Hàng ngàn xe máy nằm ngoài trời một thời gian dài do người vi phạm không đến nhận, cơ quan chức năng phải chờ đến khi các thủ tục hành chính hoàn tất (để xử lý) thì phương tiện đã hư hỏng. Công tác giải quyết phương tiện bị tạm giữ "tồn kho" cũng như đền bù thiệt hại phương tiện bị tạm giữ hư hỏng đang gặp nhiều khó khăn.
Hàng ngàn xe máy nằm ngoài trời một thời gian dài do người vi phạm không đến nhận, cơ quan chức năng phải chờ đến khi các thủ tục hành chính hoàn tất (để xử lý) thì phương tiện đã hư hỏng. Công tác giải quyết phương tiện bị tạm giữ “tồn kho” cũng như đền bù thiệt hại phương tiện bị tạm giữ hư hỏng đang gặp nhiều khó khăn.
Hiện trường vụ cháy xe máy tại bãi giữ xe vi phạm giao thông của Công an TP.Biên Hòa. |
Theo báo cáo của Công an TP.Biên Hòa, tổng số xe vi phạm đơn vị tạm giữ trong năm 2016 hơn 3,8 ngàn chiếc, hiện còn tạm giữ 1,1 ngàn xe, số xe không đến giải quyết là 996 trường hợp. Riêng quý I-2017, số xe bị tạm giữ là 817 chiếc. Công an TP.Biên Hòa đã bố trí 3 bãi tạm giữ, công tác quản lý phương tiện gặp khó khăn do quá tải.
* Bãi giữ xe quá tải
Theo thông tin từ Công an tỉnh, trong năm 2016, đơn vị đã xử lý trả lại hơn 18 ngàn xe vi phạm, hiện còn tồn 2.364 xe. Riêng quý I-2017, có 6 ngàn xe bị tạm giữ, tồn đọng hơn 1 ngàn xe. Công an tỉnh đã bố trí 17 kho, bãi tạm giữ (trong đó có 2 bãi thuê doanh nghiệp) để bảo quản phương tiện. |
Không chỉ TP.Biên Hòa, Công an huyện Long Thành đang quản lý gần 300 xe, cộng với số xe từ các xã, thị trấn và Đồn Công an khu công nghiệp tạm giữ đã lên đến 800 xe. Dù có bãi giữ xe với mái che kiên cố, nhưng do số lượng xe vi phạm lớn, nhiều xe vẫn phải để ngoài trời. Lâu ngày, phương tiện đã bị phủ kín bụi, nằm nghiêng ngả, chỏng chơ.
Bà Lưu Thị Hà, Phó ban Pháp chế HĐND tỉnh, chia sẻ qua các đợt giám sát công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, ghi nhận cho thấy đa số các bãi, kho hoặc nhà giữ xe vi phạm đều quá tải. Số lượng xe để ngoài trời rất nhiều, gây hư hỏng nghiêm trọng; thậm chí có nơi chỉ 1/4 số xe ở trong kho, còn lại bị bỏ ra ngoài vì không đủ chỗ. “Xe bị tạm giữ để ngổn ngang, mưa xuống gặp chỗ nước ngập, cỏ mọc che hết thân xe như những đống sắt vụn, nhìn cảnh này rất xót xa, lãng phí tài sản” - bà Hà nói.
Trung tá Văn Quang Hải, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an TP.Biên Hòa, cho biết trung bình mỗi ngày đơn vị xử lý, tiếp nhận khoảng 30 xe vi phạm, chưa kể số xe tồn khó giải quyết; trong đó đa số là xe của người vi phạm ngại nhận lại vì có khi mức phạt tiền cao hơn giá trị xe nên bãi xe ngày càng quá tải.
Với xe không xác định được chủ sở hữu hoặc không muốn đến nhận, công an sẽ thanh lý nhưng quy trình, thủ tục thanh lý còn khá phức tạp.
