Báo Đồng Nai điện tử
En

Tai nạn giao thông còn phức tạp

10:03, 19/03/2017

Trong thời gian qua, sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, lực lượng chức năng và địa phương đã góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu những thương vong do tai nạn giao thông (TNGT) gây ra.

Trong thời gian qua, sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, lực lượng chức năng và địa phương đã góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu những thương vong do tai nạn giao thông (TNGT) gây ra.

Đến nay, mặc dù tai nạn đang dần được kiềm chế nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Hầm chui ngã tư Vũng Tàu đi vào hoạt động, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Trong ảnh: Xe đầu kéo chở container lật tại hầm chui hướng từ quốc lộ 51 về cầu Đồng Nai. Ảnh: T.HẢI
Hầm chui ngã tư Vũng Tàu đi vào hoạt động, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Trong ảnh: Xe đầu kéo chở container lật tại hầm chui hướng từ quốc lộ 51 về cầu Đồng Nai. Ảnh: T.HẢI

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông quý I và triển khai nhiệm vụ quý II-2017, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nhận định tình hình vẫn còn diễn biến phức tạp.

Trong 2 tháng đầu năm và những ngày đầu tháng 3-2017 liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng trên đường bộ, đường sắt; một số vụ cháy xe ô tô kinh doanh vận tải, gây thiệt hại về tài sản, gây bức xúc trong dư luận.

* “Luật hóa”… nếu tai nạn giao thông tăng cao

Theo đề xuất của nhiều địa phương, cần có sự điều chỉnh về quy định tốc độ di chuyển của người tham gia giao thông tại những vị trí là “điểm đen”, thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Không thể chung giới hạn tốc độ đối với tất cả các loại xe cùng di chuyển trên một tuyến đường.

Theo đó, cả nước xảy ra 12 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm 34 người chết, bị thương 30 người; 9 vụ tai nạn rất nghiêm trọng, làm chết 17 người, bị thương 62 người.

Mặc dù có 12 địa phương giảm trên 30% số người chết, thậm chí các tỉnh, như: Cao Bằng, Hà Giang, Cà Mau và Bắc Kạn giảm trên 50%, vẫn còn 26 địa phương có người chết do TNGT tăng cao.

Đặc biệt, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ TNGT tại những tuyến đường ngang dân sinh. Để giảm thiểu tai nạn, Phó thủ tướng yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát lại các đường ngang dân sinh giao cắt với đường sắt. Có biện pháp xóa bỏ càng sớm càng tốt đường ngang trái phép và cắt cử người gác chắn ở những vị trí phức tạp, đông người qua lại.

 “Tới đây sẽ “luật hóa” quy định trách nhiệm của lãnh đạo địa phương khi để TNGT tăng cao trên địa bàn” - Phó thủ tướng thường trực yêu cầu.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cũng cho rằng việc gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm, giữ gìn an toàn giao thông hoàn toàn phụ thuộc vào quyết tâm chính trị của lãnh đạo.

Theo đó, nơi nào mạnh, quyết liệt thì có chuyển biến; những nơi chưa quan tâm, thiếu quyết liệt sẽ dẫn đến tình trạng buông lỏng trong quản lý Nhà nước, cũng như trong thanh tra, tuần tra và kiểm soát về trật tự an toàn giao thông.

Ngoài ra, tình trạng “xe dù bến cóc” tăng mạnh, cạnh tranh bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh vận tải, hiện tượng xe quá tải xuất hiện trở lại ở một số địa phương. Khi nói tới xe “hổ vồ” (xe tải Howo nhập từ Trung Quốc) hay việc còn 10% xe quá tải chưa kiểm soát được, Bộ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Trương Quang Nghĩa đề xuất Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình có ý kiến cùng với Bộ Công an chỉ đạo, tổ chức lại lực lượng liên ngành xử lý xe quá tải.

“Thực sự, lực lượng liên ngành vừa qua làm việc rất hiệu quả, nhưng khi dừng lại thì các địa phương cũng chựng lại, dẫn tới việc kiểm soát tải trọng xe lúng túng, khó khăn” - ông Nghĩa nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Giao thông - vận tải cũng nhắc tới lực lượng đăng kiểm và cảnh sát giao thông khi đặt vấn đề phối hợp xử lý xe hết niên hạn. Với Cục Đăng kiểm, khi hết niên hạn đã gửi số liệu đầy đủ, nhưng dừng bắt các xe hết niên hạn mà vẫn lưu hành thì chỉ có thể là phía lực lượng công an. Vì vậy, ông Nghĩa đề nghị các địa phương cần chỉ đạo lực lượng này tham gia vào công tác kiểm soát, xử lý xe hết niên hạn.

* Đồng bộ thực hiện các giải pháp

Về nhiệm vụ trọng tâm trong quý II-2017 nhằm tiếp tục kéo giảm số vụ tai nạn, số người chết và bị thương do TNGT từ 5-10%, giảm ùn tắc giao thông, Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương trình Quốc hội ban hành Luật Đường sắt (sửa đổi); tổng kết và xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ, Luật Xử phạt vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật trong lĩnh vực này.

Tới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Sở Giao thông - vận tải sẽ bổ sung, hoàn thiện kịp thời việc làm gờ giảm tốc và cắm biển cảnh báo nguy hiểm trên tất cả các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ nhằm tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân.

Bên cạnh đó, cần đổi mới phương pháp, cách phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông; hoàn thiện chương trình đào tạo gắn liền giữa lý thuyết với thực hành về văn hóa giao thông; tổ chức tháng cao điểm toàn quốc về tuyên truyền vận động và giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.

Đối với vấn đề lập lại trật tự vỉa hè đang được dư luận quan tâm, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu phải thường xuyên thực hiện, không để tình trạng tái lấn chiếm sau khi lực lượng chức năng rời đi. Trong công tác xử lý vỉa hè phải gắn liền với việc sắp xếp lại cho người buôn gánh, bán bưng, người kinh doanh nhỏ để hài hòa lợi ích của người dân.

“Ưu tiên dành vỉa hè cho người đi bộ, đồng thời tổ chức sắp xếp hợp lý các hoạt động phi giao thông trên vỉa hè, lề đường, trả lại cảnh quan đô thị” - Phó thủ tướng thường trực khẳng định.

Thanh Hải

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích