Báo Đồng Nai điện tử
En

Quyết liệt đảm bảo trật tự an toàn giao thông

09:01, 21/01/2019

Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2019, Chính phủ, Ban An toàn giao thông quốc gia đã yêu cầu các địa phương quyết liệt hơn trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2019, Chính phủ, Ban An toàn giao thông quốc gia đã yêu cầu các địa phương quyết liệt hơn trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Cảnh sát giao thông Công an tỉnh điều tiết, phân luồng giao thông tại khu vực ngã tư Vũng Tàu (TP.Biên Hòa)
Cảnh sát giao thông Công an tỉnh điều tiết, phân luồng giao thông tại khu vực ngã tư Vũng Tàu (TP.Biên Hòa)

Năm 2019, mục tiêu đề ra là tiếp tục giảm tai nạn giao thông (TNGT) từ 5-10% về số vụ, số người chết và bị thương so với năm 2018; giảm 10% số thương vong do TNGT liên quan đến vận tải hành khách và xe mô tô, xe gắn máy.

* Xử lý nghiêm vi phạm

Thời gian qua, tại nhiều địa phương đã xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Nguyên nhân ngoài các lỗi khách quan thì chủ yếu do người điều khiển phương tiện không chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông như: đi sai làn đường, chạy quá tốc độ...

Trong số 347 vụ tai nạn giao thông làm chết 260 người và bị thương 214 người trên địa bàn tỉnh năm 2018 thì địa bàn nông thôn chiếm tới 60% số vụ với hơn 50% số người chết. Tại những khu vực này, mặt đường nhỏ hẹp, hệ thống hạ tầng giao thông phần lớn chưa đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn giao thông. Bên cạnh đó, ý thức tham gia giao thông của người dân chưa cao khiến công tác đảm bảo an toàn giao thông gặp khó khăn.

Mới đây, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ Giao thông - vận tải tiếp tục chỉ đạo rà soát và có biện pháp xử lý triệt để các “điểm đen” có nguy cơ cao về TNGT trên các tuyến quốc lộ, đường dân sinh, lối đi tự mở và đường ngang giao cắt với đường sắt; tập trung rà soát, kiểm tra, siết chặt công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các cơ sở vi phạm.

Tại Đồng Nai, theo đánh giá của Ban An toàn giao thông tỉnh, nguyên nhân dẫn đến tai nạn hiện nay chủ yếu: thiếu chú ý quan sát (chiếm 23,2%), chuyển hướng, tránh vượt sai quy định (chiếm 23,5%), lấn trái đường (chiếm 18,5%) và không đảm bảo khoảng cách an toàn (chiếm 12,2%)...

Đại tá Bùi Hữu Danh, Phó giám đốc Công an tỉnh cho biết trong năm 2019 Công an tỉnh tiếp tục tăng cường tổ chức hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên trên các tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh trọng yếu, các tuyến đường nội thị, đường thủy có tình hình trật tự an toàn giao thông phức tạp; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Năm 2018 số vụ TNGT ở Đồng Nai được kéo giảm là nhờ tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó có việc lực lượng công an đã tập trung xử lý vi phạm theo các chuyên đề riêng về phòng ngừa TNGT; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn và ùn tắc giao thông như: vi phạm tốc độ (gần 18,5 ngàn trường hợp), không đội mũ bảo hiểm (hơn 21,8 ngàn trường hợp), dừng, đậu xe không đảm bảo an toàn (gần 6,5 ngàn trường hợp)…

* Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải

Trước tình hình trật tự an toàn giao thông diễn biến phức tạp, trong những ngày đầu năm 2019, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết Ủy ban An toàn giao thông quốc gia sẽ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương, các lực lượng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát; tập trung xử lý các hành vi liên quan đến nồng độ cồn cũng như quản lý kinh doanh vận tải, quản lý sức khỏe của lái xe.

Theo ông Hùng, sắp tới các bộ, ngành liên quan sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc hoàn thiện các văn bản, quy định của pháp luật về công tác đào tạo sát hạch giấy phép lái xe cũng như tài liệu giảng dạy và bộ đề thi của các loại giấy phép lái xe để xây dựng, nâng cao hơn nữa giá trị đạo đức của tài xế.

Giám đốc Sở Giao thông - vận tải, Phó ban thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh Trịnh Tuấn Liêm cho biết, thời gian tới công tác quản lý kinh doanh vận tải, chất lượng kiểm định, đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe sẽ được chú trọng và siết chặt hơn.

Theo đó, các ngành chức năng sẽ tăng cường giám sát về chất lượng công tác kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện cơ giới đường bộ, nhất là đối với các doanh nghiệp kinh doanh đăng kiểm để kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót, tiêu cực và kiến nghị cơ quan thẩm quyền xử lý, chấn chỉnh.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh doanh vận tải, đặc biệt là tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hình thức vận tải theo hợp đồng và vận tải khách du lịch bằng xe ô tô. Cơ quan chức năng, đơn vị quản lý sớm xây dựng phần mềm quản lý xe ô tô kinh doanh vận tải, qua đó giám sát toàn bộ hành trình, thời gian, vận tốc và hoạt động của lái xe để đảm bảo an toàn giao thông.

Thanh Hải

Tin xem nhiều