Hiện nay, các cơ quan chức năng đang nghiên cứu đề xuất giảm bớt tốc độ tối đa cho phép của các phương tiện giao thông lưu thông trên đường...
Hiện nay, các cơ quan chức năng đang nghiên cứu đề xuất giảm bớt tốc độ tối đa cho phép của các phương tiện giao thông lưu thông trên đường.
Các tuyến đường khu vực đông dân cư hiện nay quy định tốc độ tối đa với các phương tiện không quá 50km/giờ là hợp lý. Trong ảnh: Bảng quy định tốc độ lưu thông trên tỉnh lộ 769 đoạn qua huyện Long Thành. |
Thông tư 91/2015/TT-BGTVT (gọi tắt Thông tư 91) của Bộ Giao thông - vận tải quy định về việc thay đổi tốc độ tối đa cho phép của các phương tiện giao thông lưu thông trên đường nêu rõ: vận tốc tối đa cho phép của xe cơ giới khi lưu thông trên đường bộ (trừ đường cao tốc) ngoài khu vực đông dân cư hay ở đường đôi (có dải phân cách giữa), đường một chiều có từ 2 làn xe cơ giới trở lên có mức tối đa 90km/giờ.
* Kiến nghị giảm tốc độ
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý I-2018, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), đề nghị Bộ Giao thông - vận tải sửa Thông tư 91, đề xuất giảm bớt tốc độ lưu thông cho phép như hiện nay. Lý do được đưa ra là việc tăng tốc độ khiến tình hình trật tự an toàn giao thông diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông ở một số nơi liên tục tăng.
Nhiều ý kiến cho rằng, với ô tô trên 30 chỗ ngồi, ô tô tải có trọng tải 3,5 tấn trở lên, ô tô sơ mi rơ-mooc, ô tô kéo rơ-mooc, ô tô kéo xe khác, ô tô chuyên dùng cần quy định cụ thể tốc độ tối đa trong khu vực đông dân cư theo hướng hạn chế tốc độ. |
Cụ thể việc cho phép tăng tốc độ thêm 10km/giờ với tất cả các loại xe trên các quốc lộ và đường trong khu đông dân cư có dải phân cách giữa là chưa phù hợp. Các loại xe con, xe tải lớn, xe khách, xe container khi đi qua đô thị mà chạy cùng một loại tốc độ tối đa 60km/giờ thì sẽ rất nguy hiểm.
Theo một số cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát giao thông số 2, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an tỉnh, từ khi tốc độ được nâng lên, trên tuyến quốc lộ 20 đơn vị đảm trách tình hình vi phạm giao thông khá phức tạp. Trong 6 tháng đầu năm 2018, đơn vị đã xử lý hơn 989 trường hợp vi phạm tốc độ, cao hơn so với những lỗi vi phạm khác.
Tại khu vực TP.Biên Hòa, các tuyến đường như: Huỳnh Văn Nghệ, Đồng Khởi, Nguyễn Ái Quốc… có tình trạng xe cơ giới phóng nhanh diễn ra phổ biến. Qua đó, có không ít vụ việc do không làm chủ được tốc độ đã tự đâm vào dải phân cách dẫn đến các vụ tai nạn, gây nguy hiểm cho người đi đường.
Đặc biệt là những tuyến đường thường có tình trạng xe tải ben chở vật liệu xây dựng thường xuyên chạy với vận tốc cao thực sự khiến người dân sống 2 bên đường bức xúc. Tuy nhiên, một cán bộ cảnh sát giao thông Công an TP.Biên Hòa lại cho rằng với quy định hiện cho phép lưu thông đến 60km/giờ nên khó xử lý lỗi chạy quá tốc độ với các phương tiện này.
* Điều chỉnh tốc độ phải hợp lý
Về phía các tài xế tham gia giao thông, nhiều ý kiến không đồng tình với kiến nghị sửa Thông tư 91 cũng như đề xuất giảm bớt tốc độ lưu thông cho phép như hiện nay. Bởi lẽ, thực tế dù Thông tư 91 cho phép nâng tốc độ lưu thông nhưng ít khi lái xe đạt tốc độ tối đa cho phép. Trong khi đường sá hiện nay vốn đã chật hẹp, nhiều khu vực xuống cấp, việc giảm tốc độ xuống thấp càng khiến thời gian đi lại tăng lên, người cầm lái càng thêm áp lực.
Ông Đinh Xuân Hòa (ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa) cho biết do chở hàng hóa cho các công ty nên ngày nào ông cũng chạy xe trên đường. Dù tốc độ cho phép tối đa trên các tuyến đường này là 60-80km/giờ nhưng vào ban ngày, đặc biệt trong khung giờ từ 7-22 giờ, ít có xe tải nào đạt được tốc độ 60km/giờ. Chưa kể, lượng xe trên đường đông đúc nên có muốn chạy nhanh hơn cũng không được.
“Lấy lý do vì tai nạn giao thông tăng để giảm tốc độ như trước đây (40-50km/giờ) là không thực tế. Vấn đề là ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người tham gia lưu thông phải được nâng lên và cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm, minh bạch và thuyết phục” - ông Hòa bộc bạch.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh thì cho rằng những năm qua hệ thống đường sá được xây mới, nâng cấp đã tạo điều kiện cho phương tiện tăng tốc độ nhằm rút ngắn thời gian đi lại. Do đó, cần phải cân nhắc khi quyết định giảm tốc độ lưu thông trên đường như hiện nay. Theo đó, cần khảo sát cụ thể trên từng tuyến đường có nhiều tai nạn, có những số liệu cụ thể để chứng minh cho việc giảm tốc độ là cần thiết.
Thanh Hải