Báo Đồng Nai điện tử
En

Phải mạnh tay với "cát tặc"

10:03, 10/03/2017

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ vào ngày 7-3, một vấn đề được Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nhắc đến là tình trạng khai thác cát trái phép khá "nóng" tại nhiều địa phương.

[links()]Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138) vào ngày 7-3, một trong những vấn đề được Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nhắc đến là tình trạng khai thác cát trái phép khá “nóng” tại nhiều địa phương.

Khai thác cát trên sông Đồng Nai thực hiện công khai.
Khai thác cát trên sông Đồng Nai thực hiện công khai.

Trong khoảng 20 địa phương được nhắc đến, tình hình khai thác cát trái phép ở Đồng Nai cũng diễn biến khá phức tạp.

* Khai thác cát trái phép diễn biến phức tạp

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, một số địa phương đã để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép gây bức xúc cho người dân. Đặc biệt, ở các địa phương có tuyến sông lớn (trong đó có sông Đồng Nai chảy qua các tỉnh, thành phía Nam), tình trạng khai thác cát càng phức tạp hơn.

“Thời gian qua, chúng tôi có nắm thông tin về các loại “tặc”, như: lâm tặc, vàng tặc, cát tặc…, gây bức xúc cho người dân. Vậy các địa phương này đánh giá như thế nào?” - Phó thủ tướng đặt câu hỏi tại cuộc họp.

Theo báo cáo của đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên - môi trường, hiện cả nước có khoảng 20 địa phương xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép. Các đối tượng “cát tặc” sử dụng phương tiện tàu, ghe với công suất lớn khai thác cát, sỏi một cách công khai, gây bức xúc cho người dân.

Trong đó, hệ thống sông Đồng Nai đoạn chảy qua các tỉnh, thành: Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh…, tình trạng khai thác cát trái phép diễn biến rất phức tạp. Lực lượng chức năng của các địa phương này đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn giải pháp xử lý nhưng vẫn chưa có hiệu quả, tình trạng “cát tặc” hoạt động diễn ra ngày một nhiều.

Việc khai thác cát trái phép không chỉ gây ô nhiễm môi trường, gây sạt lở đất ruộng ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, mà còn gây thất thoát tài nguyên đất nước, gây mất an ninh trật tự tại các địa phương.

Một ghe cát bị Công an TP.Biên Hòa bắt vào ngày 23-2
Một ghe cát bị Công an TP.Biên Hòa bắt vào ngày 23-2

Tại cuộc họp, đại diện một số bộ, ngành, địa phương cho rằng để xảy ra tình trạng nêu trên một phần do sự buông lỏng quản lý của chính quyền cơ sở. Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong kiểm tra, phát hiện và xử lý chưa chặt chẽ; có nơi có tình trạng cán bộ địa phương làm ngơ cho “cát tặc” hoạt động.

Trước đó, tại cuộc họp với các cơ quan chức năng của tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho rằng biện pháp chế tài đối với các đối tượng khai thác cát trái phép hiện chưa đủ mạnh, gây khó khăn cho lực lượng chức năng.

Trong khi đó, các đối tượng khai thác cát trái phép thường hoạt động từ 23 giờ trở về sáng; nhiều trường hợp bị phát hiện còn chống trả lực lượng chức năng, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý.

Theo ông Võ Văn Chánh, để xử lý có hiệu quả nạn khai thác cát trái phép phải có biện pháp mạnh là xử lý hình sự.

* Mở cao điểm tấn công “cát tặc”

Theo lãnh đạo Bộ Tài nguyên - môi trường, để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép một phần là do các cơ quan chức năng chưa kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác cát của các đơn vị được cấp phép.

Để khắc phục tình trạng này, lực lượng nòng cốt là công an phải thực hiện nghiêm việc kiểm tra, xử lý các đối tượng khai thác cát trái phép; với những dự án nạo vét luồng, lạch được cấp phép thì phải công khai để người dân biết mà giám sát, theo dõi.

Về vấn đề này, Phó thủ tướng đánh giá: “Chúng ta có thể thấy hoạt động khai thác cát trái phép ở một số địa phương diễn ra công khai, giữa ban ngày. Việc khai thác cát không chỉ ngày một ngày hai, mà liên tục nhưng không bị xử lý. Để xảy ra tình trạng đó có thể là do sự buông lỏng của chính quyền địa phương, thậm chí cán bộ địa phương bao che, bảo kê cho “cát tặc” hoạt động. Các cơ quan chức năng cần phải đánh giá đúng và nhìn nhận rõ vấn đề để có biện pháp xử lý”.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh, thành tập trung rà soát, đánh giá việc khai thác cát, sỏi, tình trạng nạo vét các tuyến sông thuộc địa phương mình quản lý. Người đứng đầu địa phương phải nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc quản lý; nơi nào để xảy ra sai phạm thì trách nhiệm thuộc về người đứng đầu địa phương đó.

Trước mắt, Bộ Công an mở cao điểm đấu tranh chống “cát tặc” bắt đầu từ ngày 15-3 đến ngày 1-6. Lực lượng công an phải lập chuyên án để đấu tranh, xử lý. Đối với những vụ án trọng điểm, công an phải củng cố hồ sơ, xem xét khởi tố để răn đe, phòng ngừa chung. Ngoài ra, Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu biện pháp xử lý đủ sức răn đe đối với các trường hợp xử lý hành chính.

Danh Trường

Tin xem nhiều