Áp dụng cùng bộ luật để xử lý một hành vi phạm tội, nhưng có những vụ án lại có sự mâu thuẫn trong các đánh giá của điều tra viên và kiểm sát viên. Thậm chí, khi vụ án kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ truy tố sang tòa thì thẩm phán có cách nhìn khác về hành vi tội phạm của bị cáo.
Áp dụng cùng bộ luật để xử lý một hành vi phạm tội, nhưng có những vụ án lại có sự mâu thuẫn trong các đánh giá của điều tra viên và kiểm sát viên. Thậm chí, khi vụ án kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ truy tố sang tòa thì thẩm phán có cách nhìn khác về hành vi tội phạm của bị cáo.
Nhiều vụ án khi ra tòa đã bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Trong ảnh: Một vụ án chống người thi hành công vụ ở huyện Nhơn Trạch được tòa trả hồ sơ để điều tra lại. |
Công tác điều tra án lâu nay vẫn đang tồn tại một độ “vênh” khiến nhiều vụ phải trả hồ sơ điều tra bổ sung.
* Án trả hồ sơ còn nhiều
Theo thống kê của các cơ quan tố tụng, trong năm 2016, việc trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tố tụng tăng cao so với năm 2015. Cụ thể, Viện Kiểm sát trả hồ sơ cho cơ quan điều tra 19 vụ (tăng 12 vụ so với năm 2015); tòa trả hồ sơ để Viện Kiểm sát điều tra bổ sung 31 vụ (tăng 10 vụ). |
Báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cho thấy, tình trạng các vụ án được trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong những năm gần đây đang có chiều hướng gia tăng.
Mặc dù đã có quy chế phối hợp liên ngành trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nhằm hạn chế mức thấp nhất tỷ lệ án phải trả hồ sơ, nhưng các vụ án phải trả hồ sơ điều tra bổ sung vẫn chiếm tỷ lệ cao.
Nguyên nhân được xác định do diễn biến của các loại tội phạm ngày càng phức tạp, thủ đoạn gây án ngày càng tinh vi. Trong khi đó, quy định của pháp luật còn có nhiều cách hiểu khác nhau, dẫn đến việc đánh giá chứng cứ giữa các cơ quan tố tụng khác nhau.
Bên cạnh đó, việc quy định trách nhiệm và hình thức xử lý đối với điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán khi vụ án họ thụ lý phải trả hồ sơ chưa cụ thể, từ đó nhiều vụ án được trả hồ sơ điều tra bổ sung xuất phát từ đánh giá chủ quan của kiểm sát viên và thẩm phán.
Theo đánh giá của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, việc để án phải trả hồ sơ điều tra bổ sung như vậy trách nhiệm thuộc về điều tra viên và kiểm sát viên. Cụ thể, trong quá trình điều tra, điều tra viên và kiểm sát viên chưa nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án; kiểm sát viên không phát hiện những thiếu sót trong quá trình điều tra vụ án của điều tra viên. Đến khi vụ án kết thúc điều tra, cơ quan điều tra chuyển hồ sơ cho Viện Kiểm sát thụ lý mới phát hiện ra những thiếu sót và không thể khắc phục được, buộc phải trả hồ sơ để điều tra lại.
Tương tự, có những vụ án khi đã chuyển hồ sơ sang tòa để xét xử, trong lúc nghiên cứu hồ sơ thẩm phán phát hiện những thiếu sót trong quá trình thu thập chứng cứ hoặc vụ án có đồng phạm, bị can có hành vi phạm tội khác nên phải trả hồ sơ điều tra bổ sung. Việc án phải trả hồ sơ đang gây ra những ảnh hưởng nhất định đến hoạt động điều tra của cơ quan tố tụng.
* Đảm bảo hoạt động tố tụng
Phó chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Nguyễn Thành Sơn cho rằng, việc trả hồ sơ án để điều tra bổ sung trong quá trình tố tụng là bình thường. Nhưng khi hồ sơ được trả, Viện Kiểm sát hoặc cơ quan điều tra nhận lại hồ sơ đồng nghĩa với việc chấp nhận bị “điểm trừ”, tức là cơ quan đó thừa nhận có sai sót.
Trường hợp không trả hồ sơ, mà tòa án, Viện Kiểm sát tiếp tục thụ lý để truy tố, xét xử dẫn đến vi phạm tố tụng, oan sai lại càng nguy hiểm. Vì vậy, theo ông Sơn, để đảm bảo công tác điều tra, xét xử đúng pháp luật, việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung là việc quan trọng cần thực hiện; nhưng các cơ quan tố tụng không nên xem nặng việc bắt lỗi của điều tra viên và kiểm sát viên.
“Thời gian tới, Tòa án nhân dân tối cao sẽ ban hành quy chế xét xử và đặt ra trách nhiệm cụ thể cho từng thẩm phán nên chắc chắn các vụ án trả hồ sơ để điều tra lại sẽ còn tăng cao” - ông Sơn cho biết.
Về vấn đề trả hồ sơ án để điều tra bổ sung, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư cho rằng việc thực hiện quy chế phối hợp giữa các cơ quan tố tụng trong việc điều tra, kiểm sát, xét xử các vụ án thời gian qua rất tốt. Quy chế phối hợp giữa các ngành không phải bó buộc, làm khó việc thực hiện nhiệm vụ của mỗi ngành mà tạo thuận lợi để giải quyết công việc nhằm mục đích không làm oan hoặc bỏ lọt tội phạm.
Theo đồng chí Trần Văn Tư, việc trả hồ sơ là hoạt động bình thường, nhưng phải xử lý như thế nào cho bảo đảm việc điều tra, xử lý các vụ án là chuyện cần bàn. Đối với việc trả hồ sơ đúng hay sai, đồng chí Trần Văn Tư yêu cầu Ban Nội chính Tỉnh ủy có trách nhiệm xem xét, theo dõi để đánh giá. “Hồ sơ án trả nhiều, trả đúng thì phải trả, còn việc trả nhiều, trả không đúng phải xem xét lại” - đồng chí Trần Văn Tư nhấn mạnh.
Đồng chí Trần Văn Tư cho rằng để xảy ra những tồn tại đó là do nhận thức pháp luật của các cán bộ điều tra, kiểm sát viên và thẩm phán chưa thống nhất. “Liệu chuyện “vênh” nhau về quan điểm xử lý các vụ án có hay không tác động từ những yếu tố “ngoại cảnh?” - đồng chí Trần Văn Tư đặt câu hỏi, đồng thời đề nghị trong quá trình điều tra, các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán phải có sự gắn kết để làm rõ tội phạm theo đúng quy định của pháp luật. Cán bộ tham gia hoạt động tố tụng phải sử dụng trí tuệ, kỹ năng để làm rõ tội phạm.
Để làm được điều đó, công tác tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực cho đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên phải được thực hiện liên tục.
Trần Danh