Theo quy định, xe máy bị tạm giữ, trong 30 ngày người vi phạm không đến giải quyết, công an sẽ gửi giấy mời 3 lần lên làm việc. Sau thời gian này, lực lượng chức năng sẽ thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết thông tin rồi mới ra quyết định tịch thu, định giá, thanh lý. Tiếp theo, sẽ chuyển hồ sơ đến hội đồng thanh lý để trình UBND, rồi chuyển sang cơ quan tài chính để nơi này lập hội đồng định giá. Sau đó, hồ sơ được chuyển lại cho UBND, mời công ty đấu giá, thông báo bán đấu giá. Thủ tục thanh lý qua nhiều khâu nên việc giải quyết “hàng tồn” chưa được như mong muốn.
* Giải quyết thế nào cho thỏa đáng?
Một khi người vi phạm không muốn nhận lại xe, trong khi thủ tục thanh lý rườm rà nên xe khi đã đưa vào bãi, kho lâu ngày dồn lại dẫn đến quá tải. Việc bảo quản không cẩn thận có thể dẫn đến việc xe bị hư hỏng, xuống cấp.
Nhiều người cho rằng xe vi phạm giao thông là sai nên phải bị giữ. Tuy nhiên, việc tạm giữ xe để quản lý, bảo quản như thế nào không gây ra hư hỏng, lãng phí mới là điều quan trọng. Trong trường hợp, nhiều chủ xe sau thời gian dài bị giam xe đã chấp nhận đến đóng phạt để lấy tài sản về. Khi phát hiện xe của mình bị hỏng hóc, mất mát, không còn nguyên hiện trạng như trước đây… lại quay ra “bắt đền” công an.
Luật sư Lê Văn Nhân, Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh, cho rằng theo quy định của pháp luật, đây là điều hoàn toàn hợp lý. Về nguyên tắc, những chiếc xe này đã được cơ quan công an ra quyết định tạm giữ nên nó được xem như là một sự chuyển giao trách nhiệm trong việc bảo quản xe từ chủ sở hữu qua cơ quan công an một cách hợp pháp. Cơ quan công an có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu. Trường hợp tang vật, phương tiện bị đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện… thì người ra quyết định đó chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, nếu cơ quan công an đã ký hợp đồng về việc quản lý, bảo quản tang vật với doanh nghiệp, đơn vị khác thì người trực tiếp quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện phải chịu trách nhiệm.
Mới đây, vào ngày 8-4, bãi giữ xe máy vi phạm của Công an TP.Biên Hòa tại khu vực phường Tam Hòa xảy ra hỏa hoạn làm 320 xe máy bị thiêu rụi. Nhiều người băn khoăn ai sẽ bồi thường thiệt hại vụ xe vi phạm bị cháy?
Về vấn đề này, luật sư Nhân cho biết để có căn cứ yêu cầu bồi thường thiệt hại, chủ sở hữu phương tiện cần có biên bản tạm giữ xe vi phạm, tình trạng xe, đời xe để xác định giá trị tài sản bị thiệt hại. Nhưng trên thực tế, khi công an tạm giữ xe vi phạm thường không ghi vào biên bản hiện trạng xe khiến việc bồi thường sau này trở nên khó khăn.
“Theo Khoản 2, Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015, nếu cơ quan có thẩm quyền kết luận nguyên nhân gây cháy do sự kiện bất khả kháng thì nơi ra quyết định tạm giữ, tịch thu phương tiện không phải chịu trách nhiệm bồi thường. Trường hợp xác định việc gây cháy không phải do sự kiện bất khả kháng mà có hành vi phá hoại hoặc bất cẩn của cá nhân nào đó thì cơ quan ra quyết định tạm giữ phải bồi thường cho các chủ phương tiện, sau đó mới khởi kiện cá nhân gây cháy để yêu cầu đền bù thiệt hại” - luật sư Nhân phân tích.
Thanh Hải