Dáng người còm cõi, khuôn mặt hốc hác lộ vẻ sự mệt mỏi, những đường gân xanh hằn rõ trên sống bàn tay toàn da bọc xương, bị cáo Hoàng Ngọc Lai (40 tuổi, quê tỉnh Quảng Trị) cứ chặc lưỡi rồi nhắc đi nhắc lại phải hơn 10 lần từ: "Sợ quá! Tiếc quá!".
Dáng người còm cõi, khuôn mặt hốc hác lộ vẻ sự mệt mỏi, những đường gân xanh hằn rõ trên sống bàn tay toàn da bọc xương, bị cáo Hoàng Ngọc Lai (40 tuổi, quê tỉnh Quảng Trị) cứ chặc lưỡi rồi nhắc đi nhắc lại phải hơn 10 lần từ: “Sợ quá! Tiếc quá!”.
Bị cáo Hoàng Ngọc Lai tại phiên tòa. |
* Giết người, cướp 120 ngàn đồng
17 năm trước, bị cáo Hoàng Ngọc Lai và Nguyễn Công Lân (34 tuổi, quê tỉnh Quảng Trị) làm nghề rửa xe thuê cho người quen tại phường Tam Hòa (TP.Biên Hòa). Quá trình rửa xe thuê, cả 2 đã kết thân với đồng nghiệp Hoàng Xuân Tưởng (35 tuổi).
Ngày 28-12-2001, Tưởng rủ Lai và Lân đi nhậu. Khi đã lâng lâng trong người, cả 3 rủ nhau đi cướp tài sản. Sau khi chuẩn bị dao, cả 3 ra Công viên Chiến Thắng Long Bình (phường Bình Đa, TP.Biên Hòa) thuê ông Trần Quang Hùng (53 tuổi, ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa, hành nghề chạy xe ôm) chở đến Bệnh viện Khu công nghiệp Biên Hòa. Khi ông Hùng chở 3 vị khách đến nơi thì bị cả 3 lấy đá đập vào đầu bất tỉnh rồi cướp xe và 120 ngàn đồng. Ông Hùng may mắn sống sót, nhưng bị thương tật tỷ lệ 13%.
Sau khi gây án, Lân và Tưởng về đến nhà thì bị bắt. Năm 2002, cả 2 đã bị Tòa án nhân dân tỉnh xử mức án 20 năm và 14 năm tù giam. Riêng Lai sau khi bán chiếc xe đánh cướp được 1 triệu đồng thì bỏ trốn. Đến năm 2017, Lai tìm đến cơ quan công an đầu thú.
Nghe vị đại diện Viện Kiểm sát đọc lời luận tội, bị cáo Lai nhận hết tội mà không hề có một lời bào chữa. Bị cáo chỉ ngỏ lời cảm ơn người bị hại đã tha thứ lỗi lầm bị cáo đã gây ra và xin lỗi gia đình mình vì sự bồng bột của bản thân mà gây nên tội.
Sự việc đã trải qua nhiều năm, lại hiểu được hoàn cảnh gia đình bị cáo Lai khó khăn nên ông Hùng đã tha thứ cho hành vi bị cáo gây ra cho mình, đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử xem xét xử mức án nhẹ cho bị cáo.
* Chạy trốn
Sau 17 năm trốn chạy, người đàn ông tên Lai 40 tuổi phải ngồi tù thay người thanh niên tên Lai 23 tuổi. Bị cáo nói: “Nếu hồi đó tôi không bỏ trốn, giờ có khi được ra tù rồi, chẳng phải sống chui, sống nhủi suốt 16 năm. Bọn thằng Tưởng với Lân ra tù rồi. Hôm trước lấy lời khai, 2 bên có gặp mặt. Giờ trông tụi nó khỏe mạnh và thanh thản”.
