Báo Đồng Nai điện tử
En

Cứu 2 cháu bé bị dòng nước cuốn

07:10, 31/10/2017

Trên đường đi học về, khi lội qua suối, cháu Mã Minh Sang (10 tuổi, ngụ ấp 2, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) và em họ Liều Phi Phi (6 tuổi) đã bị dòng nước cuốn trôi. Rất may, ông Phạm Hùng Dũng (64 tuổi, ngụ ấp 1, xã Thanh Sơn) phát hiện sự việc và kịp thời cứu anh em Sang thoát nạn.

Trên đường đi học về, khi lội qua suối, cháu Mã Minh Sang (10 tuổi, ngụ ấp 2, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) và em họ Liều Phi Phi (6 tuổi) đã bị dòng nước cuốn trôi. Rất may, ông Phạm Hùng Dũng (64 tuổi, ngụ ấp 1, xã Thanh Sơn) phát hiện sự việc và kịp thời cứu anh em Sang thoát nạn.

2 cháu Mã Minh Sang và Liều Phi Phi trên đường đi học, băng qua cầu suối Ấp Văn Hóa.
2 cháu Mã Minh Sang và Liều Phi Phi trên đường đi học, băng qua cầu suối Ấp Văn Hóa.

Năm nay đã 64 tuổi nhưng ông Dũng vẫn còn rất khỏe mạnh, giọng nói sang sảng đậm chất nông dân gốc miền Tây. Nhớ lại chuyện cứu 2 cháu bé thoát nạn sau khi bị dòng nước cuốn trôi, ông Dũng cho biết đây chỉ việc tình cờ, lúc đó thấy hoạn nạn thì ông ra tay giúp đỡ chứ không nghĩ gì đến hiểm nguy.

Xả thân cứu nguy

Ông Phạm Hoàng Dũng cho rằng chuyện cứu 2 cháu nhỏ bị nước cuốn là việc làm tất nhiên, ai gặp trường hợp như vậy cũng sẽ ra tay hành động dù có nguy hiểm. Người dân địa phương chỉ mong rằng dù kinh tế còn khó khăn nhưng chính quyền các cấp cần quan tâm, hỗ trợ kinh phí để thay thế những chiếc cầu tạm, giúp người dân an tâm sinh sống, lập nghiệp.

Khoảng 10 giờ 30 ngày 14-10, ông Dũng đón cháu đi học về tới khu vực suối Ấp Văn Hóa (ấp 2, xã Thanh Sơn) thì nước ngập cao quá đầu gối. Thấy nguy hiểm, ông Dũng gửi xe lại nhà người quen rồi dắt cháu đi bộ vượt qua con suối. Khi tới gần suối, nghe tiếng kêu cứu của một cháu bé, ông Dũng nhìn về phía dòng suối thì thấy cháu Sang đang bị nước cuốn trôi. Không kịp suy nghĩ, ông Dũng vội nhảy xuống dòng nước đang chảy mạnh kịp thời vớt cháu bé lên.

Lúc này tâm trạng vẫn còn hoảng loạn nhưng cháu Sang vẫn cố gắng báo cho ông Dũng biết còn đứa em của Sang đã bị nước cuốn mất rồi.

Nghe đến đây, ông Dũng bủn rủn hết chân tay. Ông càng lo lắng hơn khi nhìn xung quanh chỉ thấy cặp sách ở gốc cây mà không thấy cháu bé.

“Thời điểm xảy ra sự việc, huyện Định Quán liên tục có mưa to do chịu ảnh hưởng của bão. Bình thường con suối này khá hiền hòa, nhưng gặp nước chảy xiết trở nên nguy hiểm không chỉ với con nít mà cả với người lớn; nếu đã rơi xuống suối thì lành ít dữ nhiều…” - ông Dũng tỏ bày.

