Báo Đồng Nai điện tử
En

Thừa phát lại khó tổ chức cưỡng chế thi hành án

09:10, 20/10/2018

Hiện nay, hoạt động của văn phòng thừa phát lại trên địa bàn tỉnh chủ yếu là lập vi bằng và tống đạt văn bản giấy tờ, trong khi đó việc xác minh điều kiện thi hành án, trực tiếp tổ chức thi hành án còn ít. Nguyên nhân là do việc tổ chức cưỡng chế thi hành án của thừa phát lại còn gặp nhiều vướng mắc.

Hiện nay, hoạt động của văn phòng thừa phát lại trên địa bàn tỉnh chủ yếu là lập vi bằng và tống đạt văn bản giấy tờ, trong khi đó việc xác minh điều kiện thi hành án, trực tiếp tổ chức thi hành án còn ít. Nguyên nhân là do việc tổ chức cưỡng chế thi hành án của thừa phát lại còn gặp nhiều vướng mắc.

Hiện nay, một trong những công việc chủ yếu của văn phòng thừa phát lại là lập vi bằng, chưa được tổ chức cưỡng chế thi hành án. Ảnh minh họa
Hiện nay, một trong những công việc chủ yếu của văn phòng thừa phát lại là lập vi bằng, chưa được tổ chức cưỡng chế thi hành án. Ảnh minh họa

Mới đây, Văn phòng Thừa phát lại TP.Biên Hòa phối hợp với chính quyền, công an và đoàn thể xã Tam Phước
(TP.Biên Hòa) vận động thuyết phục bà C. và bà H. (người phải thi hành một bản án của Tòa án nhân dân tỉnh) tự nguyện giao tài sản cho bà A. nhưng cả 2 không chấp hành. Chính vì vậy, Văn phòng Thừa phát lại TP.Biên Hòa xin ý kiến chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện việc cưỡng chế.

* Chưa có quy định hỗ trợ cưỡng chế

Cục THADS tỉnh đã đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo THADS tỉnh có văn bản đề nghị Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS và các ban, ngành Trung ương ban hành văn bản hướng dẫn việc huy động lực lượng cưỡng chế do văn phòng thừa phát lại tổ chức thi hành nhằm tháo gỡ vướng mắc của Văn phòng Thừa phát lại TP.Biên Hòa nói riêng và tổ chức thừa phát lại trên toàn tỉnh, cả nước nói chung.

Về vấn đề này, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh có văn bản nêu rõ: kể từ khi thừa phát lại chính thức đi vào hoạt động cho đến nay, chưa có văn bản nào hướng dẫn, quy định lực lượng công an tham gia bảo vệ cưỡng chế do Văn phòng Thừa phát lại tổ chức. Mặt khác, trong quá trình tham gia xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hoạt động thi hành án dân sự (THADS) do thừa phát lại thực hiện, lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo theo hướng là trong thời điểm hiện nay chưa nên quy định cho thừa phát lại được tiến hành các hoạt động cưỡng chế thi hành án, nhất là việc cưỡng chế có huy động lực lượng. Vì vậy, liên ngành viện kiểm sát và THADS tỉnh cần thống nhất chỉ đạo giao việc tổ chức cưỡng chế thi hành án trong vụ việc nêu trên cho cơ quan THADS, tạo điều kiện cho việc tổ chức bảo vệ cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế thi hành án.

Cũng từ vướng mắc của Văn phòng Thừa phát lại TP.Biên Hòa, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) đã có văn bản trả lời, theo đó khẳng định hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định việc phối hợp tham gia bảo vệ cưỡng chế của lực lượng công an đối với việc cưỡng chế THADS do Văn phòng Thừa phát lại thực hiện. Mặt khác, việc cưỡng chế THADS mang tính quyền lực nhà nước đối với THADS có sử dụng biện pháp cưỡng chế. Do đó, nếu cần huy động lực lượng tham gia bảo vệ cưỡng chế thi hành án thì phải do cơ quan THADS có thẩm quyền lên kế hoạch và yêu cầu lực lượng công an tham gia bảo vệ.

* Chờ quy định của cấp trên

Để tháo gỡ vấn đề phát sinh trong thực tiễn đối với các tổ chức thừa phát lại, Cục THADS tỉnh có văn bản xin ý kiến chỉ đạo nghiệp vụ, hướng dẫn của Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp) và được trả lời đây là nhiệm vụ phối hợp giữa các cơ quan liên quan trên địa bàn tỉnh trong quá trình thừa phát lại tổ chức thi hành án. Nhiệm vụ này được quy định tại Điểm d, Mục 3, Chỉ thị số 33/CT-UBND ngày 12-12-2013 của UBND tỉnh Đồng Nai về tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ triển khai thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, căn cứ các quy định nêu trên, Cục THADS tỉnh cần phối hợp với Sở Tư pháp để tiếp tục báo cáo, xin ý kiến của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo THADS tỉnh về công tác chỉ đạo, phối hợp của các cơ quan hữu quan trong tổ chức cưỡng chế thi hành án của văn phòng thừa phát lại trên địa bàn theo thẩm quyền.

Theo Cục THADS tỉnh, hiện tại thể chế về chế định thừa phát lại chưa hoàn chỉnh. Hiện chỉ có Nghị định 61/2009/NĐ-CP (Khoản 2, Điều 40) ngày 24-7-2009 được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 135/2013/ NĐ-CP ngày 18-10-2013, quy định về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế trong trường hợp thừa phát lại phải huy động lực lượng bảo vệ. Tuy nhiên, nghị định chưa quy định cụ thể nhiệm vụ của các ban, ngành trong việc tham gia phối hợp bảo vệ cưỡng chế các vụ việc do thừa phát lại thực hiện. Vì vậy, các ngành chưa có cơ sở pháp lý để huy động lực lượng bảo vệ các vụ việc cưỡng chế do thừa phát lại tổ chức thi hành.

Thành Nhân

Tin xem nhiều