Báo Đồng Nai điện tử
En

Bộ luật Dân sự năm 2015: Khẳng định "quyền dân sự"

10:11, 09/11/2016

Quyền sở hữu bao gồm các quyền: chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật.

Quyền sở hữu bao gồm các quyền: chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật. Quyền khác đối với tài sản là quyền của chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác. Quyền khác đối với tài sản bao gồm các quyền: hưởng dụng, bề mặt và quyền đối với bất động sản liền kề.

Luật sư Phạm Tiến Dũng, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, phát biểu tại tọa đàm.
Luật sư Phạm Tiến Dũng, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, phát biểu tại tọa đàm.

Vấn đề trên được các đại biểu tranh luận sôi nổi tại buổi tọa đàm về “Xác lập quyền dân sự, quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản” theo Bộ luật Dân sự năm 2015, do Sở Tư pháp và Công đoàn viên chức tỉnh phối hợp tổ chức nhân Ngày Pháp luật Việt Nam 9-11.

Bộ luật Dân sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2017) có nhiều điểm sửa đổi, bổ sung quan trọng so với Bộ luật Dân sự năm 2005. Một trong những điểm bổ sung được chú ý nằm trong chương Quyền sở hữu. Ngoài quyền sở hữu với tài sản, bộ luật còn bổ sung quy định về quyền khác của cá nhân, pháp nhân đối với tài sản.

Nhiều vấn đề đặt ra

Mở đầu buổi tọa đàm, luật sư Phạm Tiến Dũng, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, đặt vấn đề: “Có mâu thuẫn không khi Bộ luật Dân sự năm 2015 đồng thời sửa đổi, bổ sung thêm các quy định về quyền sở hữu, bảo vệ quyền sở hữu, lại còn có các quy định giới hạn quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản? Có thể nói, đây là một trong những điểm mới và nổi bật được Bộ luật Dân sự năm 2015 ghi nhận. Luật không chỉ xác định rõ nghĩa vụ của chủ sở hữu mà còn đối với chủ thể có quyền khác đối với tài sản (quyền của người không phải là chủ sở hữu tài sản), tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và thuận lợi cho việc khai thác, sử dụng một cách tiết kiệm, hiệu quả các tài sản và nguồn tài nguyên thiên nhiên khác của chủ sở hữu”.

Theo luật sư Dũng, giới hạn quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 bao gồm: quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản trong trường hợp xảy ra tình thế cấp thiết (Điều 171); nghĩa vụ bảo vệ môi trường; nghĩa vụ tôn trọng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; nghĩa vụ tôn trọng quy tắc xây dựng… Luật quy định các giới hạn đó là nhân văn, bảo vệ quyền và lợi ích chung của cộng đồng, xã hội song song với bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản của cá nhân, pháp nhân.

Dưới góc độ của cơ quan công tố, kiểm sát viên Mai Văn Sinh (Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh) cho hay, nguyên tắc xác lập, thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản theo Điều 160 Bộ luật Dân sự 2015 như sau: “Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản được xác lập, thực hiện trong trường hợp bộ luật này, luật khác có liên quan quy định. Quyền khác đối với tài sản vẫn có hiệu lực trong trường hợp quyền sở hữu được chuyển giao, trừ trường hợp luật này và luật khác có liên quan quy định khác. Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản nhưng không được trái với quy định của luật, gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng và lợi ích hợp pháp của người khác.

Ông Phạm Văn Hùng, Phó chủ tịch Hội Công chứng viên tỉnh, nêu vấn đề: “Thực tiễn vẫn tồn tại 2 khái niệm về hộ gia đình trong quan hệ dân sự và hộ gia đình trong đăng ký hộ khẩu”.

Theo ông Hùng, hộ gia đình trong Bộ luật Dân sự năm 2015 không được xem là một chủ thể trong quan hệ dân sự (do không có tư cách pháp nhân). Vì vậy, khi tham gia các giao dịch dân sự, hộ gia đình muốn thực hiện quyền xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự phải thông qua người đại diện. Do đó, vấn đề liên quan đến tài sản (chủ yếu là quyền sử dụng đất) của hộ gia đình luôn là vấn đề phức tạp trong việc xác định quyền tài sản của cá nhân, của vợ chồng, hoặc của các thành viên của hộ khi công chứng.

Trách nhiệm của tòa án

Thẩm phán Nguyễn Thị Hồng Tuyến, Chánh tòa Dân sự Tòa án nhân dân tỉnh, cho rằng Bộ luật Dân sự năm 2015 đã cụ thể hóa các quy định, nguyên tắc của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân; các quyền này chính là quyền dân sự. Bộ luật Dân sự, các văn bản pháp luật nước ta không đưa ra định nghĩa quyền dân sự nhưng trên cơ sở các điều luật, các quy định của pháp luật có thể hiểu: “Quyền dân sự bao gồm các quyền về nhân thân và quyền tài sản”. Quyền tài sản theo Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định gồm có: quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản (quyền đối với bất động sản, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt).

Theo thẩm phán Hồng Tuyến, luật đã quy định, tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng. Theo quy định tại Điều 5 và 6 Bộ luật Dân sự năm 2015, trường hợp chưa có điều luật để áp dụng thì áp dụng tập quán, áp dụng tương tự pháp luật hoặc án lệ, lẽ công bằng.

Như vậy, nhiệm vụ của tòa án là phải bảo vệ quyền dân sự của các cá nhân, pháp nhân khi có yêu cầu và tòa án được xem là công cụ hữu hiệu để các cá nhân, pháp nhân khi có yêu cầu bảo vệ quyền dân sự của mình. Trách nhiệm của tòa án trong việc bảo vệ quyền dân sự được quy định cụ thể bằng nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. “Tòa án phải tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự; phải bảo đảm cho đương sự thực hiện quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ; có trách nhiệm tạo điều kiện để đương sự cung cấp chứng cứ và chứng minh; có trách nhiệm tiến hành hòa giải và phải tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về giải quyết vụ việc dân sự” - thẩm phán Hồng Tuyến nhấn mạnh.

Giám đốc Sở Tư pháp Viên Hồng Tiến (chủ trì buổi tọa đàm) cho biết Bộ luật Dân sự năm 2015 có nhiều đổi mới về nhận thức, tư duy pháp lý trong việc hoàn thiện cơ chế điều chỉnh quan hệ dân sự… Bộ luật Dân sự năm 2015 bảo vệ quyền dân sự về nhân thân, tài sản của cá nhân, pháp nhân; có ý nghĩa to lớn không chỉ về mặt bảo đảm quyền con người, quyền công dân, phát triển kinh tế - xã hội, mà cả về mặt xây dựng, hoàn thiện pháp luật.

Đoàn Phú

 

 

Tin xem nhiều