Hôn nhân là sự tự nguyện của nam và nữ. Quá trình chung sống, nhiều chị em phụ nữ không còn cảm thấy hạnh phúc với người bạn đời nên muốn ly hôn.
Hôn nhân là sự tự nguyện của nam và nữ. Quá trình chung sống, nhiều chị em phụ nữ không còn cảm thấy hạnh phúc với người bạn đời nên muốn ly hôn. Nhưng trên thực tế, vẫn còn nhiều trường hợp tình trạng hôn nhân đứng trước bờ vực thẳm, nhiều chị em vẫn không dám ly hôn vì sợ dư luận xã hội, hoặc do thiếu hiểu biết về pháp luật.
“Thuyền theo lái, gái theo chồng”
Khoản 1, Điều 85 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:“Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu tòa án giải quyết việc ly hôn”. Theo quy định của pháp luật, nếu vợ hoặc chồng không đồng ý ký vào đơn ly hôn thì bên còn lại có thể làm đơn ly hôn theo yêu cầu của một bên. Về thủ tục đơn phương ly hôn được nộp tại tòa án, gồm: đơn xin ly hôn; bản sao giấy khai sinh của con (nếu có); bản sao giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu của vợ và chồng; bản chính giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (trường hợp không có bản chính giấy chứng nhận đăng ký kết hôn phải xin xác nhận của UBND cấp xã nơi đã đăng ký kết hôn); các giấy tờ chứng minh về tài sản (nếu có). |
Đã 2 lần bị chồng đánh gãy tay, nhưng chị C. (ngụ huyện Định Quán) vẫn được cán bộ phụ nữ ấp hòa giải để rút đơn ly hôn. Chị C. mang cánh tay gãy trình bày với các chuyên gia pháp luật của Hội Luật gia tỉnh rằng, anh K. chồng chị rất lười biếng và nát rượu. Khi rượu vào, anh thường đánh vợ, chửi con. Anh K. đánh gãy tay chị lần thứ nhất, rồi lần thứ 2 vẫn được cán bộ phụ nữ ấp hòa giải để rút đơn ly hôn. Chị C. trình bày, chị được cán bộ phụ nữ thuyết phục rằng phụ nữ Việt Nam vốn giỏi chịu đựng và “thuyền theo lái, gái theo chồng”, chị không biết họ giải thích như vậy đúng hay sai.
Luật sư Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, cho hay qua tiếp xúc với chị C., ông rất bức xúc và đã hướng dẫn chị làm đơn gửi tòa án yêu cầu giải quyết cho chị được ly hôn với anh K. Ở thế kỷ 21 rồi mà vẫn còn quan niệm “thuyền theo lái, gái theo chồng” khi bị chồng đánh gãy 2 tay như trường hợp của chị C. là quá lạc hậu, ấu trĩ. Điều này không bảo vệ được hạnh phúc gia đình cho chị, mà còn để chị sống trong cảnh bị chồng bạo hành.
Câu chuyện của chị A. (tạm trú ở phường Long Bình, TP.Biên Hòa) cũng đáng để mọi người suy nghĩ. Chị A. mồ côi cha mẹ khi còn nhỏ. Lấy chồng, chị không phải làm dâu, nhưng lại chịu đựng người chồng gia trưởng như anh M.
Anh M. “giao kèo” với chị rất rạch ròi trong việc chi tiêu gia đình. Cụ thể, lương tháng của chị phải dùng vào việc chi tiêu trong gia đình, còn lương của anh không phải đưa cho vợ, chỉ dùng chi tiêu vào những việc lớn, như: mua sắm các vật dụng giá trị trong nhà... Trong tháng, nếu lương của chị bị thiếu hụt vì con bị bệnh thì chị phải có trách nhiệm vay mượn bên ngoài để bù vào số tiền bị thâm hụt và tự chịu trách nhiệm trả nợ. Nhiều lần bí bách, chị A. hỏi tiền chồng thì bị chồng đánh, la mắng.
Quyền đơn phương ly hôn
Theo luật sư Nguyễn Đức, vợ hoặc chồng có quyền đơn phương ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ (chồng) có hành vi bạo lực gia đình, hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của chồng (vợ) làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định rõ, chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp người vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, trường hợp của chị C., chị A. có quyền đơn phương gửi đơn ra tòa yêu cầu giải quyết ly hôn khi cảm thấy hạnh phúc gia đình không thể duy trì được. Tuy nhiên, việc tòa giải quyết cho các chị ly hôn hay không phải dựa vào những chứng cứ chứng minh việc họ bị bạo hành (về tinh thần, thể xác).
Luật sư Nguyễn Đức giải thích thêm, khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại tòa án không thành thì tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng (vợ) có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ (chồng) làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Điều 52 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 khuyến khích hòa giải ở cơ sở như sau: “Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở”.
Theo tinh thần của điều luật này, vấn đề hòa giải cơ sở liên quan đến hôn nhân và gia đình của ấp, xã nhằm gắn kết các cặp gia đình khi mâu thuẫn nhỏ và mâu thuẫn vợ chồng chưa đến mức nghiêm trọng dẫn đến phải ly hôn. Pháp luật cũng không bắt buộc (quy định) muốn ly hôn phải trải qua trình tự hòa giải tại ấp (xã), nhưng trong thực tế vẫn còn nhiều nơi, nhiều người chưa nắm bắt đúng tinh thần của pháp luật, hòa giải theo tư tưởng “thuyền theo lái, gái theo chồng”, không nhìn thấy quyền của người phụ nữ bị xâm hại nghiêm trọng để bảo vệ.
Đoàn Phú