều tối tại các đoạn, tuyến đường, khu vực có nhiều quán ăn, nhà hàng trên các tuyến quốc lộ, nội thị và đường nông thôn. Qua đó, góp phần ngăn chặn, hạn chế vi phạm có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn.
* Ngăn chặn tài xế sử dụng chất kích thích
Theo cơ quan chức năng, tình trạng tài xế xe tải, xe khách đường dài, xe container sử dụng ma túy trong lúc điều khiển phương tiện tham gia giao thông không ít và đã khiến nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông càng tăng cao.
Các lực lượng chức năng kiểm tra trường hợp tài xế lái xe container có sử dụng ma túy khi điều khiển phương tiện hay không. |
Bác sĩ Bùi Ngọc Khương, phụ trách Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS và điều trị nghiện chất thuộc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai cho biết, một số bệnh nhân điều trị cai nghiện ma túy bằng chất thay thế methadone tại trung tâm là tài xế xe tải, xe taxi. Thời gian đầu sử dụng ma túy, họ sẽ có cảm giác tinh thần thoải mái, khỏe hơn để đáp ứng với áp lực của việc lái xe đường dài, lái xe ngày đêm... Tuy nhiên, càng lạm dụng ma túy càng nghiện dễ dẫn đến không kiểm soát được hành vi, điều này rất nguy hiểm nếu đang điều khiển phương tiện giao thông.
Một cán bộ cảnh sát giao thông cho hay, công tác đấu tranh, ngăn chặn việc lạm dụng ma túy đối với cánh tài xế, phụ xe rất khó khăn. Khi bị kiểm tra, nhiều trường hợp không chịu hợp tác nên mỗi lần ra quân, lực lượng cảnh sát giao thông phải phối hợp với lực lượng cảnh sát hình sự, cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy và đội ngũ y tế vào cuộc, hỗ trợ xử lý nhằm buộc người vi phạm “tâm phục, khẩu phục”.
Bộ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết để giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông, Bộ sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong thời gian tới. Trong đó, có việc “siết” lại hoạt động kiểm tra lái xe sử dụng rượu bia, ma túy và quản chặt thời gian lái xe của các tài xế.
Bộ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Nguyễn Văn Thể đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam “siết” việc học, thi và cấp giấy phép lái xe, đặc biệt là xe container. Với các phương tiện tải trọng lớn như xe container, phải kiểm tra sức khỏe tài xế thường xuyên hơn. Các doanh nghiệp cũng cần đánh giá về quá trình hoạt động của từng lái xe để điều tiết việc chạy xe sao cho hợp lý. |
Võ Nguyên