Nếu như việc mang hành lý, hàng hóa của hành khách đi máy bay được kiểm soát nghiêm ngặt thì với xe khách hầu như không gặp trở ngại nào từ phía nhà xe và của cả cơ quan chức năng.
Nếu như việc mang hành lý, hàng hóa của hành khách đi máy bay được kiểm soát nghiêm ngặt thì với xe khách hầu như không gặp trở ngại nào từ phía nhà xe và của cả cơ quan chức năng. Việc chở hàng trên xe dẫn đến nguyên nhân gây cháy, nổ, mất an toàn giao thông trong vận chuyển hành khách dịp Tết Nguyên đán vì thế càng tăng lên.
Xe máy được chất vào khoang hành lý của một xe khách trên quốc lộ 1 (đoạn qua phường Long Bình, TP.Biên Hòa), có thể dẫn đến cháy, nổ. Ảnh: T.HẢI |
* “Gom” hàng để tăng lợi nhuận
Dịp cuối năm, nhu cầu đi lại lớn là cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải. Nhiều nhà xe vì lợi nhuận đã chấp nhận chở hàng không rõ chủng loại, không rõ nguồn gốc trên xe. Với những mặt hàng, như: xe máy, đồ điện tử, gỗ…, được coi là dễ bắt lửa và phát nổ nhưng vẫn được vận chuyển một cách dễ dàng mà không gặp bất cứ khó khăn nào.
Đại diện một bến xe cho rằng, càng cận tết thì lượng khách đi xe càng tăng cao. Nhiều trường hợp lái xe nhận chở hàng bên ngoài bến khi đón khách dọc đường để kiếm thêm lợi nhuận. Vì vậy, việc kiểm soát hàng hóa để đảm bảo an toàn cháy, nổ càng thêm khó khăn. |
Tại Bến xe khách Đồng Nai và nhiều điểm đón khách nằm dọc quốc lộ 1, đoạn qua TP.Biên Hòa và khu vực lân cận, vào những ngày cận tết có thể thấy xe khách loại 30-45 chỗ đi các tỉnh miền Bắc, miền Trung…, ngoài việc đón khách cũng tích cực “gom” hàng nhằm tăng thêm phần lợi nhuận. Đa số đều là hàng ký gửi hoặc theo khách đi cùng chuyến. Nhiều xe chất hàng dưới gầm xe không đủ, còn tháo cả hàng ghế sau trên xe để chứa hàng.
Không chỉ xe khách đi các tỉnh xa, mà cả xe buýt cũng có dịch vụ vận chuyển hàng hóa cho hành khách. Các nhà xe ít từ chối các loại hàng hóa, miễn là giá cả hợp lý. Một phụ xe cho hay thời điểm lượng khách đi lại nhiều, các nhà xe chỉ nhận những loại hàng tốn cước phí cao, còn những lúc ít khách thì hàng nào cũng lấy với hy vọng bù lại khoản chi phí nhiên liệu.
Theo ghi nhận của phóng viên, hàng hóa được bọc kín trong các thùng cạc-tông và buộc nhiều lớp rất chắc chắn. Dù không biết chứa gì bên trong, nhưng nhiều nhà xe đã đồng ý vận chuyển khi khách đặt vấn đề. Không cần kiểm tra, cả phụ xe và lái xe sẽ tiến hành chuyển các thùng hàng lên xe, đánh số thứ tự và ghi lại số điện thoại người gửi, người nhận.
Tại khu vực đón khách trên quốc lộ 1, đoạn qua phường Long Bình (TP.Biên Hòa), xe khách M.L đi TP.Hà Nội dừng đón khách khá lâu. Thấy ít khách, nhà xe chuyển sang nhận chở hàng thuê. Khi một người hỏi cước phí vận chuyển cả người và xe máy về tỉnh Nghệ An thì phụ xe cho biết giá 1,7 triệu đồng. Người này nói không đủ tiền, phụ xe bớt 100 ngàn đồng rồi thuyết phục giá này bao luôn 3 bữa ăn. Khách vẫn không đồng ý nên hai bên ngã giá một hồi rồi thỏa thuận giá 1,5 triệu đồng.
