Năm 2016, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước (TGPLNN) tỉnh và các chi nhánh đã trợ giúp pháp lý cho 1.346 đối tượng, trong đó trợ giúp pháp lý trong và ngoài tố tụng trên 57 trường hợp.
Năm 2016, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước (TGPLNN) tỉnh và các chi nhánh đã trợ giúp pháp lý cho 1.346 đối tượng, trong đó trợ giúp pháp lý trong và ngoài tố tụng trên 57 trường hợp.
Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Nguyễn Minh (phải) ân cần thăm hỏi người được trợ giúp pháp lý. |
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, các trợ giúp viên luôn đồng hành với đối tượng được trợ giúp pháp lý trong suốt quá trình tìm kiếm chân lý.
* Chuyện cái hộ khẩu
Nhờ sự hỗ trợ pháp lý của trung tâm, bà Nguyễn Thị Châu (59 tuổi, ngụ ấp 1, xã An Hòa, TP.Biên Hòa) được Công an xã An Hòa nhập tên vào hộ khẩu của con gái.
Bà Châu cho biết, 26 năm trước bà theo chồng về xã An Hòa sinh sống nhưng không được gia đình nhà chồng cho nhập tên vào hộ khẩu. Sau khi ly hôn, bà và cô con gái Nguyễn Thị Ngọc Vương sống lay lắt tại các khu nhà trọ ở xã An Hòa. Năm 2008, địa phương cấp cho mẹ con bà Châu một căn nhà tình thương, đồng thời cấp hộ khẩu cho con gái bà ở căn nhà số 270B, tổ 6, khu 2, ấp 1, xã An Hòa. Vì không có tên trong hộ khẩu của con gái, bà Châu khiếu nại nhiều lần nhưng không được giải quyết.
Tháng 12-2016, bà Châu tìm đến Trung tâm TGPLNN tỉnh nhờ hỗ trợ và chỉ trong hơn 2 tháng, tên của bà được ghi vào hộ khẩu của con. Bà Châu vui mừng cho biết được nhập hộ khẩu, bà tiếp tục làm giấy chứng minh nhân dân và được hưởng các chế độ thuộc diện đối tượng người khuyết tật.
Cũng khổ tâm vì hộ khẩu là trường hợp ông Khuất Văn Hải (ngụ xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu). Dù chung sống cùng vợ đã hơn 20 năm và có 3 mặt con, nhưng ông Hải vẫn chưa có tên trong sổ hộ khẩu của vợ và các con.
Bà Nguyễn Thị Liêm (vợ ông Hải) cho biết bà đã nhiều lần ra xã xin nhập hộ khẩu cho chồng, nhưng đều bị từ chối vì lý do ông Hải bị bệnh tâm thần, không xác định được hộ khẩu gốc trước đó và những nơi ông từng cư trú với mẹ ruột. Sau khi nhờ trợ giúp viên Hoàng Tất Được (Trưởng chi nhánh Trợ giúp pháp lý huyện Vĩnh Cửu) hỗ trợ liên tục trong một năm, ông Hải mới có tên trong hộ khẩu gia đình.
* Chỗ dựa cho người yếu thế
Ông Hoàng Tất Được cho biết phần lớn đối tượng tìm đến ông nhờ hỗ trợ pháp lý thường mang tâm lý tự ti, mặc cảm. Vì vậy, ông luôn động viên, lắng nghe hết những tâm sự, gút mắc trong lòng họ. Từ đó, họ mới vững tin vào chân lý, trình bày cặn kẽ sự việc, cung cấp đầy đủ chứng cứ cho trợ giúp viên. Khi nắm bắt được sự việc và các chứng cứ do đối tượng cung cấp, trợ giúp viên có những bước hỗ trợ, kiến nghị, đề xuất phù hợp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ.
Ông Nguyễn Minh, Giám đốc Trung tâm TGPLNN tỉnh, cho biết trong năm 2016 trung tâm và các chi nhánh đã trợ giúp pháp lý cho 1.346 đối tượng. Theo ông Minh, khi tiếp xúc với các đối tượng yếu thế, trợ giúp viên thường tư vấn, định hướng cho họ những vấn đề pháp luật có liên quan đến vụ việc pháp lý. Sau đó, tùy theo nhu cầu của đối tượng mà hướng dẫn khởi kiện và hỗ trợ đến khi sự việc kết thúc. Để tăng cường đưa pháp luật đến với những đối tượng yếu thế, trung tâm và các chi nhánh tiếp tục xây dựng mạng lưới cộng tác viên nhằm thu hút cán bộ, công chức, người có kiến thức về pháp luật, luật sư, luật gia tham gia.
Còn trợ giúp viên Lê Minh Tuấn (Trung tâm TGPLNN tỉnh) bày tỏ kinh nghiệm của bản thân, người tư vấn pháp lý ngoài kiến thức pháp luật và kinh nghiệm cần có lòng nhiệt tình, trách nhiệm. Quá trình tư vấn, tham gia bảo vệ quyền lợi cho người yếu thế trong hoạt động tố tụng, tư vấn viên phải thể hiện tính khách quan, trung thực trong chuyên môn và tránh thái độ cửa quyền, ban phát, hời hợt khi làm nhiệm vụ. “Có như vậy, hoạt động tư vấn pháp lý của trung tâm sẽ tác động rất lớn đến nhận thức pháp luật của người dân. Người yếu thế thật sự vững tin khi đến đây nhờ hỗ trợ” - ông Tuấn nói.
Thời gian qua, Trung tâm TGPLNN tỉnh và các chi nhánh đã tăng cường truyền thông, giới thiệu về công việc của mình để các đối tượng thụ hưởng chính sách trợ giúp pháp lý tìm đến ngày một nhiều hơn; đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ, giới thiệu của các cơ quan tố tụng, địa phương trong việc giới thiệu đối tượng được thụ hưởng trợ giúp pháp lý đến trung tâm và các chi nhánh hỗ trợ họ. Tuy vậy, thực tế đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý tìm đến và được giới thiệu đến địa chỉ trung tâm và các chi nhánh vẫn còn ít so với nhu cầu thực sự.
“Việc các đối tượng yếu thế chưa nắm bắt kịp thời và hiểu rõ mình được hưởng quyền trợ giúp pháp lý miễn phí là một thiệt thòi lớn cho họ. Về phía Trung tâm TGPLNN tỉnh và các chi nhánh, đó cũng là trách nhiệm của đơn vị với đối tượng được trợ giúp, nhiệm vụ được cấp trên giao” - ông Nguyễn Minh nhấn mạnh.
Đoàn Phú