Bị cáo Lai kể sau khi nghe tin đồng bọn bị bắt, bị cáo liền bỏ trốn ra Huế tá túc nhà người quen. Làm thợ hồ cho công trình xây dựng nên phải đi nhiều nơi, nhờ đó bị cáo tránh được cơ quan công an. “Lúc đó tôi sợ lắm, còn trẻ mà… Tuổi trẻ thiếu suy nghĩ”! - bị cáo tự dằn vặt bản thân.
Học hết lớp 7 thì bị cáo Lai đi học đóng giày. Được một thời gian, bị cáo mở tiệm riêng, nhận dạy nghề cho 2 học trò. Nhưng khi bị lấy mặt bằng lại, bị cáo đã vào miền Nam mưu sinh. Vào Nam được nửa năm thì bị cáo gây ra chuyện tày đình và sống chui nhủi khắp nơi trong 16 năm.
Chúng tôi hỏi vì sao trốn được 16 năm, bị cáo Lai trả lời: “Lúc đi làm di chuyển địa điểm suốt. Với lại, thấy công an thì bị cáo tránh đi. Quá trình lẩn trốn, bị cáo chẳng dám liên lạc với bất kỳ người thân nào cả, khổ lắm!”.
“Sao bị cáo quyết định ra đầu thú sau ngần ấy năm sống như vậy?”, chúng tôi hỏi. Bị cáo cười buồn bã trả lời: “Trốn tránh pháp luật có thể được, nhưng chẳng thể trốn được bản án lương tâm. Bị cáo thường nằm khóc hàng đêm, nghĩ đến chuyện có nhà không được về, có người thân không được thăm, có chân nhưng không được đi mọi nơi, “đẹp trai” mà không được đi tán gái…”.
Kể đến chuyện yêu đương, bị cáo bảo: “Hồi đó tôi đẹp trai, béo khỏe lắm. Yêu một cô ở Long Khánh được 3 tháng thì xảy ra chuyện, rồi bỏ trốn. Sau đó, bị cáo có quen vài người nhưng rồi thôi vì nghĩ thân phận mình vậy chỉ làm khổ người ta. Đôi khi tôi thèm mái ấm gia đình có vợ và con thơ”.
Những dằn vặt ấy cứ đeo đuổi bị cáo cho mãi đến gần 40 tuổi mới nhận ra bản thân cần được giải thoát cho những ám ảnh và tội lỗi từng ngày.
Ngày bị cáo gọi điện cho mẹ là ngày bị cáo khóc nhiều nhất. Sống cách nhà mẹ chỉ vài trăm cây số, vậy mà mãi 16 năm sau bị cáo mới có thể gọi điện. Bị cáo kể lúc đó khóc òa lên như một đứa trẻ. Mẹ bị cáo quá thương con nên bắt xe vào Huế, rồi đưa bị cáo đến Công an tỉnh Quảng Trị đầu thú. Bị cáo bảo đó là chuyến xe hạnh phúc nhất mà bị cáo từng ngồi, là chuyến xe cho hành trình giải thoát.
Trên chuyến xe, bị cáo kể cho người mẹ già sự đau khổ trong chừng ấy năm. Còn người mẹ thì kể cho bị cáo nỗi nhớ mong bị cáo của gia đình. “Mẹ nói, trước lúc chết cha cứ bảo mẹ tìm đưa bị cáo về nhà gặp mặt lần cuối, nhưng có ai biết bị cáo ở đâu mà tìm. Có đau không chứ!” - bị cáo nói rồi cười gượng gạo đến khó tả.
Bị cáo phải lãnh 11 năm tù về tội giết người, 7 năm tù về tội cướp tài sản. Gia đình bị cáo xôn xao: “Sao nặng quá vậy?”, rồi loay hoay tìm luật sư nhờ làm thủ tục xin phúc thẩm. Còn chúng tôi không biết bị cáo nghĩ bản án với mình là nặng hay nhẹ, chỉ thấy bị cáo ra về với dáng vẻ rất tự tại.
Tố Tâm