Để kiểm tra hầm xe còn chỗ trống hay không, phụ xe mở các cửa chứa khoang hàng khác, nhưng đa số đều đã chật kín. Cuối cùng, chiếc xe máy được tháo bánh trước để đưa vào gầm xe cho tiện, vì bên trong đã có 3 chiếc khác chiếm gần hết diện tích. Điều đáng nói là xăng trong xe máy chẳng được hút ra, bugi không được tháo rời mà vẫn để nguyên. Với số lượng hàng hóa và thời gian vận hành liên tục, rất dễ dẫn đến các sự cố chập điện, rò rỉ xăng dầu gây nguy cơ cháy, nổ.
* Kiểm soát chở hàng theo xe còn bỏ ngõ
Hiện nay, kích thước khoang chứa hàng trên xe khách được cải tiến với diện tích khá lớn. Vì vậy, ngoài chở người thì việc vận chuyển thêm hàng hóa sẽ mang về lợi nhuận cao cho nhà xe. Theo tìm hiểu của phóng viên, giá cước chở hàng của xe khách thường rẻ hơn 30-50% so với việc vận chuyển bằng xe tải, máy bay. Đa số người dân chọn mang hàng hóa gửi theo xe vì không có sự ràng buộc và kiểm soát, miễn sao giá cả hợp lý.
Việc chở hàng hóa trên xe khách tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Chẳng hạn, nếu nhà xe chất quá nhiều hàng sẽ dẫn đến mất cân bằng, rất dễ lật xe khi qua các khúc cua, đường đèo. Đặc biệt, đối với những xe chở hàng dễ cháy, nổ thì nguy cơ mất an toàn của hành khách ngồi trên xe rất cao. Chưa kể, việc chuyển hàng qua xe còn gây phiền phức cho nhiều người đi cùng.
Việc không kiểm tra hàng gửi trước khi nhận là vấn đề cần được các nhà xe cân nhắc, bởi trên thực tế đã có không ít vụ việc đáng tiếc xảy ra, như khi phương tiện đang di chuyển rồi tự bốc cháy gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Cùng với đó, việc nhận hàng gửi của các nhà xe quá dễ dãi cũng tạo cơ hội cho các đối tượng xấu lợi dụng, thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong việc vận chuyển hàng cấm, hàng lậu.
Phó giám đốc Sở Giao thông - vận tải Trần Văn Quan cho biết, theo quy định khi xe đăng ký hoạt động tại bến thì lái xe và phụ xe phải chịu trách nhiệm về số hàng hóa trên xe, còn xe lưu thông trên đường thì nhiệm vụ kiểm tra thuộc về lực lượng tuần tra, kiểm soát. Khi xe khách vận chuyển thêm hàng hóa như xe máy thì phải xả hết xăng để ngăn chặn việc chập điện, tràn xăng gây cháy, nổ.
Lâu nay, việc kiểm soát hàng hóa trên xe khách ít được thực hiện, lực lượng thanh tra giao thông chủ yếu kiểm tra chở số lượng khách theo đúng quy định. Thời gian tới, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm phục vụ vận chuyển hành khách dịp Tết Nguyên đán, Sở sẽ yêu cầu các đơn vị vận tải, bến xe thực hiện việc chở hàng hóa đúng quy định, không chở quá tải, nghiêm cấm chở hàng cấm, chất dễ cháy, nổ…
“Việc kiểm tra sẽ tập trung từ ngày 20 tháng Chạp đến ngày 10 tháng Giêng âm lịch. Lực lượng thanh tra giao thông sẽ phối hợp với cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự trực chốt tại các vị trí đón trả khách theo đúng quy định trên các quốc lộ, nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông và nhu cầu đi lại của người dân” - ông Trần Văn Quan khẳng định.
Thanh Hải