Trong những năm qua, số vụ cháy nổ các phương tiện đường thủy xảy ra không nhiều, tuy nhiên khi xảy ra cháy, nổ thì thiệt hại rất nặng nề.
Trong những năm qua, số vụ cháy nổ các phương tiện đường thủy xảy ra không nhiều, tuy nhiên khi xảy ra cháy, nổ thì thiệt hại rất nặng nề.
Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên sông kiểm tra trang thiết bị chữa cháy tại cảng Long Bình Tân (TP.Biên Hòa). |
5 năm gần đây, trên tuyến giao thông đường thủy nội địa toàn tỉnh chỉ xảy ra 2 vụ cháy tàu nhưng hậu quả làm 2 người thiệt mạng, thiệt hại về tài sản lên đến hàng trăm triệu đồng.
* Không thể lơ là
Điển hình là vụ cháy tàu Sông Tiền 26 trên nhánh sông Đồng Nai thuộc khu vực phường An Bình (TP.Biên Hòa) vào ngày 4-5-2014. Lực lượng cứu hộ phải vất vả dập lửa suốt 2 giờ mới giữ được toàn bộ 650m3 xăng A92 trên tàu được an toàn. Tuy nhiên, trước đó do lửa bùng phát nhanh đã làm 2 người thiệt mạng và 2 người bị thương.
Thượng tá Nguyễn Văn Nhâm, Phó trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên sông cho biết nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị trong thời gian tới là: tăng cường công tác tuyên truyền về pháp luật phòng cháy, chữa cháy, về vai trò trách nhiệm của người đừng đầu cơ sở, chủ phương tiện thủy; rà soát lại phương tiện chữa cháy tại chỗ, phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ để bổ sung và thay thế kịp thời... |
Thượng tá Nguyễn Văn Nhâm, Phó trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ trên sông (thuộc Cảnh sát PCCC tỉnh) cho biết các phương tiện đường thủy nội địa thường có tính chất nguy hiểm về cháy, nổ cao, nhất là các tàu chuyên chở xăng, dầu, khí đốt hóa lỏng, hóa chất nguy hiểm dễ cháy nổ.
Ngoài ra khu vực bếp ăn cũng là nơi dễ mất an toàn cháy, nổ trên các phương tiện đường thủy do không gian bếp hẹp, hệ thống điện thường nối không đảm bảo, nhiều phương tiện đã cũ, chủ phương tiện ít chú ý đến điều này.
Khi có sự cố xảy ra, không chỉ Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên sông mà các đơn vị thuộc Cảnh sát PCCC tỉnh, Công an tỉnh cũng có mặt phối hợp để xử lý nhanh chóng, an toàn nhất. Tuy nhiên, thông thường lực lượng chức năng thường khó tiếp cận khu vực xảy ra cháy, khi triển khai đội hình chữa cháy cũng khó giữ được đội hình do nước chảy xiết và các yếu tố địa hình khác, thời tiết.
Thượng tá Nguyễn Văn Nhâm cho hay từ đầu năm đến nay đơn vị đã tổ chức kiểm tra 11 đợt; trong đó có 7 bến cảng, 8 bến thủy nội địa và 63 phương tiện đường thủy. Qua kiểm tra ghi nhận vẫn còn một số phương tiện thực hiện chưa tốt công tác PCCC nên đã kiến nghị với các chủ phương tiện phải chấn chỉnh, thay thế các thiết bị xuống cấp, sắp xếp lại vị trí đặt thiết bị chữa cháy cho phù hợp.
* Chủ động phòng ngừa
Xác định các phương tiện tàu thủy nội địa luôn có nguy cơ tiềm ẩn cháy, nổ cao, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên sông đã tham mưu cho Ban giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh xây dựng quy chế phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (Công an tỉnh) và các đơn vị liên quan. Các đơn vị thường xuyên liên hệ, trao đổi kinh nghiệm, phối hợp trong công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; phối hợp kiểm tra các phương tiện nguy hiểm cháy, nổ cao ra vào các cảng; kiểm tra an toàn PCCC trước, trong và sau Tết Nguyên đán; kiểm tra liên ngành về PCCC.
Bên cạnh đó, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ trên sông cũng tuyên truyền cho các cảng, doanh nghiệp, chủ các phương tiện đường thủy chủ động trong phòng ngừa cháy, nổ, đảm bảo an toàn cho phương tiện và thuyền viên.
Ông Phạm Văn Khánh, Trưởng kho Công ty cổ phần thương mại dầu khí Đồng Nai cho rằng để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên tuyến đường thủy nội địa, ngoài đảm bảo cho tàu, thuyền vững chắc, máy hoạt động tốt thì chủ phương tiện cần trang bị những phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại chỗ như: máy bơm chữa cháy, bình chữa cháy nhằm giải quyết sự cố khi mới phát sinh và không để sự cố xảy ra phức tạp hơn. Bên cạnh đó, các phương tiện thủy nội địa cũng cần phải chú ý niêm yết các quy định, biển cấm, biển báo, nội quy riêng của phương tiện, nội quy tiêu lệnh PCCC.
Ngoài ra, hằng năm các cảng, phương tiện thủy nội địa có tính chất nguy hiểm cháy nổ cao tự xây dựng kế hoạch PCCC gửi về Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ trên sông để cử cán bộ, chiến sĩ theo dõi. Cán bộ được phân công quản lý địa bàn đã chủ động bám sát kế hoạch từng phương tiện thủy nội địa có tính chất nguy hiểm cháy, nổ cao; yêu cầu các cảng xây dựng kế hoạch huấn luyện, tuyên truyền và lập thực tập phương án chữa cháy để phòng ngừa các sự cố cháy, nổ xảy ra.
Minh Thành