"Cái nghèo về vật chất, sự khiếm khuyết về cơ thể, nhận thức xã hội hạn chế… dễ gây tâm lý mặc cảm, tự ti đối với người yếu thế (gồm các đối tượng: trẻ em, người nghèo, khuyết tật, dân tộc thiểu số…). Vì vậy, họ dễ bị tổn thương khi dính vào các vụ tranh chấp pháp lý với những người khá giả, khôn ngoan…"
Trợ giúp viên Lê Mai, Trưởng chi nhánh Trợ giúp pháp lý TX.Long Khánh, luôn trách nhiệm với công việc. |
“Cái nghèo về vật chất, sự khiếm khuyết về cơ thể, nhận thức xã hội hạn chế… dễ gây tâm lý mặc cảm, tự ti đối với người yếu thế (gồm các đối tượng: trẻ em, người nghèo, khuyết tật, dân tộc thiểu số…). Vì vậy, họ dễ bị tổn thương khi dính vào các vụ tranh chấp pháp lý với những người khá giả, khôn ngoan…” - trợ giúp viên Lê Mai, Trưởng chi nhánh Trợ giúp pháp lý TX.Long Khánh (thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh, Sở Tư pháp) bày tỏ.
* Nỗi sợ vô hình
Đang ngồi ghế nhà trường, em H. (dưới 18 tuổi, ngụ TX.Long Khánh) dính vào đường tình và có thai với N., một quý tử con nhà giàu có. Chuyện vỡ lở, gia đình N. bàn với gia đình H. tổ chức đám cưới. Cưới nhau được 2 tháng thì quý tử N. giở thói trăng hoa với các cô gái khác, bỏ cô vợ trẻ một mình nơi nhà trọ chờ sinh em bé.
Ngày H. sinh con, N. không đến thăm hỏi mà còn điện thoại chửi mắng H. nặng lời. Uất ức, H. viết đơn gửi Công an TX.Long Khánh tố cáo hành vi “giao cấu với trẻ em trái pháp luật” của N. đối với mình.
Vụ việc được Công an TX.Long Khánh thụ lý giải quyết và Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh cử trợ giúp viên Lê Mai hỗ trợ, nhưng H. lại rút đơn tố cáo việc N. giao cấu và làm em có thai.
Bất ngờ trước quyết định của H., trợ giúp viên Lê Mai hỏi lý do thì H. tâm sự trong nước mắt rằng, dù em được pháp luật bảo vệ nhưng liệu N. và gia đình anh ta có để cho em yên thân nuôi con. Vì nỗi sợ vô hình đó mà H. quyết định rút đơn tố cáo N.
Trường hợp của H. là một trong rất nhiều vụ trợ giúp viên Lê Mai nén lòng sẻ chia. Bà Lê Mai tâm sự, dù đau lòng trước sự thua thiệt của H., nhưng suy nghĩ kỹ bà thấy H. cũng có lý lẽ riêng. Dưới góc độ luật pháp, bà đủ cơ sở, chứng cứ để bảo vệ quyền lợi cho H., nhưng ở góc độ cuộc sống, bà không thể và không có cách bảo vệ, che chở cho H. trước nỗi sợ vô hình.
* Cảm thông
Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Nguyễn Minh cho hay công tác trợ giúp pháp lý cho các đối tượng yếu thế được đẩy mạnh công tác truyền thông, sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Sở Tư pháp và các cấp chính quyền. Bên cạnh đó, còn ghi nhận sự nỗ lực, trách nhiệm, uy tín của từng trợ giúp viên trong quá trình công tác. |
Năm 2016, Chi nhánh Trợ giúp pháp lý TX.Long Khánh thực hiện trợ giúp pháp lý theo Luật Trợ giúp pháp lý cho các đối tượng: trẻ em, hộ nghèo, dân tộc thiểu số, người có công, tàn tật… được 47 vụ việc. Với đối tượng được Luật Trợ giúp pháp lý điều chỉnh, trợ giúp viên Lê Mai tận tâm cùng họ đi tìm sự công bằng, bình đẳng về mặt pháp lý khi quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm hại. Bà còn làm “xe ôm” miễn phí cho những trường hợp khuyết tật, neo đơn trong quá trình giúp họ theo đuổi vụ kiện.
Bà Lê Mai cho hay ngoài đối tượng trợ giúp pháp lý theo luật, bà còn tư vấn, hỗ trợ pháp lý miễn phí trên 100 vụ việc cho người dân liên hệ với Chi nhánh Trợ giúp pháp lý TX.Long Khánh. Với đối tượng không thuộc phạm vi Luật Trợ giúp pháp lý điều chỉnh, bà vẫn tận tâm trợ giúp pháp lý miễn phí cho họ. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, bà chỉ được phép hỗ trợ pháp lý cho họ qua công tác tư vấn, hướng dẫn, thảo đơn, củng cố hồ sơ, chứng cứ. Tuy vậy, người dân vẫn tiết kiệm được từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng vì không phải nhờ luật sư thảo đơn, thuê người đánh máy.
Thời gian qua, các trường hợp: trẻ em, người nghèo, khuyết tật, người có công… tìm đến Chi nhánh Trợ giúp pháp lý TX.Long Khánh hỗ trợ không nhiều, nhất là trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng và ngoài tố tụng.
Giải thích về điều đó, bà Lê Mai phân tích, về mặt khách quan, các đối tượng yếu thế không có nhu cầu và đời sống vật chất, tinh thần ngày một nâng cao nên phạm vi đối tượng được thụ hưởng Luật Trợ giúp pháp lý giảm. Về mặt chủ quan, công tác trợ giúp pháp lý chưa được người dân biết đến nhiều, đối tượng được trợ giúp pháp lý chưa được mở rộng đến đối tượng, như: cận nghèo, sinh viên, công nhân, đồng bào dân tộc thiểu số vùng kinh tế phát triển… nên phần nào ảnh hưởng đến kết quả công tác và sự nhiệt huyết của các trợ giúp viên.
Thành Nhân