Báo Đồng Nai điện tử
En

Lừa đảo "chạy" việc

06:08, 16/08/2016

Viện Kiểm sát nhân dân TP.Biên Hòa vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Thị Ngọc Quyên (45 tuổi, ngụ phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Viện Kiểm sát nhân dân TP.Biên Hòa vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Thị Ngọc Quyên (45 tuổi, ngụ phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hứa hẹn xin việc để lừa đảo

Theo kết quả điều tra, dù không có khả năng xin việc cho người khác, nhưng vào tháng 10-2014, Quyên đã hứa xin cho anh Trương Thành Long (47 tuổi, ngụ phường Thống Nhất) vào làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước. Quyên còn kêu anh Long tìm người có nhu cầu xin việc làm để nhận hồ sơ, tiền “chạy” việc để chuyển cho Quyên và Quyên sẽ trích hoa hồng cho anh Long.

Tưởng lời hứa hẹn của Quyên là thật, anh Long đã kể cho chị Hồ Thị Bạch Vân (34 tuổi, ngụ xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) biết. Chị Vân lại nói cho đồng nghiệp Hoàng Minh Huề (61 tuổi, ngụ phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) biết về “đường dây xin vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước” để ông Huề xem ai có nhu cầu xin việc thì gửi hồ sơ cho Vân.

Sau đó, ông Huề nói với anh Đ.H.T. (26 tuổi, ngụ xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu) rằng có người quen có thể xin việc ở cơ quan Nhà nước và anh T. đã nhờ ông Huề xin vào làm việc tại Ngân hàng Nông nghiệp - phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh Đồng Nai (gọi tắt Agribank Đồng Nai).

Khi thông tin anh T. muốn xin vào làm việc tại Agribank Đồng Nai đến tai Quyên, Quyên đã đòi tiền “chạy” việc 80 triệu đồng, nhưng anh Long và chị Vân đã nói với ông Huề tiền “chạy” việc đến 120 triệu đồng. Vì muốn xin được việc làm, anh T. đã đồng ý và đưa trước cho ông Huề 40 triệu đồng.

Nhận 40 triệu đồng ông Huề đưa, anh Long giữ lại 10 triệu đồng và đưa cho Quyên 30 triệu đồng.

Sa lưới pháp luật

Sau khi nhận tiền, Quyên không gửi hồ xin việc, mà để tạo niềm tin cho anh T., vào ngày 25-11-2014, Quyên giả vờ đưa anh T. đến trụ sở Agribank Đồng Nai ở TP.Biên Hòa “để gặp phó giám đốc ngân hàng xin việc”. Nhưng khi đến ngân hàng, Quyên chỉ để anh T. ngồi ở ghế chờ, chứ chưa gặp được lãnh đạo ngân hàng. Sau đó, Quyên đến Sở Lao động - thương binh và xã hội xin mẫu hợp đồng lao động, rồi quay lại ngân hàng nói dối với anh T. đã được Agribank Đồng Nai nhận vào làm việc. Quyên đưa mẫu hợp đồng và hướng dẫn anh T. điền các thông tin trong hợp đồng lao động.

Tưởng anh T. đã xin được việc làm, anh Long yêu cầu ông Huề đưa hết 80 triệu đồng còn lại theo thỏa thuận và ngày 27-11-2014 anh T. đã đưa cho ông Huề. Với số tiền này, ông Huề giữ lại 1 triệu đồng, chị Vân giữ lại 10,5 triệu đồng, anh Long giữ lại 23,5 triệu đồng, còn lại 45 triệu đồng đưa cho Quyên.

Sau một thời gian dài không thấy ngân hàng gọi đi làm, anh T. đã nhiều lần liên lạc với Quyên để hỏi thì Quyên nhắn tin, gọi điện thoại hẹn anh đến ngân hàng nhận quyết định tuyển dụng. Tuy nhiên, mỗi lần đến lịch hẹn thì Quyên viện cớ bận việc và cứ hẹn tới hẹn lui nhằm kéo dài thời gian.

Đến ngày 28-8-2015, thấy anh T. vẫn chưa xin được việc làm, ông Huề đã làm đơn tố cáo Quyên, anh Long, chị Vân với Công an TP.Biên Hòa.

Qua điều tra, bước đầu cơ quan công an xác định, từ tháng 10-2014 đến tháng 1-2015, ngoài trường hợp anh T., Quyên còn nhận hồ sơ, tiền xin việc cho 18 trường hợp khác. Do chưa xác định được địa chỉ của những trường hợp này nên công an không đủ cơ sở để xử lý Quyên.

Đối với anh Long, chị Vân và ông Huề, là những người trực tiếp giao dịch, nhận tiền và hưởng phần chênh lệch, nhưng cả 3 không biết hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Quyên nên không bị xử lý hình sự.

Đây cũng là bài học đắt giá cho những ai nuôi ý định dùng tiền mua việc và chức quyền. Đã không ít người sa vào “bẫy” của những kẻ lừa đảo để cuối cùng tiền mất mà việc chẳng có.

Tố Tâm

 

 

Tin xem nhiều