Sau 6 năm đi vào cuộc sống, Luật Thanh tra năm 2010 đã có những tác động tích cực đến hoạt động thanh tra, kiểm tra của lực lượng thanh tra nói chung và các ngành chức năng nói riêng. Tuy nhiên, một số bất cập của Luật Thanh tra cũng đặt ra vấn đề sửa đổi, bổ sung luật cho phù hợp với thực tiễn áp dụng.
Sau 6 năm đi vào cuộc sống, Luật Thanh tra năm 2010 đã có những tác động tích cực đến hoạt động thanh tra, kiểm tra của lực lượng thanh tra nói chung và các ngành chức năng nói riêng. Tuy nhiên, một số bất cập của Luật Thanh tra cũng đặt ra vấn đề sửa đổi, bổ sung luật cho phù hợp với thực tiễn áp dụng.
Thanh tra Sở Giao thông - vận tải kiểm tra hoạt động vận tải trên sông Đồng Nai. Ảnh: T.Hải |
* Tác động đến nhận thức của cán bộ
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh nhấn mạnh: “Quan trọng nhất của công tác thanh tra là để phát hiện những mặt hạn chế, qua đó rút ra bài học và sửa chữa, chứ không phải thanh tra để xử lý những người vi phạm. Do đó, phải làm sao để cả bộ máy quản lý nhà nước phải nắm được tất cả các quy định của việc thanh tra. Khi làm xong phải có kết luận, mà kết luận phải nghiêm minh, chặt chẽ, đúng pháp luật; tình cảm để sau. Cái nào chưa có quy định của pháp luật thì phải chỉ ra và giao cho cơ quan có thẩm quyền để kiến nghị xử lý. Khi kết luận rồi thì phải cùng nhau đeo bám thực hiện kết luận tới cùng”. |
Tại hội nghị tổng kết 6 năm thực hiện Luật Thanh tra do UBND tỉnh tổ chức ngày 24-7, Phó chánh Thanh tra tỉnh Trương Thị Mỹ Dung cho biết Luật Thanh tra năm 2010 đã có những tác động tích cực, giúp cho hoạt động của ngành thanh tra thời gian qua đạt hiệu quả hơn; qua công tác thanh tra đã phát hiện những sai phạm và kiến nghị thu hồi tài sản thất thoát cho ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, một số quy định của luật đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực thanh tra.
Chánh thanh tra tỉnh Cao Văn Quang cho biết thêm, ngoài Luật Phòng, chống tham nhũng thì Luật Thanh tra đã hỗ trợ rất lớn cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, với những quy định có tác động tích cực đến nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức. Trong tổ chức bộ máy hành chính, cán bộ và công chức cũng bị chi phối bởi Luật Thanh tra. Cụ thể, khi thanh tra nhiệm vụ của cán bộ, công chức, ngoài các quy định của Luật Cán bộ công chức còn căn cứ vào Luật Thanh tra.
Tuy nhiên, theo ông Quang, Luật Thanh tra vẫn còn nhiều bất cập. Thời gian tới đây, ngành thanh tra sẽ tham mưu cho UBND tỉnh tổng hợp báo cáo tổng kết 6 năm thực thi luật để báo cáo cho Trung ương.
* Còn chồng chéo trong thanh tra
Chánh thanh tra TP.Biên Hòa Nguyễn Duy Tân chia sẻ: “Theo quy định của Luật Thanh tra, Thanh tra huyện là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, có trách nhiệm giúp UBND cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, thanh tra cấp huyện chịu sự chỉ đạo, điều hành của chủ tịch UBND huyện và chịu sự chỉ đạo về công tác, hướng dẫn nghiệp vụ của Thanh tra tỉnh. Đây là mối quan hệ song trùng (ngang, dọc) trực thuộc trong tổ chức, công tác và nghiệp vụ thanh tra. Trên thực tế, mối quan hệ này gây khó khăn cho công tác quản lý nhân sự và chuyên môn của lực lượng thanh tra cấp huyện. Khi có kết luận thanh tra, cơ quan thanh tra cấp huyện phải gửi báo cáo kết quả thanh tra đến cơ quan thanh tra cấp trên, đồng thời cơ quan này có trách nhiệm đối soát, có ý kiến đối với cơ quan quản lý nhà nước cấp huyện”. Trước những vướng mắc, chồng chéo đó, theo ông Tân, Luật Thanh tra cần phải sửa đổi, bổ sung cụ thể về những quy định này trong mối quan hệ song trùng.
Chánh thanh tra Sở Tài nguyên - môi trường Trương Ngọc Quang thì cho biết tình trạng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra vẫn còn xảy ra. Trong khi đó, một số biện pháp, hình thức xử lý vi phạm qua thanh tra cần có thêm quy định, hướng dẫn chi tiết thi hành để dễ áp dụng.
Theo ông Quang, sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra đã được quy định trong luật, nhưng việc chồng chéo trong hoạt động thanh tra với kiểm tra hay sự chồng chéo trong hoạt động kiểm tra chưa có quy định pháp luật cụ thể. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung thêm các quy định theo hướng giảm thiểu tình trạng phát sinh chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho rằng Luật Thanh tra đã làm thay đổi nhận thức của mọi người, góp phần kiện toàn hệ thống tổ chức của ngành thanh tra. Luật Thanh tra đã góp phần làm tăng pháp chế, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, thực tiễn thực thi luật đã phát sinh một số hạn chế, đặc biệt là sự chồng chéo giữa các ngành, các cấp thanh tra. Do đó, các cơ quan thanh tra cần khắc phục trước khi có sự điều chỉnh của luật, nhưng cũng không thể bỏ lọt các sai phạm khi thanh tra.
Trần Danh