Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng cao ý thức của người tham gia giao thông

09:10, 30/10/2018

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông như: hệ thống hạ tầng yếu kém, xuống cấp, sử dụng phương tiện giao thông không bảo đảm an toàn kỹ thuật… nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do sự thiếu ý thức của người tham gia giao thông.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông như: hệ thống hạ tầng yếu kém, xuống cấp, sử dụng phương tiện giao thông không bảo đảm an toàn kỹ thuật… nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do sự thiếu ý thức của người tham gia giao thông.

Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tặng mũ bảo hiểm cho học sinh Trường THCS-THPT Huỳnh Văn Nghệ (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: T.HẢI
Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tặng mũ bảo hiểm cho học sinh Trường THCS-THPT Huỳnh Văn Nghệ (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: T.HẢI

Trên thực tế, nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra bắt nguồn từ lỗi chủ quan của người tham gia giao thông, để lại hậu quả rất nặng nề. Điều này cho thấy công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông cần được chú trọng hơn nữa.

* Đẩy mạnh truyên truyền ở trường học

Chủ đề là Năm An toàn giao thông 2018 “Năm An toàn giao thông cho trẻ em” nên thời gian qua Ban An toàn giao thông tỉnh đã phối hợp với Sở GD-ĐT và các cơ quan liên quan tăng cường nhiều nội dung hoạt động, đẩy mạnh tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho đối tượng học sinh.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, có đến 95% vụ tai nạn giao thông xảy ra xuất phát từ ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện, cụ thể: thiếu chú ý quan sát chiếm 24%, lấn trái đường chiếm 16,4%, không đảm bảo khoảng cách an toàn chiếm 12,4%…

Ngoài việc trao hơn 58 ngàn mũ bảo hiểm cho học sinh lớp 1 trong toàn tỉnh, ngành chức năng thường xuyên phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh tại các trường học giáo dục, quản lý và tuyên truyền cho 100% phụ huynh ký cam kết không giao xe máy cho học sinh khi chưa có giấy phép lái xe, đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện khi tham gia giao thông…

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đào Đức Trình đánh giá, từ đầu năm 2018 đến nay việc tuyên truyền, nhắc nhở học sinh chấp hành các quy định khi tham gia giao thông luôn được chú trọng. Các cuộc thi: Giao thông học đường, An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai… được thực hiện gần gũi và sinh động hơn.

“Việc tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông giúp học sinh nâng cao kiến thức về Luật Giao thông đường bộ, phán đoán và lường trước được tình huống giao thông để ứng biến, xử lý kịp thời. Những cách làm trên đã tạo được dư luận tốt, góp phần nâng cao ý thức cho học sinh khi lưu thông trên đường” - ông Trình nhấn mạnh.

Tại nhiều trường học trong tỉnh cũng triển khai nhiều giải pháp tuyên tuyền pháp luật về giao thông. Phó hiệu trưởng Trường THCS-THPT Huỳnh Văn Nghệ (huyện Vĩnh Cửu) Vũ Hùng Tráng cho hay, là trường học ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh nên kiến thức về pháp luật giao thông với học sinh còn hạn chế. Do vậy, nhà trường lồng ghép sáng tác và biểu diễn các tiểu phẩm, tình huống tuyên truyền về an toàn giao thông vào các môn học ngoại khóa giúp học sinh dễ hiểu và nhanh tiếp thu.

* Xây dựng văn hóa giao thông

Tình trạng vi phạm pháp luật giao thông xảy ra với mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi. Dù các cơ quan chức năng và địa phương liên tục tuyên truyền, treo băng rôn, khẩu hiệu hay trực tiếp vận động để người dân hiểu và nâng cao kiến thức pháp luật về giao thông, nhưng không phải ai cũng nghiêm túc chấp hành.

Trên thực tế một bộ phận người tham gia giao thông ý thức tự giác vẫn còn kém. Điều này dễ bắt gặp trên các tuyến đường, khi có kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông thì hoạt động giao thông rất trật tự. Thế nhưng, khi vắng bóng lực lượng chức năng, mọi chuyện khác hẳn. Hậu quả là có không ít vụ tai nạn đau lòng đã xảy ra.

Thiếu tá Nguyễn Hải Dương, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết, tai nạn giao thông luôn là nỗi đau, nỗi lo của xã hội. Qua các buổi tuyên truyền sẽ góp phần nâng cao ý thức cho người dân khi tham gia giao thông. Bên cạnh tăng cường công tác tuần tra, xử lý vi phạm thì lực lượng cảnh sát giao thông chú trọng tuyên truyền tại các cơ quan, trường học, doanh nghiệp, khu dân cư.

Theo đánh giá của Ban An toàn giao thông tỉnh, nhiều chương trình tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông được duy trì như: tác hại của rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông, kỹ năng đi xe máy an toàn, an toàn giao thông địa bàn nông thôn, thực hiện nếp sống văn hóa giao thông… đã phần nào giúp người dân nâng cao ý thức và trách nhiệm.

Bên cạnh đó, các mô hình an toàn giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, an toàn giao thông trước cổng trường, các mô hình sơ cứu, ứng cứu nhanh tai nạn giao thông... của một số địa phương, các thành viên của Ban An toàn giao thông tỉnh vẫn tiếp tục được duy trì và phát huy góp phần hạn chế tai nạn giao thông, từng bước nâng cao ý thức chấp hành quy tắc giao thông của người dân

Giám đốc Sở Giao thông - vận tải, Phó trưởng ban thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh Trịnh Tuấn Liêm khẳng định, thời gian qua việc tăng cường công tác tuyên truyền đến người tham gia giao thông được quan tâm và thực hiện liên tục; từ đó giúp mọi người ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông.

Thanh Hải

Tin xem nhiều