Dù lo lắng, nhưng trong đầu ông Dũng chỉ biết nghĩ đến việc phải tìm bằng được cháu bé còn lại. Đi dọc đoạn suối khoảng 10m, ông bất ngờ thấy giữa dòng nước trắng xóa nhô lên cái đầu của cháu Liều Phi Phi. Ngay lập tức, ông Dũng nhảy xuống dòng suối đang chảy cuồn cuộn đưa cháu Phi lên bờ rồi hô hoán mọi người giúp đỡ. Sau vài phút sơ cứu ban đầu, cháu Phi may mắn tỉnh lại trong niềm vui khôn xiết của nhiều người.

Chị Mã Chấu Múi (mẹ cháu Sang) cho biết hôm đó Sang và em họ đi học về qua suối thì nước ngập cầu. Là anh lớn, Sang dắt xe vượt qua trước thì bất ngờ trượt chân ngã và Phi bị ngã theo. Lúc đó, nếu không có sự xuất hiện đúng lúc của ông Dũng, không biết chuyện gì sẽ xảy ra.

“Tôi rất biết ơn ông Dũng. Với gia đình tôi, ông Dũng là người hùng, ông đã không ngại hiểm nguy để cứu các cháu bé. Những đợt mưa to, nước ngập gần cả mét, người lớn đi đường quen còn canh chừng được, chứ mấy đứa nhỏ khó mà vượt qua. Hôm ấy nếu không có ông Dũng chắc nước cuốn cả 2 đứa nhỏ đi luôn rồi” - chị Múi nói trong sự xúc động.

Nỗi lo qua suối mùa mưa

Theo chia sẻ của người dân địa phương, chiếc cầu nhỏ bắc qua suối Ấp Văn Hóa được hình thành từ nhu cầu đi lại của cả chục hộ dân nơi đây. Mỗi lần mưa lớn, nước tràn qua khiến chiếc cầu chìm nghỉm, “mất tích” trong dòng nước. Do đó, nỗi lo bị dòng nước cuốn trôi càng nguy hiểm hơn khi có mưa lớn khiến mực nước dâng cao.

Ông Phạm Hoàng Dũng chỉ nơi ông đã cứu 2 cháu nhỏ gặp nạn.
Ông Phạm Hoàng Dũng chỉ nơi ông đã cứu 2 cháu nhỏ gặp nạn.

Sau sự việc 2 cháu bé bị nước cuốn trôi, người dân ở đây mong mỏi sớm có được chiếc cầu kiên cố và vững chắc để đi lại; ai nấy không còn phải lo ngay ngáy mỗi lúc trời mưa to gió lớn và câu chuyện dũng cảm cứu người của ông Dũng sẽ không còn phải lặp lại thêm một lần nữa.

Không chỉ người dân ở ấp 2, mà ở xã miền núi Thanh Sơn hiện còn nhiều cây cầu tạm bắc qua các dòng suối. Điển hình là nhiều năm nay, mỗi lần nước từ thượng nguồn đổ về mạnh khiến chiếc cầu gỗ bắc qua suối Đá (thuộc tổ 15, ấp 3) thường xuyên bị cuốn trôi. Cả khu vực ngập nặng, bị cô lập hoàn toàn; người dân không lên được rẫy, đến mùa thu hoạch vận chuyển nông sản cũng gặp cảnh khó khăn.

Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn Ngô Văn Sơn cho biết đây là xã vùng sâu, vùng xa, có nhiều cụm dân cư sinh sống len lỏi trong rừng sâu nên đời sống bà con còn gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, UBND xã đã nỗ lực phối hợp xây dựng được 16 chiếc cầu dân sinh bắc qua suối, trong đó mạnh thường quân hỗ trợ làm được 2 chiếc, còn lại là nguồn vốn của Nhà nước.

 “Địa phương đã hết sức cố gắng, nhưng nguồn lực hiện có hạn. Địa phương đang tiếp tục rà soát những khu vực chưa có cầu và chúng tôi rất mong các đơn vị, mạnh thường quân sớm quan tâm chia sẻ để giúp bà con sớm có cầu đi lại thuận lợi” - ông Sơn nói.

Thanh Hải - Văn Tuấn

Tin xem nhiều