Báo Đồng Nai điện tử
En

Trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng: Còn khó khăn

07:11, 14/11/2017

Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 ra đời đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy công tác trợ giúp pháp lý phát triển, đáp ứng tốt công tác trợ giúp pháp lý cho nhóm người được hưởng quyền trợ giúp pháp lý, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân.

Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 ra đời đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy công tác trợ giúp pháp lý phát triển, đáp ứng tốt công tác trợ giúp pháp lý cho nhóm người được hưởng quyền trợ giúp pháp lý, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân. Tuy nhiên, hoạt động trợ giúp pháp lý trong thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao.

Các luật sư tuyên truyền cho học sinh về Luật Trẻ em.
Các luật sư tuyên truyền cho học sinh về Luật Trẻ em.

Ngoài các kết quả đạt được trong quá trình trợ giúp pháp lý thì những khó khăn trong thời gian qua đã khiến công tác trợ giúp pháp lý chưa thực sự đi sâu vào đời sống và chưa tạo được hiệu quả cao trong công tác.

* Khó đủ đường

Thượng tá Cao Xuân Hoa, Phó trưởng Công an huyện Xuân Lộc, cho biết quá trình thực hiện công tác trợ giúp pháp lý còn nhiều vướng mắc, chủ yếu là do một bộ phận cán bộ làm công tác tố tụng, giam giữ chưa nắm rõ thông tư liên tịch giữa các đơn vị tố tụng và Trung tâm trợ giúp pháp lý; trong hồ sơ các vụ án cụ thể, việc giải thích quyền và nghĩa vụ được trợ giúp pháp lý không được ghi trong biên bản tố tụng; đôi lúc các cơ quan tiến hành tố tụng chưa thực sự tạo điều kiện cho người trợ giúp pháp lý thực hiện nhiệm vụ bởi các lý do, như: bận việc, chưa có thời gian điều tra, thậm chí người tiến hành tố tụng chưa coi trọng sự tham gia của người trợ giúp pháp lý.

Luật sư Nguyễn Tiến Dũng, Đoàn Luật sư tỉnh, cho rằng về chủ quan vẫn còn một số luật sư chưa ý thức, chưa làm việc hết trách nhiệm của mình. “Một bộ phận luật sư vẫn xem việc trợ giúp pháp lý là chuyện nhỏ, đơn giản, làm trợ giúp pháp lý một cách qua loa, đại khái cho xong nghĩa vụ và chưa thật sự tận tâm với công việc trợ giúp pháp lý” - luật sư Dũng cho hay.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP.Biên Hòa Hoàng Hữu Long cho rằng trợ giúp pháp lý là hình thức cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí nên chất lượng hoạt động chưa thật sự được đảm bảo và đạt hiệu quả. Vấn đề trợ giúp pháp lý chủ yếu tập trung ở những người chưa thành niên phạm tội mà chưa có đối tượng là người bị hại nên việc thực hiện cho nhóm đối tượng này chưa được triển khai, quyền được trợ giúp pháp lý của bị hại chưa được đảm bảo.

“Đối với người chưa thành niên phạm tội, việc tham gia trợ giúp pháp lý ngay từ đầu rất khó vì phải thông qua quá trình tố tụng; khi được cấp giấy chứng nhận trợ giúp pháp lý thì đối tượng đã bị khởi tố điều tra rồi” - ông Long chia sẻ.

* Cần nhiều giải pháp hiệu quả hơn

Để công tác trợ giúp pháp lý cho đối tượng được trợ giúp pháp lý không chỉ còn là vấn đề trên giấy tờ, một số đơn vị đã mạnh dạn đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức hiểu biết pháp luật của người dân nói chung và đối tượng được trợ giúp pháp lý nói riêng.

Đại tá Lê Văn Hùng, Chánh văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, cho rằng Sở Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý và các cơ quan tố tụng phải thường xuyên trao đổi thông tin giữa các bên để kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc phối hợp hoạt động trợ giúp pháp lý; các cơ quan tố tụng, trại tạm giam, nhà tạm giữ và lực lượng điều tra viên khi làm việc phải chủ động tìm hiểu nhân thân, lai lịch, độ tuổi, hoàn cảnh kinh tế của người có hành vi phạm tội để giải thích quyền, điều kiện, thủ tục được trợ giúp pháp lý.

Ngoài ra, cũng theo Đại tá Hùng, điều cần thiết để công tác trợ giúp pháp lý được nhiều người biết đến là tại nhà tạm giam, tạm giữ hoặc các bảng niêm yết của cơ quan tố tụng có dán thông tin về trợ giúp pháp lý, phát miễn phí tờ gấp pháp luật, mẫu đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý, các tài liệu pháp luật liên quan đến trợ giúp pháp lý…

Đại diện Tòa án nhân dân huyện Định Quán đề nghị cần tăng cường hơn nữa về số lượng và chất lượng người trợ giúp pháp lý, đặc biệt đối với những người có nhiều kinh nghiệm, nhiều thời gian công tác pháp luật trong các cơ quan Nhà nước. Đồng thời, Trung tâm trợ giúp pháp lý phải thường xuyên thông báo danh sách và các thông tin của người trợ giúp pháp lý cho cơ quan tố tụng để có sự phối hợp kịp thời.

Cục trưởng Cục công tác phía Nam Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh: “Để công tác trợ giúp pháp lý đạt hiệu quả cao cần phải chú trọng việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Từ đó, các cơ quan tiến hành tố tụng hiểu đúng và đầy đủ về trợ giúp pháp lý và có trách nhiệm hơn trong việc phối hợp thực hiện. Đặc biệt, cần tăng cường các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng vào trao đổi nghiệp vụ cho các cán bộ trợ giúp pháp lý nhằm nâng cao chất lượng công tác trợ giúp pháp lý”.

Tố Tâm

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích