Toàn tỉnh có trên 1.350 luật gia, 500 luật sư và hơn 2.630 người làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật... Với lực lượng hùng hậu và được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở nên công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng đi vào chiều sâu.
Toàn tỉnh có trên 1.350 luật gia, 500 luật sư và hơn 2.630 người làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật... Với lực lượng hùng hậu và được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở nên công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng đi vào chiều sâu.
Luật gia Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, tuyên truyền pháp luật cho học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (TP.Biên Hòa).Ảnh: Đ.PHÚ |
Ông Viên Hồng Tiến, Giám đốc Sở Tư pháp, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, cho biết các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở Đồng Nai hiện đã vào nề nếp theo chương trình, kế hoạch cụ thể và thực hiện thường xuyên. Nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có trọng tâm, trọng điểm. Hình thức tuyên truyền đa dạng, hấp dẫn, phù hợp với đối tượng.
Xã hội hóa công tác phổ biến pháp luật
Là đơn vị chủ trì đề án xã hội hóa công tác phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2013-2016, luật gia Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, chia sẻ qua kết quả triển khai đề án cho thấy vai trò của Hội Luật gia tỉnh và các cấp đã và đang tham gia tích cực vào công tác xã hội hóa phổ biến, giáo dục pháp luật. Thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý cho thấy hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật thật sự giúp cho đối tượng thụ hưởng hình thành được hành vi pháp luật đúng đắn, góp phần đưa các quy định pháp luật vào thực tiễn đời sống.
Qua kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2017 từ các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Sở Tư pháp (cơ quan thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh) đánh giá ngoài các ưu điểm, các đơn vị thành viên của hội đồng còn hạn chế về các mặt, như: đội ngũ báo cáo viên đa số là kiêm nhiệm nên kỹ năng tuyên truyền còn hạn chế; việc tổ chức tuyên truyền cho một số đối tượng, như: nghiện ma túy, lao động trong các doanh nghiệp, sinh viên, học sinh chưa đầy đủ. |
Qua triển khai đề án, luật gia Nguyễn Đức cũng nhìn thấy những mặt hạn chế, như: nhu cầu của người dân rất lớn nhưng hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý của Hội, các chi hội cơ sở và các tổ chức thành viên MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được toàn bộ sự mong mỏi của người dân. Đó chính là lý do hạn chế huy động nguồn nhân lực và tài chính vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Tiến sĩ, luật sư Nguyễn Bình An, Trưởng ban Nghiên cứu, tham gia xây dựng pháp luật Hội Luật gia tỉnh, bày tỏ quan điểm xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý là quá trình Nhà nước rút dần khỏi việc trực tiếp thực hiện công tác này (chỉ đóng vai trò quản lý), tiến tới chuyển giao hẳn cho các chủ thể phi Nhà nước thực hiện (tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp...). “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý đem lại những lợi ích khác nhau, như: nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý; giảm chi ngân sách Nhà nước; thu hút được đông đảo đội ngũ có chuyên môn, kinh nghiệm và tâm huyết vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật” - tiến sĩ, luật sư Nguyễn Bình An nhấn mạnh.
Phải hấp dẫn người nghe
Theo thông tin từ Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, trong năm 2017 các thành viên Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh và cấp huyện đã tổ chức được gần 50 ngàn buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật với khoảng 2 triệu lượt người tham dự. Đây là sự nỗ lực rất lớn của các sở, ban, ngành, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, huyện và xã trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân...
Các hình thức được các sở, ngành, đơn vị, tổ chức, chính quyền... cấp tỉnh, huyện, xã áp dụng để phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng gồm: tập trung tuyên truyền tại hội trường, tọa đàm, hội thảo, tư vấn, lồng ghép sinh hoạt pháp luật qua các câu lạc bộ, phương tiện truyền thông...
Bên cạnh hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phong phú, đa dạng, các đơn vị, tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật rất chú trọng việc lựa chọn nội dung, chủ đề tuyên truyền gần gũi, cụ thể, phù hợp với đối tượng tuyên truyền; đồng thời chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền pháp luật để đối tượng được tuyên truyền dễ hiểu, dễ nắm bắt.
Tuy vậy, ông Viên Hồng Tiến đánh giá công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật như một mặt trận lớn, cần tổng lực của hệ thống chính trị, các cấp ủy chính quyền, tổ chức, đơn vị và người dân chung tay. Bởi, việc tổ chức các buổi tuyên truyền với lực lượng hùng hậu, máy móc, phương tiện hiện đại, báo cáo viên giàu kinh nghiệm mà thiếu đối tượng cần tuyên truyền đến dự vẫn không đạt được mục tiêu mong muốn.
“đối tượng cần tuyên truyền sẽ quyết định chất lượng buổi tuyên truyền. Do đó, huy động được đối tượng cần tuyên truyền tham dự đông đảo, rất cần sự chung tay của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, cơ sở nơi các đoàn đến tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thực hiện tốt khâu tuyên truyền, vận động họ tham dự” - ông Tiến nói.
Có nhiều kinh nghiệm dẫn đoàn về cơ sở tuyên truyền, tư vấn, trợ giúp pháp lý, luật gia Nguyễn Đức chia sẻ con người, phương tiện, hình thức, nội dung... để thực thi công tác phổ biến, giáo dục pháp luật rất quan trọng, nhưng yếu tố con người vẫn là khâu quyết định sự thành công. Bởi yếu tố con người quyết định từ khâu tổ chức, việc huy động dân, đứng diễn đạt, chuẩn bị nội dung cần nói... Nếu làm tốt, bài bản, khoa học và có kế hoạch thì buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ đạt chất lượng.
Đoàn Phú