Sau nhiều năm thụ lý vụ án và truy tố các bị can, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) huyện Cẩm Mỹ đã ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra đối với các bị can. Tuy nhiên, thân phận của những người từng bị truy tố, xét xử trước tòa đến nay vẫn chưa được làm rõ và giải quyết dứt điểm.
Sau nhiều năm thụ lý vụ án và truy tố các bị can, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) huyện Cẩm Mỹ đã ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra đối với các bị can. Tuy nhiên, thân phận của những người từng bị truy tố, xét xử trước tòa đến nay vẫn chưa được làm rõ và giải quyết dứt điểm.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh vừa có kết luận giám sát đối với vụ án này.
Mất đất vì thế chấp vay vốn
Hồ sơ vụ án thể hiện, vào năm 2007, bà Nguyễn Thị Kim Lý (ngụ huyện Cẩm Mỹ) thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của con gái cho ông Trần Đình Hòa để nhờ vay ngân hàng 500 triệu đồng. Thời gian này, vợ chồng ông Tô Văn Nho (ngụ huyện Cẩm Mỹ) cũng nhờ bà Lý vay giúp 50 triệu đồng và thế chấp giấy tờ đất đứng tên ông Nho. Bà Lý nhận lời và nhờ ông Hòa vay 50 triệu đồng cho vợ chồng ông Nho.
Tháng 12-2007, bà Lý gọi ông Nho đến văn phòng công chứng ở huyện Long Thành nói làm thủ tục vay vốn, nhưng thực chất là công chứng việc chuyển nhượng đất của ông Nho cho ông Hòa. Sau khi làm xong thủ tục công chứng, ông Hòa đã mang hợp đồng đến Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội chi nhánh Biên Hòa thế chấp để vay vốn, nhưng không được. Sau đó, ông Hòa yêu cầu bà Lý làm thủ tục chuyển nhượng thửa đất của ông Nho cho ông Hòa mới vay được tiền. Bà Lý đã nhờ ông Hoàng Kim Sơn (ngụ huyện Cẩm Mỹ) làm các thủ tục chuyển nhượng thửa đất này với giá 20 triệu đồng.
Tháng 3-2008, ông Sơn mang các hợp đồng chuyển nhượng đất đến gặp cán bộ địa chính xã Xuân Bảo (huyện Cẩm Mỹ) Trần Bá Đại nhờ chứng thực. Tin tưởng ông Sơn là người quen biết, ông Đại đã trình hồ sơ cho Chủ tịch UBND xã Xuân Bảo Võ Văn Bảy ký duyệt, mặc dù không trực tiếp xác nhận việc chuyển nhượng đất giữa ông Nho với bà Lý và ông Hòa. Tin tưởng cán bộ cấp dưới, ông Bảy đã ký hồ sơ chuyển nhượng đất.
Sau khi hồ sơ được duyệt, ông Hòa đã làm thủ tục chuyển nhượng mảnh đất sang tên mình và mang giấy tờ đất này thế chấp cho Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội chi nhánh Biên Hòa vay 500 triệu đồng.
Đến năm 2010, ông Nho mang 50 triệu đồng trả cho bà Lý để lấy giấy tờ đất thì bà Lý cho biết đất đã được chuyển nhượng cho ông Hòa. Lúc này, ông Nho đã làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan công an.
Vi phạm thời hạn giải quyết vụ án
Vào cuộc điều tra, vào tháng 4-2012, Công an huyện Cẩm Mỹ đã khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Lý để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tháng 8-2012, VKSND huyện đã hủy các quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam bà Lý do chưa chứng minh được hành vi phạm tội của bà này.
