Báo Đồng Nai điện tử
En

Khó xử lý cho vay nặng lãi

08:08, 21/08/2018

Thời gian qua, tình hình cho vay nặng lãi trên địa bàn tỉnh  diễn ra ngày càng phức tạp. Để giải quyết vấn đề trước mắt, nhiều người vẫn chấp nhận vay tiền với lãi suất "cắt cổ" mà không nghĩ đến hệ lụy lâu dài...

Thời gian qua, tình hình cho vay nặng lãi trên địa bàn tỉnh  diễn ra ngày càng phức tạp. Để giải quyết vấn đề trước mắt, nhiều người vẫn chấp nhận vay tiền với lãi suất “cắt cổ” mà không nghĩ đến hệ lụy lâu dài...

Nhiều tờ rơi quảng cáo cho vay tiền dán trên đường Nguyễn Ái Quốc, TP.Biên Hòa.
Nhiều tờ rơi quảng cáo cho vay tiền dán trên đường Nguyễn Ái Quốc, TP.Biên Hòa.

Dù mượn số tiền gốc chỉ 85 triệu đồng nhưng chỉ sau 7 tháng, bà T.P. (ngụ TP.Biên Hòa) đã phải trả số tiền cả gốc lẫn lãi lên đến hơn 700 triệu đồng.

* Nợ nần chồng chất

Theo lời bà P. kể lại, vào khoảng tháng 7-2017, thông qua quen biết bà có bảo lãnh cho một người bạn mượn của một người tên Đ. (ngụ tại phường Bửu Long) số tiền 85 triệu đồng. Sau khi lấy được tiền, người bạn của bà P. bỏ trốn nên Đ. không ngừng đe dọa yêu cầu bà P.  phải trả số tiền trên thay cho con nợ.

Theo Thượng tá Nguyễn Xuân Biên, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, người dân trước khi vay tiền cần tìm hiểu kỹ về nguồn vay, đồng thời nếu bị các đối tượng đe dọa, uy hiếp cần trình báo ngay cho công an để có hướng giải quyết. Với các cơ quan chức năng thì phải thắt chặt hơn trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để tránh các cơ sở núp bóng công ty tài chính, tiệm cầm đồ hoạt động tràn lan, thiếu kiểm soát.

Khi bà P. không còn khả năng chi trả cả gốc lẫn lãi thì các đối tượng yêu cầu bà P. trả lãi với số tiền hơn 2,5 triệu đồng/ngày. Tháng nào không thanh toán thì tiếp tục lãi mẹ đẻ lãi con. Nếu có tiền trả cả gốc lẫn lãi thì ngoài số tiền đã trả khoảng 700 triệu đồng, bà P. còn phải trả thêm gần 500 triệu đồng nữa mới được yên.

Tương tự, theo thông tin được quảng cáo vay tiền dán trên đường, ông T.N. (33 tuổi, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đã tìm đến vay số tiền gốc chỉ 40 triệu đồng với lãi suất 30%/tháng. Do đang cần tiền chữa bệnh cho con nên ông N. cũng “bấm bụng” chấp nhận trả lãi suất “cắt cổ” hàng tháng.

 Khi không có tiền trả đúng hạn, các đối tượng “giang hồ” kéo đến nhà hù dọa, truy bức, khủng bố tinh thần khiến ông N. sợ hãi. Dù số tiền đã trả trong 5 tháng qua vượt gấp nhiều lần so với tiền gốc nhưng các đối tượng này vẫn yêu cầu ông N. đóng thêm tiền gốc cộng dồn hơn 300 triệu đồng và tiền lãi gần 200 triệu đồng.

* Nhiều thủ đoạn tinh vi

Theo tin từ Công an tỉnh, các nhóm cho vay nặng lãi thường là băng nhóm ở ngoài tỉnh đến, hoạt động xảo quyệt và manh động, nhiều thủ đoạn đối phó khiến cho quá trình điều tra gặp khó khăn.

Hiện nay, các đối tượng cho vay lãi nặng thường núp bóng dưới các công ty tài chính hoặc những tiệm cầm đồ. Sau khi cho vay tiền, chúng liên tục tạo sức ép tâm lý, tinh thần khiến bị hại phải bán tài sản để trả nợ. Đó cũng là lý do bị hại không dám đi báo công an vì sợ bị trả thù.

Thượng tá Nguyễn Xuân Biên, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho rằng, tình trạng cho vay nặng lãi diễn ra nhiều nhưng hầu như các bị hại không trình báo công an nên quá trình xử lý khó khăn. Các đối tượng quảng cáo cho vay tiền không cần thế chấp, lãi suất thấp, thủ tục rất đơn giản với số tiền không giới hạn nên nhiều người dân không tìm hiểu kỹ đã trở thành nạn nhân của chúng.

Đại úy Lê Hoàng Long, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm Công an tỉnh cho biết hình thức cho vay của các đối tượng thường cho vay 1 lần nhưng lại thu tiền góp theo ngày với số tiền ít nhiều tùy khoản vay. Chúng thường nhắm đến các hộ kinh doanh nhỏ lẻ hoặc những hộ lao động cần tiền vài chục triệu đồng để chi tiêu cho sinh hoạt.

Tất cả những thỏa thuận đều chỉ giao dịch bằng miệng còn trong giấy vay mượn nợ lại chỉ ghi số tiền gốc mượn nhưng không ghi lãi suất phải trả cho số tiền vay. Trên thực tế, nếu người vay khi không còn khả năng chi trả nữa thì các đối tượng lại cho vay thêm để vừa trả nợ cũ lại vừa cộng dồn thêm nợ mới. Với cách làm tinh vi đó, nhiều người bị vướng vào nợ nần chồng chất, không còn khả năng chi trả; còn cơ quan chức năng thì lại khó chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng.

Phân tích về góc độ pháp luật, luật sư Nguyễn Đình Hải (thuộc Đoàn luật sư tỉnh) cho rằng theo quy định đối với tín dụng đen, về bản chất đó là giao dịch dân sự giữa các tổ chức, cá nhân với nhau và mức lãi suất phải tuân thủ theo quy định Bộ luật Dân sự. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Theo Điều 201, Bộ luật Hình sự 2015, nếu người nào cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất được quy định trong Bộ luật Dân sự sẽ bị xử lý hình sự.

Tố Tâm

Tin xem nhiều