Tháng 4-2013, Công an huyện Cẩm Mỹ lại khởi tố bị can đối với bà Lý và ông Hòa về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Và tháng 7-2013, Công an huyện tiếp tục khởi tố 2 ông Bảy và Đại về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Tháng 3-2014, VKSND huyện Cẩm Mỹ đã ra cáo trạng truy tố 4 bị can: Lý, Hòa, Bảy và Đại. Đến tháng 7-2014, Tòa án nhân dân huyện đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt bị cáo Hòa 6 năm tù, bị cáo Lý 2 năm tù, cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; bị cáo Bảy 18 tháng cải tạo không giam giữ và bị cáo Đại 12 tháng cải tạo không giam giữ, cùng về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Tuy nhiên, vào tháng 1-2015, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tỉnh đã tuyên hủy bản án sơ thẩm với nhận định tòa sơ thẩm xét xử không đúng thẩm quyền, bởi bị hại trong vụ án không phải là vợ chồng ông Nho mà là Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội chi nhánh Biên Hòa.
Sau đó, VKSND huyện Cẩm Mỹ chuyển hồ sơ vụ án cho VKSND tỉnh xem xét. Qua nghiên cứu hồ sơ, VKSND tỉnh chỉ đạo VKSND huyện xử lý vụ án theo hướng hành vi của bà Lý, ông Hòa không cấu thành tội lừa đảo đối với ông Nho, mà lừa đảo đối với Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội chi nhánh Biên Hòa; VKSND huyện phải hướng dẫn ông Nho khởi kiện để giải quyết bằng vụ án dân sự. Riêng 2 ông Bảy và Đại đã có hành vi tiếp tay cho bà Lý và ông Hòa chiếm đoạt tiền của Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội chi nhánh Biên Hòa.
Thế nhưng, sau khi có đơn tố cáo, hậu quả đã được khắc phục nên Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội chi nhánh Biên Hòa không còn yêu cầu bồi thường. Do đó, vào tháng 7-2016, VKSND huyện Cẩm Mỹ đã căn cứ Điều 25, Bộ luật Hình sự năm 1999 đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra đối với các bị can.
Qua giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh xác định, trong quá trình giải quyết vụ án, cơ quan công an và VKSND huyện Cẩm Mỹ đã vi phạm thời hạn giải quyết tin báo tố giác tội phạm cũng như thời hạn điều tra, truy tố vụ án. Các cơ quan tố tụng cấp tỉnh cũng thiếu sự phối hợp trong việc tháo gỡ vướng mắc của vụ án khi cấp dưới xin ý kiến xử lý.
Né tránh việc bồi thường?
Kết quả giám sát cũng xác định việc VKSND huyện Cẩm Mỹ ra các quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra đối với các bị can không đúng quy định pháp luật. Bởi, Điều 25 Bộ luật Hình sự quy định: “Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử do chuyển biến của tình hình mà hành vi tội phạm không còn nguy hiểm cho xã hội”. Do vậy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiến nghị VKSND tỉnh hủy các quyết định của VKSND huyện; cơ quan này phải phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý vụ án đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm.
Trao đổi với phóng viên, ông Đại cho biết sau khi nhận thông báo từ UBND tỉnh về kết quả giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, ông đã liên hệ VKSND tỉnh yêu cầu sớm giải quyết dứt điểm vụ việc. Theo ông Đại, trong suốt quá trình điều tra, cơ quan điều tra không xác định được hành vi của ông là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, đến lúc này ông mới chỉ nhận được quyết định đình chỉ vụ án căn cứ theo Điều 25, Bộ luật Hình sự là: “miễn trách nhiệm hình sự”, tức là ông vẫn có tội nhưng được miễn.
Theo ông Trần Bá Đại, VKSND huyện Cẩm Mỹ đã cố tình áp dụng sai các quy định của pháp luật để né tránh việc bồi thường. “Ở đây không có sự chuyển biến của tình hình mà hành vi của những người liên quan trong vụ án không cấu thành tội phạm” - ông Đại cho biết. Trong trường hợp này, theo ông Đại, các cơ quan tố tụng phải áp dụng Điều 157, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 để ra quyết định đình chỉ vụ án vì hành vi của ông không cấu thành tội phạm. |
Danh Trường